Đọc nhanh tối 8/4: Hiểm họa sau "cơn sốt" trồng tiêu ở Tây Nguyên

08/04/2012 20:22
Hương Trà (tổng hợp)
(GDVN) - Hiểm họa sau "cơn sốt" trồng tiêu ở Tây Nguyên, tín dụng tăng trưởng âm có đáng lo, bão thất nghiệp sắp đổ bộ?... là những tin đáng chú ý tối 8/4.
Hiểm họa sau "cơn sốt" trồng tiêu ở Tây Nguyên
Theo tờ Nhân dân điện tử, giá tiêu đang ở mức cao khiến nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên đua nhau mở thêm diện tích. Người thì chặt bỏ vườn cà-phê, người thì tìm mọi cách xâm hại rừng để trồng tiêu. Tuy nhiên, "cơn sốt" này được dự báo là sẽ đi kèm với nhiều rủi ro khó lường.
Theo ông Trương Văn Khánh, một nông dân ở đây cho biết, vì tiêu được giá nên nhiều hộ đã phá bỏ vườn cà-phê để trồng tiêu. 


 Tình trạng trên đang xảy ra phổ biến tại nhiều địa phương lâu nay được coi là vùng trọng điểm tiêu của Ðác Lắc, như Ea H’Leo, Krông Búc, Krông Năng, Chư M’Gar... khiến diện tích tiêu tăng vọt. 
Cùng với việc người trồng tiêu phấn khởi vì giá tiêu liên tục tăng cao và ổn định trong suốt ba năm qua thì đi kèm với đó là tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt cũng xảy ra. 
Việc nông dân ồ ạt phá cà-phê để đầu tư trồng tiêu đang diễn ra tràn lan sẽ là một rủi ro rất lớn cho nông dân nếu hồ tiêu bị nhiễm bệnh, hoặc thị trường hồ tiêu biến động rớt giá.

Bão thất nghiệp sắp đổ bộ?

Theo VEF cho hay, thông tin về con số thống kê với 79 ngàn doanh nghiệp giải thể và phá sản, và có thể tiếp tục có thêm rất nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc giải thể trong năm nay, trong đó có cả các doanh nghiệp lớn bên cạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) làm tăng nguy cơ thất nghiệp cho người lao động trên diện rộng với phạm vi cả nước.

Có việc làm như thế này là niềm mong ước của nhiều người hiện nay.
Có việc làm như thế này là niềm mong ước của nhiều người hiện nay.

Chỉ ước tính riêng con số mỗi doanh nghiệp có thể có ít nhất 5-10 lao động thì con số người lao động mất việc đã có thể là hơn nửa triệu người. Thu nhập bình quân tại các doanh nghiệp này là 3 triệu đồng/người/tháng thì con số thu nhập mất đi của nửa triệu lao động sẽ là 1.500 tỷ đồng/tháng.
Nếu từ đây đến cuối năm 2012, con số doanh nghiệp giải thể và phá sản tiếp tục gia tăng nhanh thì số lượng người lao động mất việc, thất nghiệp gia tăng theo, nhất là sinh viên mới ra trường lại càng khó tìm việc.

Khai mạc Diễn đàn kinh tế mùa Xuân tại Đà Nẵng

Theo nguồn tin từ TTXVN, Diễn đàn kinh tế mùa Xuân tại Đà Nẵng đã chính thức khai mạc. Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Diễn đàn là một trong những chương trình trọng tâm trong khuôn khổ Dự án "Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát kinh tế vĩ mô."

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2012 tại Đà Nẵng. (Nguồn: TTXVN)
Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2012 tại Đà Nẵng. (Nguồn: TTXVN)

Tham dự diễn đàn có lãnh đạo các bộ, ngành, các ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, một số tập đoàn kinh tế, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên- Huế.
Tại diễn đàn đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế và đại biểu tập trung phân tích, đánh giá về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế-xã hội năm 2011 và kiến nghị giải pháp triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012; Tổng quan về tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam…

Muốn được việc: DN phải luôn mang sẵn phong bì?

Theo VEF, tham nhũng đang xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực có liên quan đến thủ tục đăng ký kinh doanh, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất đến thuế, hải quan, quản lý thị trường, xây dựng, bảo hiểm xã hội... Hình thức phổ biến là hối lộ dưới dạng đưa phong bì để trả giá cho việc giải quyết các thủ tục.
Đây là hình thức phổ biến nhất trong mối quan hệ giữa DN và cơ quan công quyền. 69% DN tự nhận là nạn nhân của tham nhũng, hơn 10% DN cho biết chi phí không chính thức gửi các cơ quan thuế, hải quan, quản lý thị trường là "nhiều hoặc rất nhiều". Các khoản chi "không chính thức" này có thể lên đến 1- 5% chi phí của DN.


Đặc biệt, "văn hóa hối lộ" trong lĩnh vực đất đai trở nên bình thường đến nỗi không ai thấy có gì bất thường khi phải đưa phong bì mới xong thủ tục.
Chính thực trạng đó khiến "DN luôn mang sẵn tâm lý "phong bì", cứ gặp khó khăn khi làm việc với cơ quan công quyền là đã sẵn sàng cho việc này, thậm chí có khi họ đưa tiền mà không biết mình đưa vì lý do gì. 

Tín dụng tăng trưởng âm có đáng lo?

Theo thông tin từ Infonet, thừa nhận tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm âm, nhưng bà Đỗ Thị Nhung – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, điều này không đáng ngại. Bởi vốn tín dụng trong hệ thống ngân hàng vẫn đang luân chuyển, cung ứng trong nền kinh tế chứ không đóng băng.

Bà Đỗ Thị Nhung - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN
Bà Đỗ Thị Nhung - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN

Bà Nhung cũng cho biết, Về mặt con số, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2012 giảm, nhưng thực tế tăng trưởng tín dụng chỉ giảm trong 2 tháng đầu năm, từ tháng 3 trở đi vốn tín dụng đã tăng trở lại. Nếu xét về doanh số, thì doanh số cho vay 3 tháng đầu năm nay vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Nghĩa là vốn tín dụng trong hệ thống ngân hàng (NH) vẫn luân chuyển, cung ứng cho nền kinh tế chứ không đóng băng.
Còn dư nợ tín dụng giảm nhưng chỉ giảm ở một mức độ nào đó, do doanh số thu nợ cao hơn doanh số cho vay, nhu cầu vay mới giảm đi.

Xuất khẩu phi dầu mỏ của Iran tăng bất chấp lệnh cấm vận

Theo nguồn tin từ TTXVN, ông Kiumars Fathollah Kermanshahi, một quan chức lãnh đạo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Iran, xuất khẩu phi dầu mỏ của Iran trong vòng 12 tháng tính đến giữa tháng 3 vừa qua đã tăng 29% lên gần 44 tỷ USD bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm buộc nước này ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi. 
Xuất khẩu các sản phẩm phi dầu mỏ của Iran trong cùng kỳ truớc đó đã đạt 34 tỷ USD (trừ dịch vụ công nghệ).


Theo các phương tiện truyền thông Iran, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của OPEC này ước tính mang lại 100 tỷ USD trong vòng 12 tháng (tính đến giữa 3/2012). Iran đã thu được khoảng 78 tỷ USD bằng xuất khẩu dầu mỏ trong giai đoạn trên. Iran xuất khẩu hầu hết dầu thô sang Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc bát chấp lệnh cấm vận của một số nước phương Tây.
Hương Trà (tổng hợp)