Ba đặc khu tạo nên sức hút lớn đưa Việt Nam thành con hổ ở Đông Nam Á

25/05/2018 06:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhận định, đây là mô hình đột phá cho nền kinh tế đã được Hàn Quốc áp dụng ở Incheon, Jeju...

Còn ở Trung Quốc cũng đã áp dụng mô hình đặc khu ở Thẩm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu... và đều đã đạt được nhiều thành quả kinh tế rất lớn.

Ngoài ra còn có Dubai và nhiều quốc gia khác cũng đã áp dụng mô hình đặc khu. Đây cũng là chiến lược phát triển kinh tế phù hợp cho mục tiêu, định hướng với những ngành nghề ưu tiên, có lợi thế vượt trội, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, là bước đột phá cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam từ kinh nghiệm và việc làm trong sự nghiệp đổi mới.

Ví dụ, từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thời Long An rồi đến khoán của Vĩnh Phúc, Hải Phòng, đây là những điểm sẽ tạo nên bước đột phá mới.

Khắc phục được tình trạng những năm qua tăng trưởng thấp, các giải pháp phát triển kinh tế đang có dấu hiệu bão hòa, sức cạnh tranh thấp, chưa có những bước đột phá mới cho nên thực tiễn của việc thu ngân sách của chúng ta chưa vững chắc. Nhiều tỉnh chủ yếu dựa vào tiền thuế đất hoặc tiền bán đất. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương ủng hộ thành lập 3 đặc khu vì sẽ tạo ra sự bứt phá cho kinh tế đất nước. ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương ủng hộ thành lập 3 đặc khu vì sẽ tạo ra sự bứt phá cho kinh tế đất nước. ảnh: Trung tâm thông tin quốc hội.

Đại biểu nguyễn Ngọc Phương cũng nêu một số vấn đề đáng chú ý:

Thứ nhất, luật tiếp tục thẩm định đánh giá và tiếp thu những ý kiến của các đại biểu phát biểu để làm rõ loại hình kinh doanh nào đủ sức cạnh tranh, loại nào chưa đủ sức cạnh tranh, điểm khác biệt nào của khu kinh tế hành chính đặc biệt so với các khu kinh tế khác. Thêm các điều, khoản trong điều luật đơn vị đặc biệt này để có sự khác biệt.

Thứ hai, Đại biểu Phương đồng tình với việc trong đơn vị hành chính đặc biệt cần có tổ chức Hội đồng nhân dân để thực hiện nhiệm vụ giám sát. Bởi lẽ quyền lực càng cao càng đặc biệt, mô hình loại mới và thường xuất hiện những cái nóng thì càng cần được kiểm tra giám sát quyền lực, không để tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng, làm xấu đi một định hướng, phát triển kinh tế quan trọng, làm mất đi niềm tin và ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và làm suy thoái nền kinh tế của đất nước. 

Với đơn vị này nếu có gì sai phạm thì rất khó điều chỉnh, vì liên quan đến các doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới.

Ba đặc khu tạo nên sức hút lớn đưa Việt Nam thành con hổ ở Đông Nam Á ảnh 2

Ông Mai Sỹ Diến: Xây dựng đặc khu để tạo sự đột phá về kinh tế đất nước

Thứ ba, đồng tình với việc tăng quyền lực cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu. Tất nhiên cần phải xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh giảm bớt quy định cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân và giao cho Ủy ban ủy quyền trách nhiệm cho Phó Chủ tịch và một số ban, ngành chuyên môn. 

Theo dự thảo quá nhiều nội dung Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký, cấp quyết định, trong đó có những nội dung cụ thể như Chủ tịch Ủy ban đặc khu cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đặc khu cấp, đổi giấy phép kinh doanh, cấp, đổi, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các chi nhánh văn phòng đại diện...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát hết mọi vấn đề, việc gì Chủ tịch cũng ký thì không có thời gian để lo việc lớn. 

Theo như dự thảo thì vị trí Chủ tịch rất dễ bị vi phạm khuyết điểm. 100 việc làm tốt, chỉ cần 1 việc làm sai thì đã không còn gì nữa rồi, cho nên rất nguy hiểm.

