Tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và nội tình Bình Nhưỡng vẫn là một bí ẩn lớn. |
Tờ Đa Chiều ngày 6/10 bình luận, sự kiện "nhân vật số 2" Bắc Triều Tiên - Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Hwang Pyong-so cùng cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội và hiện là Bí thư trung ương đảng Choe Ryong-hae, Chủ tịch Mặt trận thống nhất tổ quốc Kim Yang-gon bất ngờ sang Hàn Quốc đã khiến cộng đồng quốc tế kinh ngạc.
Đây là lần đầu tiên quan chức cấp cao chỉ sau nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến Hàn Quốc kể từ khi bà Park Geun-hye trở thành Tổng thống, đồng thời cũng là lần đầu tiên Bình Nhưỡng đồng ý hội đàm cao cấp với Seoul sau rất nhiều lần từ chối.
Ngay sau đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Á - Thái Bình Dương Daniel Russel và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear đã sang Hàn Quốc từ ngày 5 đến ngày 7/10 để thảo luận chính sách đối phó với Triều Tiên. Chỉ một khoảng thời gian ngắn, Triều Tiên đã lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
Sự kiện này gợi nhớ việc năm 2000 ông Kim Jong-il đã phái "nhân vật số 2" Phó Nguyên soái Jo Myong-rok sang thăm Mỹ, sau đó diễn ra hội nghị Ngoại trưởng Mỹ - Triều. Lần này cũng tương tự. Bình Nhưỡng tỏ ra muốn đối thoại, quan hệ 2 miền có thể bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng.
Nhưng cần chú ý rằng tình trạng sức khỏe của Kim Jong-un không mấy lạc quan, tin đồn chính biến xảy ra tại Bình Nhưỡng đang ngập tràn khắp nơi. Đúng lúc này Hwang Pyong-so sang Hàn Quốc và phát tín hiệu muốn cải thiện quan hệ 2 miền, thậm chí Kim Yang-gon còn công khai tiết lộ với Seoul về tình hình sức khỏe của Kim Jong-un. Cũng trong ngày 4/10, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc lên tiếng bác bỏ tin đồn Kim Jong-un bệnh nặng trước truyền thông quốc tế.
Điểm lại những lần công khai xuất hiện trước dư luận của nhà lãnh đạo này thấy rằng, ngày 8/7 ông xuất hiện với bộ dạng chân đi tập tễnh trong ngày kỷ niệm 20 năm ngày mất Kim Nhật Thành, trong tháng 8 thị sát công trường có biểu hiện đau chân, ngày 25/9 vắng mặt trong kỳ họp Quốc hội cho thấy tình trạng bệnh của Kim Jong-un không mấy lạc quan.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Triều Tiên Hwang Pyong-so. |
Kim Jong-un đang bệnh là thực tế không thể xem nhẹ. Ngay cả truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng lần đầu tiên "lộ" ra rằng Kim Jong-un không được khỏe, vậy tại sao Kim Yang-gon tháp tùng "nhân vật số 2" thăm Hàn Quốc và Đại sứ Triều Tiên lại phủ nhận? Bệnh tình của Kim Jong-un có liên hệ gì với Hwang Pyong-so và Choe Ryong-hae?
Động thái bất ngờ thăm Hàn Quốc của Hwang Pyong-so, Choe Ryong-hae và các hoạt động ngoại giao dày đặc của Bình Nhưỡng diễn ra cùng một khoảng thời gian cho thấy Kim Jong-un rất có khả năng sử dụng kế "dịch chuyển càn khôn" để che đậy tình trạng sức khỏe của mình cũng như những nguy cơ chính biến ở Bình Nhưỡng.
Triều Tiên chỉ báo trước cho Hàn Quốc có 3 ngày về chuyến thăm miền Nam của Hwang Pyong-so, Choe Ryong-hae hôm 4/10, sau đó Seoul đồng ý. Phủ Tổng thống Nam Hàn lập tức triệu tập họp khẩn cấp thương nghị về việc này. Trên danh nghĩa, các quan chức Triều Tiên sang miền Nam dự bế mạc ASIAD ở Incheon, nhưng điểm lại hành trình và toàn bộ thời gian của họ ở miền Nam thì hoạt động chủ yếu lại là tiếp xúc, gặp gỡ các quan chức cấp cao Hàn Quốc từ Thủ tướng trở xuống.
Đây là lần tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa 2 miền sau gần 9 tháng và nhanh chóng thống nhất tổ chức hội đàm cấp cao 2 miền vào cuối tháng này. Bình Nhưỡng tỏ ra muốn tiếp tục đối thoại, quan hệ 2 miền có thể bước vào giai đoạn phát triển mới. Hwang Pyong-so công khai nói với Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc rằng chuyến đi của ông "sớm sang, tối về, nhưng thành quả gặt hái rất lớn. Hy vọng 2 miền liên lạc chặt chẽ hơn nữa, cùng mở rộng con đường đối thoại".
Hội đàm cấp cao trước đó diễn ra hồi tháng 2 năm nay ở Bàn Môn Điếm là lần đầu tiên kể từ năm 2007. Hai miền đàm phán cải thiện quan hệ, ngừng chỉ trích nhau, đoàn tụ gia đình ly tán. Ngày 11/8 Hàn Quốc đề nghị hội đàm ở lầu Thống Nhất, Bàn Môn Điếm vào ngày 19/8 nhưng Bình Nhưỡng không đả động gì. Đến 18/8, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc tiếp tục công khai giục Bình Nhưỡng trả lời đề nghị trên.
