Không có văn bản xác nhận vốn, Vietstar Airlines không thể cất cánh?

04/07/2016 09:14
Mai Anh
(GDVN) - TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: Báo cáo tài chính cho dù ở kỳ báo cáo liền trước không thể thay thế văn bản xác nhận vốn.

"Nới lỏng" điều kiện vốn kinh doanh hàng không?

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, góp ý kiến của doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, tại cuộc họp giữa các hãng hàng không và Cục Hàng không Việt Nam mới đây, một Luật sư nêu quan điểm không nới lỏng điều kiện vốn.

Vị chuyên gia này cho rằng, Khoản 1, Điều 4, Dự thảo Nghị định (do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo đang trình Chính phủ xem xét, ban hành) đã “nới lỏng” điều kiện về vốn trong cấp phép kinh doanh hàng không.

Theo đó, nội dung dự thảo cho phép doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không được sử dụng báo cáo tài chính đã kiểm toán của kỳ báo cáo liền trước với thời điểm đề nghị hoặc văn bản bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn.

Trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietstar Airlines xin nộp bổ sung Báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015 thay thế cho văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng - ảnh Báo GTVT
Trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietstar Airlines xin nộp bổ sung Báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015 thay thế cho văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng - ảnh Báo GTVT

Luật sư trên lo ngại, khi nới lỏng điều kiện vốn với ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đặc thù như hàng không sẽ có lo ngại về an toàn, an ninh.

Thực tế thời gian qua, nhiều hãng hàng không Việt Nam được cấp phép nhưng chỉ sau thời gian phải dừng hoạt động do không có năng lực tài chính do đó quy định tại Nghị định 30/2013/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng càng quan trọng. 

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải gửi đề xuất kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt - Vietstar Airlines.

Theo quy định tại Nghị định 30, Vietstar Airlines phải có văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng, tuy nhiên Vietstar Airlines thay bằng Báo cáo tài chính đã kiểm toán doanh nghiệp ngày 31/12/2015.

Đáng nói hơn cả Cục Hàng không và Bộ Giao thông vận tải đều đồng ý với quy trình thủ tục trên của Vietstar Airlines.

Tại văn bản số 3148/BGTVT-VT đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines, Bộ Giao thông vận tải “xin ngoại lệ" cho trường hợp doanh nghiệp này.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng cho phép Vietstar Airlines nộp bổ sung Báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015 thay thế cho văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng. 

Không có văn bản xác nhận vốn, Vietstar Airlines không thể cất cánh? ảnh 2

Kinh doanh hàng không: Báo cáo tài chính có thay thế được văn bản xác nhận vốn?

(GDVN) - Theo đại diện VietJet, kinh doanh hàng không là lĩnh vực đặc thù, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong đó điều kiệ quan trọng hàng đầu là vốn.

Tuy nhiên, sau khi xin kiến các bộ, ngành xem xét, đề xuất xin cấp phép cho Vietstar Airlines đã bị bác bỏ. 

Cụ thể, sau khi rà soát quy định pháp luật, đối chiếu với hồ sơ của Vietstar Airlines, trong Văn bản số 5747 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tái khẳng định: Chưa đủ cơ sở để khẳng định Vietstar Airlines đã đáp ứng đủ điều kiện về vốn theo quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP.

Tiếp đến, nhận thấy việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho một doanh nghiệp năng lực tài chính yếu kém, hoạt động thua lỗ kéo dài là hết sức rủi ro bởi đây là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, liên quan đến tính mạng con người, phương tiện, hiệu quả kinh tế và quốc phòng an ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã “bác” đề xuất cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines khi công ty này chưa đủ điều kiện về vốn.

Báo cáo tài chính không thể thay thế văn bản xác nhận vốn

Ở khía cạnh nào đó, có thể thấy đang có những tranh luận việc giữa báo cáo tài chính và văn bản xác nhận vốn. Vậy căn cứ vào đâu để kết luận năng lực tài chính của doanh nghiệp?.

Liệu rằng với ngành kinh doanh hàng không, việc thay thế văn bản xác nhận vốn bằng báo cáo tài chính có được xem là ngoại lệ?.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: Báo cáo tài chính cho dù ở kỳ báo cáo liền trước không thể thay thế văn bản xác nhận vốn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: Báo cáo tài chính cho dù ở kỳ báo cáo liền trước không thể thay thế văn bản xác nhận vốn. Ảnh: Hoàng Lực.
TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: Báo cáo tài chính cho dù ở kỳ báo cáo liền trước không thể thay thế văn bản xác nhận vốn. Ảnh: Hoàng Lực. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, trong báo cáo tài chính người ta chỉ thấy được tình hình hoạt động của doanh nghiệp hiện tại như kinh doanh tốt hay không? Lợi nhuận kỳ trước ra sao? Tổng tài sản doanh nghiệp ….?

Tuy báo cáo tài chính cho ra nhiều con số nhưng không phản ánh đúng năng lực tài chính hiện tại của doanh nghiệp.

Nêu ví dụ TS. Hiếu cho hay, một doanh nghiệp đưa tài sản bất động sản sở hữu vào tổng tài sản của doanh nghiệp tuy nhiên giá trị tài sản đó được tính bằng với giá trị khi mua, do đó mỗi thời điểm giá trị tài sản đó thay đổi. Mặt khác, với tài sản cơ sở vật chất cần tính đến yếu tố hao mòn.

Do đó theo TS. Hiếu, báo cáo tài chính thể hiện tài sản doanh nghiệp cũng như tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ gần nhất, trong khi đó văn bản xác nhận vốn của các tổ chức tín dụng có ý nghĩa khẳng định doanh nghiệp có sẵn tiền trong tài khoản ngân hàng.

“Hai văn bản này có ý nghĩa khác nhau, để nói về năng lực tài chính cần phải có cả báo cáo tài chính và văn bản xác nhận vốn”, TS.Hiếu cho hay.

Đồng quan điểm cho rằng, giá trị tài sản trong báo cáo tài chính là giá trị sổ sách, không phản ánh đúng giá trị tài sản thực tế của doanh nghiệp, Ths.LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: Báo cáo tài chính dù thể thể hiện tài sản doanh nghiệp rất lớn nhưng lại nằm ở nhiều dự án, nhiều dạng khác nhau.

Ví dụ, doanh nghiệp A có tài sản 1.000 tỷ đồng nhưng trong đó bao gồm tài sản đang đầu tư tại nhiều dự án, tài sản bất động sản, nhà xưởng doanh nghiệp, phương tiện vận tải… Như vậy tài sản doanh nghiệp nằm rải rác không phải tài sản tiền mặt.

Nói cách khác, lúc này doanh nghiệp không có sẵn tiền mặt để có thể thực hiện một dự án kinh doanh mới. 

Theo LS.Tuấn, bên cạnh một báo cáo tài chính “đẹp” thể hiện tình hình kinh doanh hoạt động tốt văn bản xác nhận vốn của các tổ chức tín dụng rất quan trọng, đảm bảo doanh nghiệp đủ năng lực để thực hiện dự án thành công.

LS. Tuấn cũng nêu quan điểm cho rằng không nên thay thể văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng bằng báo cáo tài chính vì các văn bản này có ý nghĩa thể hiện khác nhau. 

Mai Anh