7 ngân hàng tranh chấp kho cà phê: Ai chịu trách nhiệm nợ xấu?

11/12/2013 07:45
Minh Hồng
(GDVN) - Khả năng trả số nợ hơn 600 tỉ đồng cho 7 ngân hàng của Công ty Trường Ngân dường như là không thể, lúc này ngoại trừ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đang chiếm ưu thế trong việc thu hồi tài sản thế chấp. Tuy nhiên khi kịch bản xấu nhất xảy ra số tiền hơn 600 tỉ đồng trở thành nợ xấu thì ai là người phải chịu trách nhiệm?
1001 kiểu xiết nợ... ngân hàng vẫn thiệt

Không phải đến khi vụ việc 7 ngân hàng cũng lúc bao vây, tranh giành, thậm chí xô xát để bảo vể tài sản thế chấplà số cà phê còn lại trong kho hàng của Công ty TNHH Trường Ngân mới thấy được tình trạng “dở khóc, dở mếu” của nhà băng khi gặp những con nợ siêu chây ỳ. Trong lúc này, dù ngân hàng có “khủng bố” từ việc “nã” điện thoại, “rình rập” thu nợ cho đến lôi nhau ra tòa nhưng trước con nợ không còn khả năng trả nợ thì mọi biện pháp đều vô hiệu.
Theo chia sẻ của một nhân viên ngân hàng, hiện nay nhà băng nơi chị này làm việc đang thực hiện việc phân loại con nợ để từ đó đưa ra hình thức xiết nợ riêng cho từng đối tượng khác nhau. Ngay trong việc phân loại nợ cũng chia ra theo từng cấp độ, mỗi cấp độ sẽ áp dụng chiêu thức khác nhau. Ví dụ với khoản nợ quá hạn khoảng 3 tháng, ngân hàng sẽ gửi công văn yêu cầu trả, rồi liên tục “nã” điện thoại không kể thời gian. Thậm chí mùng 1 đầu tháng, ngày tết lễ nghỉ…

Để đòi tiền những "thượng đế" kiêm "chúa chổm" ngân hàng phải dùng cả độc chiêu cho bảo vệ ăn trực nằm chờ trông giữ tài sản thế chấp
Để đòi tiền những "thượng đế" kiêm "chúa chổm" ngân hàng phải dùng cả độc chiêu cho bảo vệ ăn trực nằm chờ trông giữ tài sản thế chấp

Độc chiêu tiếp được ngân hàng sử dụng để đối phó với những “chúa chổm” là “chây ỳ, ăn vạ”. Điển hình trong vụ vỡ nợ tại Công ty cổ phần Inox Việt - Mỹ tại Hà Nội. Công ty này đã thế chấp hết inox để vay hơn 200 tỷ đồng tại các ngân hàng. Đến khi không trả được nợ, các ngân hàng mới vỡ lẽ có đến 5 - 6 ngân hàng khác cùng nhận thế chấp kho hàng này. Bảo vệ, xe tải của các ngân hàng được huy động để canh tài sản của con nợ. Đây là chiêu thức được các ngân hàng thực hiện nhiều nhất thời gian qua.
Khi không thấy hiệu quả, các ngân hàng tìm cách gửi thông tin về địa phương, tìm về địa phương nơi chủ doanh nghiệp, quê cha đất tổ của con nợ để thông báo số nợ để làm xấu con nợ, tạo áp lức khiến kẻ vay phải trả nếu không muốn mất mặt với gia đình, anh em, làng xóm. Ngay cả khi việc bôi xấu không thành, ngân hàng sẽ tìm cách thu, khóa tài sản tạm giữ chờ xử lý xong nợ. Có chuyện nhân viên ngân hàng sau nhiều ngày chờ trực đòi nợ không được khi thấy phương tiên của con nợ liền dùng xích khóa lại để buộc phải trả tiền.
Sau cùng cực chẳng đã ngân hàng và con nợ lôi nhau ra tòa án, suy đến cùng khi khả năng trả nợ không còn, tài sản không có để thu hồi khiến con nợ phải vào vòng lao lý. Cuối cùng ngân hàng vẫn phải gánh hậu quả.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp tài sản thế chấp cho thấy đang có vấn đề nghiêm trọng trong quá trình thẩm định, phê duyệt cho vay của các ngân hàng. Vì theo quy định, một tài sản thế chấp ở ngân hàng phải có đầy đủ hồ sơ hợp pháp, được đăng kí giao dịch bảo đảm trên hệ thống, được quản lý và giám sát chặt chẽ… Doanh nghiệp không dễ để có thể đem tài sản đi bán hoặc thế chấp ở nơi khác.

