McDonald's vào VN, ai bất lợi nhất?

17/07/2013 11:02
Tiểu Phương
(GDVN) - Khi McDonald's đổ bộ vào thị trường VN, theo chuyên gia Nguyễn Thế Khoa tất cả các công ty liên quan trong lĩnh vực thức ăn nhanh đều bị ảnh hưởng...
McDonald's đã chọn đúng thời điểm "đổ bộ" vào VN
Ngày 15/7 vừa qua, McDonald's đã chính thức công bố có đối tác nhượng quyền tại thị trường Việt Nam là Công ty Good Day Hospitality.
Sau một thời gian dài, người tiêu dùng đã quen với những thương hiệu thức ăn nhanh cũ như KFC, Lotteria, Sufway, Pizza Hut... thì hàng loạt thương hiệu thức ăn nhanh top 10 ngành F&B đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Như Burger King, Domino's Pizza, Starbucks và McDonald's đã chính thức đặt chân tới mảnh đất đầy hứa hẹn này để tìm kiếm cơ hội. 

Ông Nguyễn Thế Khoa, CEO công ty Greem Standard
Ông Nguyễn Thế Khoa, CEO công ty
 Greem Standard
Nói tới McDonald's, những người làm trong ngành thức ăn nhanh (F&B) ai cũng hiểu sức mạnh thương hiệu này lớn đến mức nào. Mỗi một quốc gia đi qua là một cuộc "viễn chinh" đúng nghĩa khi họ lần lượt thắng tất cả những đối thủ lâu đời và những đối thủ bản địa. 

Những chuyên gia trong ngành nhận định rằng: McDonald's thành công nhờ một bí quyết duy nhất đó là một "công xưởng" McDonald's. Khi họ đồng bộ hóa mọi thứ, từ nguyên liệu, cách bài trí cửa hàng, tới việc sản xuất, đóng gói cho tới khâu vận chuyển tới tận tay khách hàng, ngay đến việc marketing cho sản phẩm đều phải được thực hiện như nhau.

