Điểm danh những dự án BOT bị nghi vấn nhất hiện nay

06/06/2016 15:18
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội – Bắc Giang, Quốc lộ 1B Pháp Vân – Cầu Giẽ, Quốc lộ 51... là những dự án BOT đang bị dư luận đặt nhiều nghi vấn nhất hiện nay.

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, trước thông tin một số dự án BOT có suất đầu tư cao, bị dư luận đặt bhiều nghi vấn do thiếu minh bạch trong thu phí... các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng Thủ tướng Chính phủ cần thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra ngay các dự án này.

Bị điểm danh nhiều nhất trong danh sách nghi vấn thời gian gần đây phải kể đến là Dự án nâng câp cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội – Bắc Giang; Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1B Pháp Vân – Cầu Giẽ; Dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 51 đoạn Biên Hòa – Bà Rịa Vũng Tàu; Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 5...

Thời gian thu phí dài vô lý


Dự án nâng cấp cải tạo và mở rộng Quốc lộ 1B Pháp Vân – Cầu Giẽ do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC) làm chủ đầu tư ngay từ khi bước vào triển khai thực hiện đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp. 

Thời điểm thực hiện triển khai dự án, các nhà khoa học, chuyên gia giao thông khẳng định Pháp Vân – Cầu Giẽ là đoạn đường được xây dựng bằng vốn ngân sách, tuy nhiên sau khi cải tạo nâng cấp mức thu phí lại cao bằng với một đường cao tốc mới.

Hơn nữa, thời điểm thực hiện dự án tuyến đường còn tốt, mặt đường không hư hại đến mức phải nâng cấp cải tạo ngay. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải vẫn phê duyệt cho thực hiện dự án BOT ở đây. 

Chủ đầu tư dự án nâng cấp cải tạo đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ liệu có đang cố tình kéo dài thời gian thu phí một cách vô lý?- Ảnh nguồn: goldsungroup.
Chủ đầu tư dự án nâng cấp cải tạo đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ liệu có đang cố tình kéo dài thời gian thu phí một cách vô lý?- Ảnh nguồn: goldsungroup.

Đáng nói hơn, khi mới hoàn thành giai đoạn 1 (giai đoạn chủ yếu nâng cấp trên nên đường cũ bằng việc trải thêm lớp nhựa mới), dự án đã tiến hành thu phí với mức thu bằng dự án đường cao tốc mới, tương đương 1.500 đồng/km. Mức thu này ngay lập tức nhận sự phản đối mạnh mẽ của doanh nghiệp, người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: Tổng mức phí trạm BOT đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ cùng các trạm BOT khác trên cung đường từ Hà Nội – Ninh Bình cao hơn nhiều so với chi phí nhiên liệu. Nói cách khác, phí BOT mới chính là gánh nặng của doanh nghiệp vận tải.

Điểm danh những dự án BOT bị nghi vấn nhất hiện nay ảnh 2

"Nghi vấn thất thoát phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tôi không lạ"

Điểm danh những dự án BOT bị nghi vấn nhất hiện nay ảnh 3

Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc vụ chủ đầu tư Quốc lộ 51 thu phí trái luật

Tuy nhiên, doanh nghiệp hay người dân có lên tiếng phản đối thì vẫn phải đóng phí khi qua đoạn đường này. 

Câu chuyện trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ càng nóng hơn khi gần đây nhất nội bộ của chủ đầu tư tố Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC) không minh bạch trong việc thu phí.

Theo đó, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) tố  MPC không báo cáo trung thực số tổng số tiền phí thu được, gây thiệt hại cho nhà nước và người dân.

Tờ Tiền Phong dẫn nguồn từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, trong 4 tháng đầu năm 2016, trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ thu được 167 tỷ đồng. Theo Tiền Phong, số thu được nhà đầu tư tính toán ban đầu của năm 2016 là khoảng 41 tỷ đồng/tháng.

Nếu căn cứ vào số lưu lượng phương tiện thực tế trên đường mà tờ báo khảo sát và cùng với một số cơ quan độc lập đo đếm được thì mỗi tháng tuyến đường đang có doanh thu khoảng 50 tỷ đồng. 

Với con số này chỉ cần 11 năm 7 tháng là nhà đầu tư hoàn đủ số tiền 6.731 tỷ đồng đầu tư dự án, không cần phải 17 năm 3 tháng như hợp đồng BOT đã ký với Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra, phương án này cũng chưa cần tính đến lượng phương tiện mỗi năm tăng thêm 15% và theo hợp đồng cứ 3 năm nhà đầu tư lại được tăng thêm mức phí 18%.

Thu phí kiểu bình quân

Nguyên tắc từng được Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường nhắc đến đi trên đường cao tốc, đi bao nhiêu km trả tiền bấy nhiêu. Tuy nhiên nguyên tắc đó không đúng với Quốc lộ 1 A đoạn Hà Nội – Bắc Giang.

Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Bắc Giang với tổng mức đầu tư 4.210 tỷ đồng, được thông xe vào ngày 3/1/2016.

Nhằm nhanh chóng thu hồi vốn, đơn vị chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép được thu phí từ ngày 5/5/2016. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, đề xuất đã không được chấp thuận. 

Dù mới là thử nghiệm những dư luận đã bức xúc vì cách tính mức phí kiểu bình quân thực hiện trên Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang - ảnh Lao Động.
Dù mới là thử nghiệm những dư luận đã bức xúc vì cách tính mức phí kiểu bình quân thực hiện trên Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang - ảnh Lao Động.

