Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong một lần chỉ huy kiểm tra kỹ năng bơi lội của các sĩ quan hải quân Bắc Triều Tiên. |
Bưu điện Washington ngày 10/10 bình luận, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể biến mất khỏi truyền thông hơn 1 tháng qua nhưng các đại diện ngoại giao của ông thì bận mải hơn thường lệ, họ phải làm việc thêm giờ.
Ngoại trưởng Ri Su-yong đã có mặt khắp nơi, từ Myanmar, Indonesia đến Ethiopia và Iran. Tháng trước Ngoại trưởng Triều Tiên sang Mỹ dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần đầu tiên sau 15 năm, và hôm Thứ Sáu ông kết thúc 10 ngày thăm Nga.
Trưởng ban Đối ngoại đảng Lao động Triều Tiên Kang Sok-ju đã sang thăm Bỉ, Thụy Sỹ, Đức sau đó là Ý. Ông đã gặp Tổng thống Mông Cổ ở Bắc Kinh trên đường trở về nước. Đã có các cuộc gặp giữa quan chức cấp cao Bình Nhưỡng và Tokyo về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
Và sau đó là 3 quan chức cấp cao hàng đầu Triều Tiên do Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Hwang Pyong-so dẫn đầu đã bất ngờ sang thăm Hàn Quốc cuối tuần trước, hội đàm với các quan chức Seoul và hứa hẹn gặp nhau lần nữa.
Người ta không nhìn thấy Kim Jong-un xuất hiện công khai trong 5 tuần qua, ngay cả ngày kỷ niệm 69 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên hôm Thứ Sáu ông cũng không xuất hiện. Điều này thúc đẩy những đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông, đặc biệt là các chứng bệnh liên quan đến béo phì.
Như hầu hết thông tin khác liên quan đến Bắc Triều Tiên, sự thật vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên Bắc Triều Tiên đang bắt tay vào chương trình quảng bá hình ảnh mạnh nhất kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền. Hầu hết các nhà phân tích tin rằng những hoạt động đối ngoại dồn dập như vậy sẽ không xảy ra nếu không có những biến động thực tế trong nước.
Thủ tướng Hàn Quốc và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Triều Tiên gặp gỡ nhau. Chỉ 3 ngày sau, 2 nước lại nã pháo vào nhau ngoài biên giới. |
Scott Snyder, một chuyên gia về Triều Tiên tại Ủy ban Quan hệ đối ngoại nói: "Đây là giai đoạn hoạt động ngoại giao của Triều Tiên mạnh nhất. Họ đang thực sự vươn ra thế giới bên ngoài. Câu hỏi đặt ra là cái gì đang diễn ra bên trong Bắc Triều Tiên, cái gì thúc đẩy họ làm như vậy? Không ai biết chắc chắn."
Hoạt động ngoại giao "tấn công quyến rũ" của Bình Nhưỡng xuất hiện nhằm mục đích cố gắng làm cho Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới hiểu rằng Bình Nhưỡng thực sự bị cô lập. Triều Tiên chỉ muốn nói chuyện về viêc các quốc gia không nên than phiền về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tại châu Âu, ông Kang Sok-ju nói rằng cơ sở duy nhất cho đối thoại Mỹ - Triều là Washington cần chấp nhận Triều Tiên là một nhà nước hạt nhân.
"Bình Nhưỡng đang cố gắng để được chấp nhận như một quốc gia bình thường trên sân khấu chính trị quốc tế nhưng vẫn giữ được chương trình hạt nhân của mình. Một cách đơn giản, họ đang muốn thúc đẩy vấn đề hạt nhân ra khỏi các chương trình nghị sự", một quan chức cấp cao cho biết. Snyder đồng ý với nhận định này.
Các nỗ lực ngoại giao của Bắc Triều Tiên thể hiện cấp độ mới của sự cởi mở khi thừa nhận lần đầu tiên rằng họ vẫn duy trì hệ thống trại lao động cải tạo. Cũng lần đầu tiên truyền thông Bình Nhưỡng nói rằng Kim Jong-un không được khỏe hay trước đó đưa tin vụ sập nhà chung cư.
Tuy nhiên Evans Revere, một cựu thương thuyết gia hàng đầu của Mỹ với Bình Nhưỡng nói rằng, sớm muộn rồi Triều Tiên sẽ trở lại mô hình quen thuộc: Tấn công ngoại giao quyến rũ, đối thoại và thỏa thuận sau đó thường không đi đến đâu, cuối cùng là những lời chỉ trích, đe dọa leo thang, thậm chí là các hành động khiêu khích. Nó đã lặp đi lặp lại thành quy luật.
Những chu kỳ như thế diễn ra trước đây thường để lại hậu quả tồi tệ. Lần cuối cùng 2 quan chức cấp cao Bắc Triều Tiên đã thăm Seoul trong năm 2009, một vài tháng sau ngư lôi và pháo binh Triều Tiên đã đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc khiến 50 thủy thủ thiệt mạng. Ngay chuyến thăm bất ngờ vừa rồi diễn ra chỉ 3 ngày sau đó, miền bán đảo đã nã pháo vào nhau ngoài biên giới.
"Vì vậy chu kỳ mới lại bắt đầu, và chúng tôi chỉ có thể hy vọng rằng lần này nó sẽ tạo ra một kết quả tốt hơn trong quá khứ" Evans Revere bình luận.