Bên cạnh đó, không ít các chuyên gia trong ngành cũng quả quyết: McDonald's đã chọn đúng thời điểm để "viễn chinh" thị trường Việt Nam khi những thương hiệu đi trước như KFC, Lotteria… đã làm giùm họ một phần việc quan trọng - tập cho người tiêu dùng quen với loại thức ăn này, khiến công việc của McDonald's thực sự trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. 
“McDonald's chỉ còn một phần việc duy nhất đó là cho khách hàng làm quen với cái tên McDonald's mà thôi. Hiện nay thị phần ngành thức ăn nhanh ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều khoảng trống. GDP bình quân ở 2 thành phố lớn năm 2012 như Hà Nội vào khoảng 2.200 USD/người và TP.HCM là 3.600 USD/người - mức thu nhập này đủ để người dân sẵn sàng chi 4 đến 6 USD cho một bữa ăn ở McDonald's” – chuyên gia Nguyễn Thế Khoa, CEO công ty Greem Standard nhận định.
Đối thủ của McDonald's tại Việt Nam là ai?
Khi McDonald's đổ bộ vào thị trường VN, theo chuyên gia Nguyễn Thế Khoa tất cả các công ty liên quan trong lĩnh vực thức ăn nhanh đều bị ảnh hưởng, vì sự có mặt của McDonald's khiến cho miếng bánh thị phần sẽ tiếp tục bị phân nhỏ ra. Thất thế nhất sẽ là những thương hiệu nhỏ hơn, ít cửa hàng hơn như Lotteria, Subway, BBQ, Popoyes, Jollibee,…
Điều đáng nói, đối thủ lâu đời nhất của McDonald's trên mọi mặt trận là Burger King đã tuyên bố sẽ phủ khắp Việt Nam với mật độ 160.000 dân/cửa hàng. Nếu lấy con số này  làm chuẩn về độ bao phủ trong tương lai của McDonald's  thì có thể thấy, họ sẽ rất thoải mái để phát triển tại Việt Nam. Khi những thương hiệu khác như KFC, Lotteria… lại có mật độ 600.000 dân/cửa hàng.
“Những thương hiệu như KFC, Burger King… không nhất thiết bắt buộc “mở cửa hàng thì buộc phải có lợi nhuận ngay”. Công việc đầu tiên của họ luôn là tạo cho khách hàng thói quen sử dụng sản phẩm của mình. Và không có cách nào khác ngoài việc nhân rộng cửa hàng để tên tuổi của họ hiện diện ở mọi nơi. Ngay cả KFC, “đại gia” này cũng cần tới 7 năm để có đồng lợi nhuận đầu tiên” – ông Nguyễn Thế Khoa chia sẻ.
Ông Khoa cũng nhấn mạnh rằng: Sức mạnh thương hiệu của “thương hiệu thức ăn nhanh số 1 thế giới” cũng là lợi thế của McDonald's. 
Hãy nhìn vào người "hàng xóm" Starbucks với vị trí số 1 trong ngành coffee thế giới đã tham gia thị trường Việt Nam không lâu. Trước Starbucks, tại Việt Nam đã có rất nhiều thương hiệu hàng đầu như The Coffee Bean, Gloria Jeans xuất hiện, tuy nhiên,  chỉ đến khi Starbucks tới, với sự trợ giúp từ một làn sóng truyền thông lớn, đã nhanh chóng giúp họ ghi dấu ấn quan trọng trước những đối thủ đi trước.
Trước sức ảnh hưởng có phần nặng nề của McDonald's khi vào VN, một trong những động thái đầu tiên nhằm bảo vệ mình của các thương hiệu thức ăn nhanh ở TP.HCM đó là: chấp nhận đóng cửa một số cửa hàng làm ăn không hiệu quả (đối với một số công ty) và sự tăng tốc chóng mặt của VFBS (thuơng hiệu đang nắm nhượng quyền 4 thương hiệu thức ăn nhanh lớn Burger King, Domino's Pizza, Dunkin Donuts, Popoyes) thuộc tập đoàn IPP. Họ đang đẩy mạnh thâu tóm những mặt bằng đắc địa tại TP.HCM. 

Việc lấy được phần to nhất trong miếng bánh không phải là bất khả thi đối với người khổng lồ McDonald's
Việc lấy được phần to nhất trong miếng bánh không phải là bất khả thi đối với người khổng lồ McDonald's
Tuy có nhiều thuận lợi như đã phân tích ở trên nhưng thách thức cho McDonald's lại là vấn đề tìm mặt bằng. Vì muốn mở một cửa hàng thức ăn nhanh loại này thường phải thuê mặt bằng từ 7 đến 10 năm, mà với những tiêu chuẩn khắt khe của mình chắc chắn sẽ là một bài toán khó cho McDonald's khi gia nhập địa bàn Việt Nam.

Mặc dù phía các công ty đối thủ đi trước đã tiến hành thâu tóm những mặt bằng đắc địa nhưng McDonals'd có 4 phương thức nhượng quyền: Traditional Restaurant,STO và STR locations" Mail Town Oil",BFL Franchises"Business Facilities Lease, Satellite Locations.Good Day Hospitality sẽ có rất nhiều sự lựa chọn, ko nhất thiết phải chạy theo các thương hiệu khác. Họ có thể thoải mái lựa chọn địa điểm theo 4 hình thức nhượng quyền này.
“McDonald's vào Việt Nam sẽ khó khăn hơn Starbucks, vì họ phải đối đầu với KFC - kẻ khiến họ gặp khó khăn khi "viễn chinh" thị trường Trung Quốc. Hay như Jollibee kẻ tí hon đánh bại người khổng lồ McDonald's trên sân nhà. Nhưng với bản lĩnh của vị trí số 1 cả về tài chính đến sức hút thương hiệu, thì việc lấy được phần to nhất trong miếng bánh không phải là bất khả thi đối với người khổng lồ McDonald's”, ông Nguyễn Thế Khoa, CEO công ty Greem Standard kết luận.
Tiểu Phương