Trở lại vụ việc Công ty Trường Ngân dùng cùng một kho hàng làm tài sản thế chấp hàng hóa luân chuyển để vay hơn 600 tỉ đồng của 7 ngân hàng khác nhau có 2 khả năng xảy ra: Thứ nhất, với một kho hàng, doanh nghiệp đã làm hồ sơ, chứng từ giả sau đó đem thế chấp cho nhiều ngân hàng. Trường hợp này doanh nghiệp có dấu hiệu của tội "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".

Trường hợp thứ 2, khi thế chấp lượng cà phê trong kho hàng thế chấp đầy đủ nhưng khi thua lỗ làm ăn doanh nghiệp lén lút bán tài sản thế chấp. 

Trong cả hai trường hợp trên, doanh nghiệp đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tuy nhiên nếu trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, thẩm định tài sản thế chấp của doanh nghiệp mà cán bộ ngân hàng trực tiếp thực hiện tắc trách, hoặc cố tình “phớt lờ” sai phạm của doanh nghiệp. Như vậy trách nhiệm thuộc về các cán bộ ngân hàng đã câu kết với doanh nghiệp gây thiệt hại, cần quy trách nhiệm cá nhân để xử lý, đền bù thiệt hại.

Vụ việc Trường Ngân cần quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân phải chịu trách nhiệm, để xử lý thu hồi tài sản thế chấp (ảnh Tuổi trẻ).
Vụ việc Trường Ngân cần quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân phải chịu trách nhiệm, để xử lý thu hồi tài sản thế chấp (ảnh Tuổi trẻ).

Mặt khác nguyên dẫn đến cảnh ngân hàng hiện nay phải thay nhau canh giữ tài sản thế chấp hòng vớt vát lại số tài sản thế chấp còn lại cho thấy hậu quả lớn của một giai đoạn đua tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng và sự dễ dãi trong các khoản vay của ngân hàng.

Có cán bộ ngân hàng từng bộc bạch bị lãnh đạo áp doanh số vì thế khi thấy doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn là ngay lập tức chạy đến tư vấn làm hồ sơ vay vốn. Bỏ qua khâu quan trọng là thẩm định tài sản thế chấp miễn sao hoàn thành doanh số lấy thưởng.
Những lỗ hổng lớn nhất trong hệ thống ngân hàng chính là câu chuyện đạo đức nghề nghiệp xuống cấp của một bộ phận cán bộ ngân hàng. Minh chứng cụ thể cho nhận định này chính là một loạt vụ việc cán bộ ngân hàng làm sai bị xử lý thời gian qua.

Cùng với đó, hiện nay công tác thẩm định giá tài sản thế chấp của các ngân hàng đang bộc lộ thiếu chuyên môn, chuyên nghiệp. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Văn Phương - Quản lý bộ phận Tư vấn và thẩm định giá của CBRE cho rằng:Thẩm định giá tài sản thế chấp hiện nay vẫn là chuyện nội bộ của ngân hàng. Vì thế chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường do những xung đột về lợi ích (ngân hàng và khách hàng), do hạn chế về kinh nghiệm, dẫn tới định giá quá cao hoặc quá thấp. 
Theo ông Phương vấn đề thẩm định giá cần để một bên thứ 3 ngoài cuộc có uy tín thực hiện để hạn chế, phòng ngừa và giải quyết nợ xấu.
Minh Hồng