Chứng khoán năm 2013 sẽ khởi sắc và tạo tiền đề tăng trưởng

16/02/2013 07:48
Theo Vietstock
Trong buổi trò chuyện đầu năm mới, TS Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường – UBCK, nhìn nhận năm Quý Tỵ 2013 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng TTCK sẽ có những khởi sắc nhất định và tạo tiền đề cho sự tăng trưởng của những năm tiếp theo.
- Năm Nhâm Thìn 2012 vừa trôi qua với nhiều khó khăn, điều này cũng thể hiện trong báo cáo tài chính (BCTC) năm của các doanh nghiệp: Có những doanh nghiệp đã lỗ liên tiếp từ 2-3 năm và đang đối diện với nguy cơ hủy niêm yết. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
TS. Nguyễn Sơn:
Mặc dù chưa hết thời hạn công bố BCTC kiểm toán (30/3) đối với công ty niêm yết, nhưng qua những BCTC đã được công bố cho thấy năm 2012 có khá nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục thua lỗ thêm năm thứ hai và thứ ba. Điều này cũng dễ hiểu, bởi kinh tế vĩ mô năm 2012 được xem là năm khó khăn nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đến nay: Thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu ngân hàng gia tăng; hàng tồn kho nhiều trong khi DN khó tiếp cận vốn qua ngân hàng (tăng trưởng tín dụng dưới 7%); TTCK suy thoái kéo dài khiến giá cổ phiếu rớt dưới mệnh giá, gây khó khăn cho DN phát hành cổ phiếu tăng vốn.
TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường UBCK (Nguồn: Internet)
TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường UBCK (Nguồn: Internet)
Theo quy định của pháp luật về niêm yết chứng khoán (Nghị định 58/CP), nếu DN niêm yết bị lỗ 3 năm liên tiếp, hoặc dưới 3 năm nhưng có lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong BCTC kiểm toán năm gần nhất sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Mặc dù việc hủy niêm yết gây trở ngại cho các cổ đông khi chuyển nhượng cổ phiếu nhưng theo tôi đây cũng là điều cần thiết, bởi lẽ DN niêm yết cần phải được sàng lọc để có chất lượng cổ phiếu tốt. Không thể để hình ảnh công ty niêm yết mà lại có thua lỗ kéo dài, hoặc âm vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, đến nay chúng ta đã có trên 700 DN niêm yết trên hai sàn, nhưng mức vốn hóa thị trường lại quá nhỏ, do đó cần thiết phải từng bước nâng cao tiêu chuẩn niêm yết trên các sàn giao dịch, thời điểm này chúng ta cần phải vừa mở rộng quy mô nhưng cũng phải chú trọng tới chất lượng, hơn là số lượng như thời kỳ đầu. Đối với các cổ đông, trường hợp DN bị hủy niêm yết thì cơ quan quản lý cũng đã yêu cầu đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM để tạo điều kiện thanh khoản cho giao dịch cổ phiếu. Sau một năm nếu DN làm ăn có lãi và đáp ứng được các yêu cầu niêm yết thì có thể được niêm yết lại trên Sở Giao dịch chứng khoán.
- Ông có thể cho biết, vì sao những giải pháp hỗ trợ thị trường không được Ủy ban chứng khoán ban hành sớm hơn, ngay từ năm 2012 khi thị trường gặp nhiều khó khăn mà phải đợi đến đầu năm 2013?
TS. Nguyễn Sơn: Hàng năm, việc ban hành các chính sách, giải pháp phát triển thị trường luôn được quan tâm thực hiện.
“Nhằm hướng tới một thị trường công khai, minh bạch, năm 2013 khung pháp lý về hoạt động quản lý, giám sát thị trường cũng sẽ được hoàn thiện hơn trên cơ sở sửa đổi Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính để tăng tính răn đe. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, giám sát cũng được đẩy mạnh để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm” – TS Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, UBCK
Trong năm 2012, ngay từ tháng 3 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 52/TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến 2020 và Chỉ thị 08/TTg về một số giải pháp thúc đẩy phát triển TTCK; đề án tái cấu trúc TTCK. Ngoài ra, về phía Chính phủ, Bộ Tài chính và UBCK cũng đã có hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong năm 2012 nhằm tạo hàng lang pháp lý cho hoạt động của thị trường được minh bạch hơn như Nghị định 58/CP hướng dẫn Luật Chứng khoán; Thông tư hướng dẫn về CBTT; Thông tư về quản trị công ty vv... Những chính sách, giải pháp đều có tính căn cơ, dài hạn. Còn nhóm các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho DN và TTCK mà cơ quan quản lý công bố trong tháng 1/2013 được thực hiện trên cơ sở đánh giá những khó khăn của năm 2012 và những thách thức phải đối mặt trong những tháng đầu năm 2013. Những giải pháp này nhằm tháo gỡ những khó khăn mà Chính phủ đã nhận thấy và cần thiết phải tháo gỡ theo tinh thần của Nghị quyết 01/CP và Nghị quyết 02/CP của Chính phủ. Việc tháo gỡ khó khăn cho DN và TTCK cũng nằm trong nhóm các giải pháp tháo gỡ khó khăn chung cho thị trường bất động sản; xử lý nợ xấu; hàng tồn kho của doanh nghiệp và nền kinh tế.- Những ngày đầu năm 2013, thị trường có sự tích cực nhất định nhưng nhà đầu tư vẫn e sợ về tính bền vững của xu hướng này. Với tư cách là nhà quản lý, ông có nhận định hay nhắn nhủ gì đối với thị trường trong năm mới Quý Tỵ?TS. Nguyễn Sơn: Năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn đối với kinh tế vĩ mô và khu vực DN, đặc biệt là những tháng đầu năm do độ trễ của việc thực thi chính sách và những biến động về tăng giá một số mặt hàng cơ bản như điện, than, xăng dầu.
Chứng khoán năm 2013 có phục hồi?
Chứng khoán năm 2013 có phục hồi?
Tuy nhiên, có thể thấy Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị quyết để triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và những động thái của Chính phủ và NHNN về việc không hạn chế tín dụng phi sản xuất cũng sẽ khơi thông được dòng vốn đầu tư trong nước. Việc Chính phủ đẩy mạnh việc cổ phần hóa các DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng sẽ tạo nguồn cung hàng hóa tốt cho TTCK. Theo tôi TTCK sẽ có những khởi sắc nhất định trong năm 2013 và tạo tiền đề cho sự tăng trưởng của những năm tiếp theo. Nhưng nhà đầu tư cần phải thận trọng và có tính chuyên nghiệp hơn trong hoạt động đầu tư của mình bởi những khó khăn vẫn còn tiềm ẩn từ kinh tế thế giới và kinh tế vĩ mô trong nước. Việc UBCK tạo lập các công cụ đầu tư, sản phẩm mới trong năm 2013 như ETF; các quỹ BĐS, công ty đầu tư chứng khoán… cũng sẽ đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư để qua đó giảm thiểu rủi ro và gia tăng cơ hội đầu tư.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Vietstock