Hàng loạt phi công "nghỉ ốm": Cơ hội lớn để Vietnam Airlines cải tổ

14/01/2015 10:24
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Việc phi công đồng loạt xin nghỉ việc cũng là cơ hội để không chỉ VNA mà lãnh đạo các DNNN khác nhìn nhận lại việc phân chia, trả lương, thưởng...

Hiện tượng hàng trăm phi công nói riêng và lao động kỹ thuật cao nói chung đang làm việc tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) đồng loạt viết đơn xin nghỉ ốm, trong đó có trường hợp xin chấm dứt hợp đồng lao động tại Vietnam Airlines để chuyển sang làm việc tại hãng hàng không khác đang gây xôn xao dư luận.

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân – hiện đang công tác ở Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TP.HCM cho rằng, phía Vietnam Airlines và Cục hàng không đã thừa nhận đây là hiện tượng bất thường. Ai cũng có thể nhận thấy cùng một lúc số lượng người xin nghỉ ốm quá nhiều trong khi không có dịch bệnh…, rõ ràng là chuyện không bình thường.

“Rất khó để biết nguyên nhân thực sự, nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự việc trên vì chúng ta không phải người trong cuộc, nhưng theo như thông tin từ VNA, đó là do chuyện tiền lương chưa thỏa đáng”, Th.S Quân nói.

Thạc sĩ Bùi Hồng Quân (Ảnh: ĐSPL)
Thạc sĩ Bùi Hồng Quân (Ảnh: ĐSPL)

Cũng theo chuyên gia tâm lý này, tiền lương ra sao phản ánh giá trị của sức lao động mà người lao động bỏ ra. Đó cũng là sự phân chia thành quả lao động, lợi nhuận sau khi đã trừ các chi phí, giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Hàng loạt phi công "nghỉ ốm": Cơ hội lớn để Vietnam Airlines cải tổ ảnh 2

>> Báo nước ngoài đưa tin vụ hơn 100 phi công Vietnam Airlines xin nghỉ việc

(GDVN) - VOA cũng đưa tin về sự kiện này cho biết, sự chênh lệch mức lương giữa phi công trong nước và thuê của nước ngoài là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc đình công.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước sẽ có quy định về mức trần mức lương trong khi đó doanh nghiệp tư nhân được tự chủ về vấn đề này. Do vậy, họ có thể đưa ra mức lương cạnh tranh, thậm chí cao hơn nhiều so với doanh nghiệp Nhà nước.

Thế nhưng, theo xu thế chung hiện nay, người ta đang hướng đến  việc trả lương, thưởng theo sức lao động, giá trị lao động mà người lao động bỏ ra. Vì thế, nếu VNA không nhìn nhận lại, đánh giá đúng mức hơn giá trị mà người lao động đã bỏ ra để trả cho họ lương, thưởng xứng đáng thì việc chảy máu chất xám hay có biến động về nguồn lao động giữa các doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Điều này sẽ xảy ra ở không chỉ giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân mà còn xảy ra ở ngay giữa các doanh nghiệp nhà nước với nhau.

Ông Quân nhấn mạnh: “Như một lẽ tất yếu, ở đâu giá trị lao động của người lao động được thừa nhận, chế độ đãi ngộ dành cho họ tốt thì nơi đó sẽ thu hút được lao động, đặc biệt là nguồn lao động có trình độ cao. Ở góc độ tâm lý, tôi cho rằng đã có sự không hài lòng trong công việc hoặc trong các mối quan hệ công việc. Nguyên nhân có thể là do môi trường làm việc, chế độ tiền lương, áp lực công việc, mối quan hệ trong công việc với đồng nghiệp, với cấp trên… có vấn đề. Rõ ràng, họ có khúc mắc, có sự không hài lòng về mặt tâm lý do một vài trong các yếu tố trên”.

Cơ hội cho Vietnam Alirlines?

Các học viên phi công “nội hóa” đầu tiên của Vietnam Airlines tại lễ cấp giấy phép bay - Ảnh: Võ Văn Tạo - TTO
Các học viên phi công “nội hóa” đầu tiên của Vietnam Airlines tại lễ cấp giấy phép bay - Ảnh: Võ Văn Tạo - TTO

ThS Bùi Hồng Quân cũng cho rằng, lãnh đạo VNA nên ngồi lại, lắng nghe ý kiến của những người xin nghỉ ốm đó để tìm hiểu nguyên nhân thực sự dẫn tới sự việc trên.

“Các chuyên gia ở lĩnh vực hàng không cũng đã khẳng định điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của ngành hàng không chứ không chỉ riêng VNA. Khi cả một ekip lớn như thế đồng loạt xin nghỉ ốm thì sẽ không thể đảm bảo được hoạt động vận hành bình thường cho ngành hàng không – một lĩnh vực rất quan trọng, đòi hỏi an ninh, an toàn rất lớn.

Hàng loạt phi công "nghỉ ốm": Cơ hội lớn để Vietnam Airlines cải tổ ảnh 4

>> 117 phi công Vietnam Airlines "nghỉ ốm" đe dọa an ninh kinh tế đất nước 

(GDVN) - Theo ông Phạm Ngọc Minh, việc phi công, lao động kỹ thuật cao tại Vietnam Airlines nghỉ việc hàng loạt đã và đang đe dọa an ninh kinh tế của cả đất nước.

Nếu họ đồng loạt xin nghỉ việc, hậu quả sẽ không chỉ ảnh hưởng tới ngành hàng không ở khả năng vận chuyển hành khách, sự an toàn của hành khách mà ngay cả uy tín của VNA – thương hiệu của quốc gia, bộ mặt của quốc gia ở lĩnh vực hàng không cũng sẽ bị sứt mẻ.

Có lẽ đây chính là cơ hội để không chỉ VNA mà lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước khác nhìn nhận lại việc phân chia, trả lương, thưởng cho người lao động sao cho phù hợp. Không phải ngẫu nhiên mà cùng lĩnh vực công việc như vậy ở các hãng tư nhân họ lại trả lương cao hơn. Nên nhớ thu nhập là một trong những yếu tố tác động trực tiếp tới hiệu quả công việc, năng suất lao động cũng như tâm lý của người lao động trong quá trình làm việc”, ông Quân nói thêm.

Ngoài ra, Th.S Bùi Hồng Quân còn cho rằng, VNA hãy ngồi để lắng nghe ý kiến của người lao động, để thấu những khó khăn mà họ đang gặp phải cũng như nguyện vọng, mong muốn của họ. Trên cơ sở đó có hướng giải quyết có tình, có lý, phù hợp với quy định, đảm bảo được tâm lý thoải mái cho người lao động khi làm việc. Đó cũng là cơ hội để hai bên có được tiếng nói chung, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hãng trong thời gian tới.

Trong khi đó, cựu phi công Mai Trọng Tuấn cho biết: “Phi công thời xưa khác nay nhiều lắm. Ngày xưa cả xã hội bao cấp, làm gì có chuyện đồng loạt xin nghỉ ốm?!”.

Bình luận về sự việc này, Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân - nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Không quân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) chỉ nói ngắn gọn: “Phải là người trong cuộc mới biết chính xác nguyên nhân vì sao. Lương, chế độ đãi ngộ thế nào thì người ta mới xin “nghỉ ốm”, nghỉ việc chứ”.

PHONG NGUYÊN