Hải quan Bình Dương cần giải thích thỏa đáng khi truy thu thuế của doanh nghiệp

07/12/2017 06:19
Đan Quỳnh
(GDVN) - Nếu doanh nghiệp xác định được bị thiệt hại vì các quyết định hành chính của cơ quan thuế thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan thuế bồi thường thiệt hại.

Ngày 5/12, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương bức xúc trước việc bị áp thuế với các tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ, có C/O mẫu D phát sinh từ ngày 1/9/2016 đã kéo đến Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore để làm rõ nguyên nhân.

Trước đó, ngày 30/10/2017, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, thuộc Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 2668a/GSHQ-GQ4 về việc “Áp dụng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ” gửi Cục Hải quan các tỉnh/thành phố đề nghị thực hiện theo đúng quy định các Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Tuy nhiên, các Chi cục Hải quan, thuộc Cục Hải quan tỉnh Bình Dương lại cho rằng, thực hiện theo Công văn 2668a và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương thì doanh nghiệp sẽ bị ấn định thuế đối với các tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ, có C/O mẫu D với thuế suất lên đến 23% phát sinh từ ngày 1/9/2016 đến nay.

Trong đó, Vinamilk cũng là doanh nghiệp bị áp thuế với thuế dự kiến ấn định phải nộp trên 8 tờ khai ước tính 62,8 tỉ đồng, chưa tính chậm nộp thuế.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ. (Ảnh: Đan Quỳnh)
Luật sư Hồ Nguyên Lễ. (Ảnh: Đan Quỳnh)

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, Công văn 2668a có nêu: “Yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện theo đúng quy định các Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt như đối với trường hợp C/O mẫu D được quy định tại Nghị định 129/2016/NĐ-CP”.

Nghị định 129 tại Điều 4 quy định Điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định về Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất ATIGA phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: “Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Mẫu D do Bộ Công Thương quy định”.

Do Việt Nam là thành viên của ASEAN nên Công ty Vinamilk được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định này là thuế suất 5% đối với mặt hàng đường tinh luyện mà Vinamilk nhập khẩu tại chỗ (hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước) đã được cấp C/O mẫu D theo đúng qui định Nghị định 129.

Hải quan Bình Dương cần giải thích thỏa đáng khi truy thu thuế của doanh nghiệp ảnh 2

Vì sao nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đường tại chỗ bị đẩy vào thế khó?

Vì vậy, Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Mỹ Phước đã hiểu và thực hiện không đúng theo Công văn 2668a khi ấn định thuế suất cao hơn thay vì Vinamilk được hưởng 5% theo đúng Nghị định 129 qui định.  

Luật sư Lễ dẫn chứng qui định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 tại Điều 159 và 160 về thẩm quyền đề nghị giải thích luật thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tùy theo tính chất, nội dung của vấn đề cần được giải thích, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Chính phủ soạn thảo giải thích trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Trong thực tế, có nhiều văn bản pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau hoặc chưa rõ, chưa thể áp dụng chính xác thì cá nhân hoặc tổ chức thường hỏi cơ quan chủ quản trực tiếp mà không thực hiện đúng quy định theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Qua đó cơ quan chủ quản trực tiếp giải thích luật thường trả lời theo hướng là hướng dẫn nghiệp vụ để cấp dưới thực hiện. Hành vi trên là không đúng qui định pháp luật.

Mặt khác, đôi lúc cũng có trường hợp hướng dẫn nghiệp vụ để cấp dưới thực hiện nhưng lại hướng dẫn khác hoặc vượt quá qui định của luật; hoặc cấp dưới càng hiểu khác hơn so với qui định pháp luật.

Vì vậy khi ban hành văn bản pháp luật cần chặt chẽ, chi tiết đặc biệt là trong lĩnh thuế để dễ áp dụng trong cuộc sống mà không cần phải giải thích hay hướng dẫn nghiệp vụ để tránh gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.   

Luật sư Hồ Nguyên Lễ khẳng định, theo qui định hiện hành của Luật Quản lý thuế tại Điều 6 về Quyền của người nộp thuế: Khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

Tại Điều 8. Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế: Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền;

Và bồi thường thiệt hại cho người nộp thuế theo quy định của Luật này;

Nếu doanh nghiệp xác định được bị thiệt hại vì các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuế thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan thuế bồi thường thiệt hại theo các qui định trên hoặc khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền”, luật sư Lễ nhấn mạnh.

Chiều 6/12, tại Cục Hải quan Bình Dương, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đã đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề các mặt hàng nhập khẩu bị cơ quan hải quan ấn định thuế có C/O mẫu là đường tinh luyện mà doanh nghiệp được quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu.

Cán bộ T.K.L, tại bàn trực triếp khách cho biết, Cục trưởng đi vắng, phải hẹn trước và Cục trưởng sẽ đứng ra trả lời, không ai có quyền phát ngôn hiện tại. Vừa rồi, Sở Thông tin truyền thông bắt Hải quan đăng ký tên người phát ngôn mới được quyền phát ngôn.

Chúng tôi đặt câu hỏi: “Chánh văn phòng có thể trả lời không?”.

Cán bộ Hải quan nói: “Chánh văn phòng không được ủy quyền, ngày xưa thế nào không biết nhưng chỉ có Cục trưởng được quyền trả lời. Vừa qua, Cục Hải quan đã làm công văn gửi sang Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Thông tin truyền thông để ủy quyền cho Cục phó trả lời nhưng Tỉnh vẫn không cho. Chỉ Cục trưởng là người phát ngôn viên”. 

Cán bộ Hải quan yêu cầu để lại số điện thoại và Cục Hải quan sẽ liên hệ lại vào trong tuần.   

Đan Quỳnh