Mãi tới ngày 27/8, Mặt trận Thống nhất tổ quốc Bình Nhưỡng mới có bài xã luận lần đầu nhắc đến đề xuất hội đàm của Seoul và nhấn mạnh, nếu Hàn Quốc thành ý thực sự thì không nên chỉ thành ý miệng lưỡi, mà cần có hành động thực tế. Ngày 13/9, Bình Nhưỡng cáo buộc Seoul tiến hành "tác chiến bóng bay" thả truyền đơn sang miền Bắc, ngày 21/9 Bình Nhưỡng thúc Seoul dừng hoạt động thả truyền đơn của các tổ chức dân sự. Đến ngày 23/9, Thông tấn xã Triều Tiên tuyên bố, ngừng thả truyền đơn, ngừng tâm lý chiến chống Triều Tiên là điều kiện tiền đề cho đối thoại.
Từ trái qua phải: Hwang Pyong-so, Choe Ryong-hae, Kim Yang-gon tại lễ bế mạc ASIAD ở Incheon Hàn Quốc. |
Từ chỗ ngay từ đầu không đồng ý đối thoại cao cấp với miền Nam đến chỗ "nhân vật số 2" đột ngột sang Hàn Quốc hội đàm cao cấp, sự thay đổi lập trường của Bình Nhưỡng quả thực hiếm thấy. Có điều, sự thay đổi ấy không phải kết quả của 1 chính sách được nung nấu kỹ, mà chỉ có tính sách lược.
Sự thay đổi bất ngờ diễn ra đúng lúc Kim Jong-un bị bệnh. Bình Nhưỡng muốn hành động bất ngờ đòi đối thoại, cải thiện quan hệ với miền Nam được làm rầm rộ, thu hút chú ý của dư luận để che dấu tình trạng sức khỏe thực sự của Kim Jong-un, che mắt thế gian về các hoạt động của gia tộc họ Kim ở miền Bắc.
Mặt khác, đúng lúc sức khỏe Kim Jong-un có vấn đề khác thường lại xảy ra việc triệu tập Quốc hội bầu Hwang Pyong-so làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, bãi miễn chức vụ Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Choe Ryong-hae và Bộ trưởng Quốc phòng của Jang Jong-nam, đó là nước cờ phòng ngừa chính biến.
Lúc Kim Jong-un biến mất khỏi truyền thông lại là khi ngoại giao Triều Tiên liên tục hoạt động, đồng thời với chuyến thăm bất ngờ với thông điệp cải thiện quan hệ 2 miền của Hwang Pyong-so là chuyến công du nước Nga lần đầu tiên sau 4 năm của Ngoại trưởng Triều Tiên. Bình Nhưỡng còn nhấn mạnh thúc đẩy mời các quan chức Nhật Bản thăm Triều Tiên.
Những gì ông Kim Jong-un đang làm gợi nhớ đến người cha quá cố. Tháng 11/2008 Kim Jong-il bị đột quỵ thì tháng 5/2009 Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, tháng 11/2009 nổ ra hải chiến ngắn với Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải. Năm 2010 Triều Tiên bắn chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc và pháo kích đảo Yeonpyeong. Lần này khi sức khỏe Kim Jong-un có vấn đề, Bình Nhưỡng lại có một loạt hoạt động gây chú ý rất lớn từ công luận.
Một mặt, theo logic thông thường thì khi Bình Nhưỡng có nguy cơ sinh biến, "nhân vật số 2" như Hwang Pyong-so phải thường trực tại đại bản doanh bên cạnh Kim Jong-un. Nhưng lúc này Hwang Pyong-so sang thăm Hàn Quốc lại là nước cờ của Kim Jong-un muốn thể hiện rằng, dù cục diện bất ổn nhưng tạm thời ông vẫn là người nắm giữ quyền lực. Cũng trong lúc này Choe Ryong-hae vừa bị thất sủng khỏi vị trí "nhân vật số 2" cũng được điều đi miền Nam cùng Hwang Pyong-so có thể là kế điệu hổ ly sơn, kiểm soát Bình Nhưỡng của Kim Jong-un.
Cũng có nhà quan sát cho rằng bình thường nếu Kim Jong-un có vấn đề gì về sức khỏe, với vai trò "nhân vật số 2" Hwang Pyong-so cần lập tức trấn thủ Bình Nhưỡng ổn định tình hình, nhưng ông Hwang vẫn đi Seoul cho thấy còn 1 khả năng khác, Bình Nhưỡng có biến và nhân vật số 2 thực sự không phải Hwang Pyong-so, mà là một nhân vật giấu mặt khác.
Chỉ trong vòng 2 tháng ngắn ngủi, Kim Jong-un biến mất khỏi truyền thông, Hwang Pyong-so đáp chuyên cơ của Kim Jong-un thăm Hàn Quốc phải chăng là kế điệu hổ ly sơn, càn khôn chuyển dịch của Kim Jong-un hay không cần phải chờ thêm thời gian để có câu trả lời. Cấp trên thực sự của Hwang Pyong-so là ai, cũng còn phải chờ "hồi sau phân giải.