Thứ tư, về chức năng bộ máy chính quyền, như nhiệm vụ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân không nhất thiết phải nêu tất cả các nội dung vào luật, vì đã có quy định của luật chính quyền địa phương, nên trong luật, để ngắn gọn, chỉ nêu những vấn đề mang tính đặc biệt.

Thứ năm, về thu hồi đất để thực hiện dự án trong khoản 5 Điều 32 dự thảo quy định 3 trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Đây là một điểm ông Phương cho rằng cần xem xét thêm, vì theo như luật hiện nay thì các doanh nghiệp tự thỏa thuận và thực tế xảy ra là rất nhiều dự án 10-15 năm mà không thực hiện được do 1, 2 hộ gia đình họ không chấp nhận. 

“Với đặc khu này, tôi đề nghị phải chỉnh sửa là giao quyền cho Ủy ban đặc khu thu hồi đất, nếu không rất khó trong quá trình tổ chức thực hiện.

Và sắp tới, hướng của Luật Đất đai 2013 cũng phải nên sửa chữa điều này, chứ thực tế vừa qua rất khó khăn với các doanh nghiệp trong việc thực hiện thu hồi đất, nhà nước thu hồi sau đó đấu thầu thì bao giờ cũng thuận lợi hơn”, ông Phương nêu quan điểm.

Thứ sáu, điểm 6 khoản 36 Điều 39 luật quy định: "Hằng năm Chính phủ trình Quốc hội quyết định bổ sung ngân sách".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng điểm này không phù hợp: "Quốc hội đầu nhiệm kỳ thông qua ngân sách, đúng hạn 5 năm sau mới có. Như vậy, hằng năm làm gì có Chính phủ trình cho Quốc hội để thông qua vấn đề này. 

Tôi đề nghị phải xem xét tùy theo từng điều kiện, từng đặc khu để có đề án trình. Chính phủ trình Quốc hội chỉ một lần thôi. Ví dụ như hiện nay Phú Quốc ngân sách đầu tư nhiều rồi, nhưng Quảng Ninh chưa có đầu tư thì bây giờ phải xem xét đầu tư cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện để đáp ứng yêu cầu và số lượng con người ở đây tăng lên”.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – Hà Nội: Tôi mong muốn bỏ quy định về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dịch vụ liên quan dịch vụ kinh doanh casino, dịch vụ kinh doanh đặt cược, dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử.

Mặc dù có tiếp thu phương án áp dụng mức thuế suất là 15%, mức thuế hiện hành là 35% nhưng ở đây không phải là miễn giảm ít hay nhiều mà là bản chất của thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt gánh trên mình nhiệm vụ là điều tiết tiêu dùng, định hướng tiêu dùng, chúng ta chỉ áp dụng theo lộ trình là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhiều nước trên thế giới khi áp dụng chính sách ưu đãi cũng không áp dụng ưu đãi đối với thuế tiêu thụ đặc biệt. Đề nghị để phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo phù hợp bản chất thuế nên bỏ quy định miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc - Bình Thuận: Việc đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dự án đã được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tính toán, cân nhắc thận trọng, có khống chế thời gian 10 năm, sau đó áp dụng theo quy định hiện hành của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Nếu áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 15% thì sẽ không tạo được sự khác biệt cạnh tranh với các dự án tương tự đang triển khai tại các nước khác trong khu vực do có chính sách ưu đãi và cơ sở hạ tầng tốt hơn, như vậy sẽ tác động ảnh hưởng rất lớn tới tính khả thi trong triển khai dự án đầu tư có động lực của đặc khu.

Để các dự án dịch vụ kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược, kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng được áp dụng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt, tạo ra sự khác biệt và có tính cạnh tranh mang tính khả thi cao tác động thúc đẩy triển khai dự án đầu tư của các đặc khu. 

Tôi đề nghị khoản 3 Điều 44 nên chỉnh sửa theo phương án mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư là được áp dụng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt là 10% trong thời hạn 10 năm kể từ khi có doanh thu từ dịch vụ. Hết thời hạn 10 năm, các dịch vụ này được áp dụng mức thuế suất tiêu thu đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Ngọc Quang