Nguyên nhân bởi đoạn đường trên còn nhiều bất cập chưa được giải quyết. Cụ thể, với vị trí đặt trạm thu phí chỉ cách trạm thu phí Phù Đổng cũ (thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội) chừng vài km, đồng nghĩa với việc, muốn vào Hà Nội hoặc đi Hà Nam, các phương tiện đi từ Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh (theo đường 1A) đều buộc phải qua trạm thu phí này. 

Đáng chú ý, trên tổng chiều dài toàn tuyến là 45 km, thì đã có tới nửa già, tức 25 km thuộc đoạn Hà Nội - Bắc Ninh là đường cao tốc cũ làm từ vốn Ngân sách, chỉ được trải thảm lại.

Suốt quãng đường 25 km từ trạm thu phí gần cầu Phù Đổng đến TP.Bắc Ninh, do chủ yếu được thảm lại trên nền cũ, nên tuyến đường không có nhiều đổi khác so với những gì đã có trước đây, ngoài việc mặt đường trông mới hơn và các hệ thống biển báo đẹp mắt hơn.

Bên cạnh bất cập trên, theo khảo sát phóng viên Báo Lao Động, chỉ cần đi qua trạm bán vé, các phương tiện đi ra ở bất kỳ chỗ nào trên đường cũng bị thu một mức phí đồng đều như như nhau. Với xe dưới 12 chỗ ngồi là 35.000 đồng/lượt, tương đương 875 đồng cho mỗi km đường.

Việc áp dụng thu phí 1 mức cho đoạn tuyến này đang khiến rất nhiều lái xe bức xúc, đặc biệt những người thường xuyên qua lại.

Đường chưa xong vẫn ngang nhiên thu phí

Đó thực tế diễn ra trên Quốc lộ 51 đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu, đây dự án được đầu tư theo hình thức BOT do Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Công ty BVEC) làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng chiều dài 73,6 km, tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm 90%, vốn chủ sở hữu 10%.

Tuyến đường sau khi được đầu tư mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Chiều rộng nền đường tại các đoạn thông thương là 32,9m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Tiến độ phê duyệt dự án được thực thiện từ quý I/2009 đến quý IV/2011. Theo quy định tại Điều 51, Nghị định 15/2015 quy định đầu tư đối tác công tư thì sau 6 tháng, dự án hoàn thành phải tiến hành quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình, sau đó Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới được tiến hành thu phí.

Quốc lộ 51 nhiều đoạn hư hỏng sau khi vừa đưa vào sử dụng, thậm chí dự án chưa quyết toán nhưng đã ngang nhiên thu phí 4 năm nay- Ảnh nguồn: Báo Tiền Phong.
Quốc lộ 51 nhiều đoạn hư hỏng sau khi vừa đưa vào sử dụng, thậm chí dự án chưa quyết toán nhưng đã ngang nhiên thu phí 4 năm nay- Ảnh nguồn: Báo Tiền Phong.

Tuy nhiên tiết lộ với báo chí, ông Nguyễn Văn Đạt - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) cho biết, dự án đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 51 đã hoàn thành đưa vào sử dụng và thu phí hoàn vốn từ 4 năm trước (2012), nhưng đến nay vẫn chưa thể thanh quyết toán theo quy định.

Cũng theo ông Đạt, số tiền thiếu nợ các nhà thầu xây dựng dự án lên đến 300 tỉ đồng; việc triển khai thực hiện có nhiều sai sót… 

Bên cạnh việc thu phí khi dự án chưa quyết toán, chưa hoàn thành, đến thời điểm này Công ty BVEC mới có được 115 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, thiếu gần 300 tỷ đồng tiền vốn góp theo quy định của luật.

Để bù vào số vốn chủ sở hữu còn thiếu, đại diện BVEC cho biết sẽ huy động từ bên ngoài, từ thu phí, từ hoàn thuế VAT…

BOT trên đường độc đạo, người dân không có sự lựa chọn

Thực tế này diễn ra trên tuyến đường Hà Nội – Hải Phòng, hiện các phương tiện ô tô có thể thực hiện di chuyển theo hai hướng đi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mới xây dựng và đi trên Quốc lộ 5.

Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đầu tư xây dựng mới theo hình thức BOT, thu phí là... đương nhiên.

Tuy nhiên trên Quốc lộ 5, Bộ Giao thông vận tải cũng đồng ý cho phép thực hiện dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường theo hình thức BOT và lập trạm thu phí.

Trả lời trong chương trình Tọa đàm trực tuyến "Minh bạch thu phí dự án BOT giao thông" ngày 20/5/2016, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Đường Quốc lộ 5 xuống cấp cần cải tạo nâng cấp trong khi không có tiền phải kêu gọi đầu tư BOT nên phải thu phí, nhưng do sữa chữa nâng cấp nên mức phí thấp hơn.

Ông Trường cho rằng, với đoạn đường Hải Phòng - Hà Nội chỉ có lựa chọn phí thấp hay phí cao.

Với việc thu phí BOT Quốc lộ 5 hiện nay, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương cho biết lượng xe tải đổ về tỉnh lộ 391 nhằm né tránh trạm thu phí tăng đột biến.

Theo cơ quan ban ngành tỉnh Hải Dương, nếu lượng xe tải đi vào cung đường tỉnh lộ 391 sẽ không giảm, việc mất an toàn giao thông, hư hại tuyến đường là điều khó tránh.

Mai Anh (Tổng hợp)