Lương phi công không thể so với lương giáo sư, tiến sĩ

12/01/2015 13:35
Mai Anh
(GDVN) - "Lương phi công dựa trên mức lương trung bình của hãng hàng không thế giới trả cho phi công, do vậy không thể so với mức lương của giáo sự, tiến sĩ"...

Trước thông tin hàng loạt nhân viên kỹ thuật cao (phi công, điều hành khai thác bay, nhân viên kỹ thuật máy bay) của hãng hàng không Vietnam Airlines thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam xin nghỉ việc hàng loạt, báo Pháp luật Việt Nam dẫn nguồn tin từ một số phi công cho biết, thời gian làm việc của các phi công thuộc hãng hàng không Vietnam Airlines quá tải nhưng lương không tương thích so với một số hãng khác.

Cụ thể, các phi công này làm việc đến 23 ngày/tháng (nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật), lương 2.500 USD/tháng, trong khi ở hãng hàng không VietJet, phi công chỉ làm việc 15 ngày/tháng nhưng mức lương lên đến 7.500 USD/tháng. Bên cạnh đó, các phi công phản ánh khi bay ra Hà Nội được bố trí nơi nghỉ ngơi chưa tốt.

Trước những thông tin trên, trả lời trên Pháp luật Việt Nam, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cho biết: Việc các phi công cho rằng tiền lương của Vietnam Airlines thấp hơn VietJet nên xin nghỉ là không đúng.

Ảnh minh họa (nguồn ảnh TTXVN)
Ảnh minh họa (nguồn ảnh TTXVN)

“Hiện thu nhập của các phi công ở Vietnam Airlines khoảng 200 triệu đồng/tháng, cao hơn lương của giáo sư, tiến sĩ và lao động ở các lĩnh vực khác ở Việt Nam. Hơn nữa hãng hàng không Vietnam Airlines thuộc quốc gia nên không thể đòi hỏi như vậy. Nếu anh là hàng không tư nhân thì câu chuyện đồng lương đó là đúng…”, ông Minh nói.

Trong khi đó về việc nhân viên kỹ thuật cao phản ánh nơi ở chưa được tốt, ông Minh cho biết trước đây một tháng đã có cuộc đối thoại và hiện các phi công đã được đưa ra khách sạn ở.

Bình luận việc ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines so sánh việc lương phi công với lương giáo sư, tiến sĩ và lao động lĩnh vực khác tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng: “So sánh như vậy không đúng với thực tế”.

“Tôi còn nhớ thời học bên Đức, người ta từng so sánh lương phi công bằng lương thủ tướng để nói đến mức lương đặc thù của ngành nghề này. Họ so sánh như vậy không phải để nói việc phi công quan trọng như thủ tướng mà nói đến đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, với phi công gần như sai sót trong nghề tuyệt đối không được xảy ra”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.

Lý giải số tiền lương khủng mà các hãng hàng không phải trả cho phi công, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, phi công là ngành đặc thù mang tính quốc tế vì vậy lương trả cho phi công Việt Nam so với phi công các hãng hàng không tại các nước trong khu vực và trên thế giới có sự tương đồng.

“Nói cách khác, mức lương phi công dựa trên mức lương trung bình của hãng hàng không thế giới trả cho phi công, do vậy không thể so với mức lương của giáo sư, tiến sĩ. Vì nếu giáo sư, tiến sĩ trong nước có trình độ ra nước ngoài dạy thì mức thu nhập lại khác”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.

Cho rằng không thể so sánh mức lương phi công với ngành nghề khác, tuy nhiên qua thông tin trao đổi với báo chí về mức lương lên đến 200 triệu đồng/tháng của phi công Vietnam Airlines, PGS.TS Tống cho rằng đây là mức thu nhập cao.

“Lương cao nhưng họ vẫn muốn xin nghỉ để sang làm việc nơi khác có thu nhập cao hơn đó điều bình thường, ngành nghề nào cũng có cạnh tranh. Hoặc dù trả lương cao nhưng có thể do cơ chế, chế độ ngày nghỉ chưa hợp lý...  khiến phi công muốn nghỉ việc ở Vietnam Airlines”, PGS.TS Tống phân tích.

Mai Anh