Asia Nikkei Review ngày 18/5 đưa tin, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định không áp dụng "mô hình Libya" trong quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ông Donald Trump nói với báo giới hôm thứ Năm khi tiếp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng:
"Mô hình Libya không phải mọi thứ chúng tôi có khi nghĩ đến Bắc Triều Tiên.
Trong trường hợp Libya chúng tôi đã thẳng tay với quốc gia này, không có bất cứ thỏa thuận nào về việc giữ Gaddafi.
Chúng tôi chưa bao giờ nói với Gaddafi rằng 'chúng tôi sẽ bảo vệ ông, chúng tôi sẽ cung cấp cho ông sức mạnh quân sự'."
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thư ký NATO tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng, ảnh: Reuters. |
Tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh, nếu ông Kim Jong-un chấp nhận đàm phán, đó là "mô hình Hàn Quốc" thì đúng hơn:
"Ông ấy (Kim Jong-un) sẽ tiếp tục lãnh đạo quốc gia mình. Đất nước của ông ấy sẽ rất giàu có, (vì) người dân của ông ấy rất cần cù."
Phát biểu của Tổng thống Donald Trump được đưa ra trước sự tức giận của Bình Nhưỡng, do Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã đề xuất "mô hình Libya" cho quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Donald Trump cũng không quên cảnh báo Bình Nhưỡng:
"Mô hình Libya sẽ có chỗ nếu chúng ta không thể đạt được một thỏa thuận."
Nhưng đồng thời ông chủ Nhà Trắng cũng ngay lập tức lưu ý thêm, ông tin Kim Jong-un sẽ rất hài lòng với thỏa thuận mà 2 bên đang chuẩn bị.
Tổng thống Donald Trump cho rằng, sở dĩ ông Kim Jong-un đột ngột "đổi giọng" có khả năng do tác động của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm thứ 2 tới Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên:
Khí phách Kim Jong-un: Triều Tiên không phải Iraq hay Libya |
"Mọi thứ có thay đổi chút ít khi ông ấy gặp Chủ tịch Trung Quốc lần thứ 2. Có lẽ Chủ tịch Tập Cận Bình đã có ảnh hưởng đối với Kim Jong-un." [1]
Yonhap News ngày 18/5 cho biết, Hoa Kỳ vẫn quả quyết họ không có kế hoạch thay đổi quy mô lực lượng quân sự Mỹ đồn trú trên bán đảo Triều Tiên, hiện khoảng 28,500 quân.
Hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều hôm 27/4 ở Bàn Môn Điếm đã kích thích các đồn đoán về khả năng Mỹ rút / giảm bớt lực lượng quân sự đồn trú tại Hàn Quốc.
Đầu tuần này, Mỹ và Hàn Quốc đã nhóm họp tại Washington DC về thỏa thuận các biện pháp đặc biệt thứ 10, xoay quanh việc phân chia kinh phí để duy trì lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc.
Nhưng Seoul và Washington vẫn còn quan điểm khác xa nhau trong việc phân chia tỷ lệ chi phí để duy trì lực lượng này, trong khi thỏa thuận các biện pháp đặc biệt thứ 10 sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Hàn Quốc đã phải chính thức trả tiền cho việc duy trì quân đội Mỹ hiện diện trên lãnh thổ của mình từ đầu thập niên 1990.
Đóng góp của Seoul đã tăng lên khoảng 960 tỉ won (887 triệu USD) vào năm 2018 với thời hạn 5 năm, so với mức 150 tỉ won năm 1991. [2]
Còn về phía Bình Nhưỡng, cũng theo Yonhap News ngày 18/5, hôm nay Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức cuộc họp Quân ủy Trung ương do ông Kim Jong-un chủ trì.
KCNA cho biết, ông Kim Jong-un đã xem xét, phân tích việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, quân sự của quân đội sau Đại hội VII Đảng Lao động Triều Tiên, chỉ ra phương hướng, phương thức xây dựng quân đội và các hoạt động quân sự trong tình hình mới. [3]
Nguồn:
[2]http://english.yonhapnews.co.kr/news/2018/05/18/0200000000AEN20180518004451315.html
[3]http://english.yonhapnews.co.kr/news/2018/05/18/0200000000AEN20180518004900315.html