"Cứ hãng nào giá rẻ, thuận tiện thì hành khách chọn bay thôi"

29/01/2015 08:37
Mai Anh (thực hiện)
(GDVN) - Đó là nhận định của TS Trần Đình Bá trước ý kiến cho rằng thị trường hàng không vẫn đang ở thế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước.

Phía sau câu chuyện Bộ Công Thương ra Thông báo số 130/2015 về việc yêu cầu cán bộ, công nhân viên của Bộ khi đi công tác trong nước và nước ngoài phải đi  hàng không giá rẻ, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công Thương vi phạm Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên trao đổi với báo chí, nhiều luật sư khẳng định Bộ Công Thương không phạm luật bởi xuất phát điểm vấn đề muốn tiết kiệm chi phí, giảm chi ngân sách...

Từ câu chuyện trên một lần nữa dư luận đặt vấn đề, trong khi các doanh nghiệp nhà nước luôn được ưu ái thực hiện các dự án, được ưu ái lựa chọn làm đối tác, thì việc Bộ Công Thương đưa ra vấn đề lựa chọn hàng không giá rẻ lại bị quy kết vi phạm Luật Cạnh tranh liệu có công bằng?

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam:

- Thưa TS Trần Đình Bá, ông đánh giá như thế nào về văn bản yêu cầu cán bộ, công nhân viên đi hàng không giá rẻ của Bộ Công Thương?

TS Trần Đình Bá: Đây là việc làm thực hành tiết kiệm của Bộ Công Thương mà các Bộ khác phải học tập. Ngân sách Nhà nước đã khoán cho Bộ thì họ có quyền quản lý ngân sách đó, có quyền yêu cầu nhân viên thuộc quyền đi hàng không giá rẻ để tiết kiệm cho Nhà nước, lạm chi là bị xuất toán thì họ phải biết lo chứ. 

Hàng không giá rẻ là xu thế hiện nay mà nhiều nước áp dụng. Thông báo của Bộ Công thương nên mở rộng ra nhiều hãng như Jestar Pacific và Vietnam Airlines, nếu hãng nào rẻ hơn, họ vẫn có quyền bay.

- Thị trường hàng không hiện có 3 hãng hàng không lớn Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet. Tuy nhiên với việc nhà nước sở hữu cổ phần lớn của Vietnam Airlines còn Vietnam Airlines sở hữu cổ phần lớn Jetstar Pacific... liệu cuộc cạnh tranh trên thị trường hàng không có sòng phẳng được không, thưa ông?

TS Trần Đình Bá: Jetstar Pacific mặc dầu là “dưới trướng”  của Vietnam Airlines nhưng họ vẫn sòng phẳng, cạnh tranh lành mạnh với Vietnam Airlines, Vietjet. Theo tôi, cứ nơi nào giá rẻ, dịch vụ tốt, thuận tiện lịch bay thì hành khách chọn đi thôi.

Tôi chỉ thắc mắc về giá vé một số đường bay hiện Vietnam Airlines đang độc quyền như TP.HCM đi Côn Đảo chỉ 230 km lên tới 1.400000 đồng/vé, đắt hơn vé Jetstar, Vietjet từ TP.HCM đi Hà Nội, đắt hơn vé từ TP.HCM đi Phú Quốc (300 km) là bất hợp lý.

Côn Đảo là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hài đảo mà Vietnam Airlines bán vé cao như vậy mới là sự bất công và vi phạm Luật cạnh tranh... và như vậy Vietnam Airlines đã chơi không sòng phẳng trong sân chơi kinh tế thị trường. Lẽ ra giá vé của Vietnam Airlines phải rẻ hơn mới thể hiện  mình là “anh cả” doanh nghiệp quốc doanh, nơi nhận được nhiều ưu ái.

- Vậy theo ông, cần làm gì để thị trường hàng không cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch?

TS Trần Đình Bá: Việt Nam đã xóa bỏ hoàn toàn bao cấp chuyển qua cơ chế thị trường cạnh tranh lành mạnh, song vẫn tồn tại trong ngành hàng không một số "nguyên tắc" độc quyền, chưa thông thoáng... Bằng chứng là đã có nhiều hãng hàng không trong nước hoạt động không hiệu quả, phải ngừng bay như Indochina Airlines (ICA) hay AirMekong (MCA)…

Nếu kéo dài tình cảnh này sẽ gây lãng phí cho nhiều hãng, ngay cả Vietnam Airlines cũng chịu lỗ rất nặng, cạnh tranh mà – cuộc chơi mà. Song thiệt thòi nhất vẫn là hành khách đi lại phải chịu giá vé cao cùng những dịch vụ chưa tương xứng tại các nhà ga hàng không.

Muốn lành mạnh nền hàng không Việt, như tôi đã nói nhiều là phải đột phá vào công nghệ, tiết kiệm trong chi phí vận tải, đặc biệt là phải Đấu thầu đường bay và dịch vụ sân bay. Các đường bay tối thiểu phải có từ ít nhất 2 hãng trở lên để cạnh tranh, các sân bay chỉ có 1 hãng phải đấu thầu về giá mới cho bay để đảm bảo quyền lợi Nhà nước và Nhân dân.

Ví dụ các sân bay Côn Đảo, Đồng Hới, Chu Lai, Pleiku… phải cho các hãng đấu thầu công khai, minh bạch và tăng hiệu quả khai thác, thu hút hành khách.

- Theo ông phân khúc hàng không giá rẻ có vị thế thế nào trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam hiện nay?

TS Trần Đình Bá: Phát triển hàng không giá rẻ là cách tốt nhất để thúc đẩy cạnh tranh thị trường hàng không. Thế giới đã đi trước chúng ta từ lâu và các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới vẫn đang hoạt động tốt thì không có lý do gì chúng ta không tiếp tục thực hiện.

- Xin cảm ơn TS Trần Đình Bá!

Mai Anh (thực hiện)