Muốn đất nước hùng mạnh phải kiểm soát quyền lực, diệt nhóm lợi ích

23/06/2019 06:00
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
(GDVN) - Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên...

Ngày 29/1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2018, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công.

Trong xếp hạng này, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, giảm nhẹ 2 điểm so với năm 2017, bằng mức năm 2016 và cao hơn 2 điểm so với cùng mức 31/100 điểm của các năm 2012, 2013, 2014 và 2015…

Điều này cho thấy tình trạng tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam còn chậm được cải thiện…

Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chiều 21/1 về tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), trong năm 2018 cả nước đã xảy ra hơn 53 nghìn vụ xâm phạm trật tự xã hội.

Các cơ quan chức năng phát hiện 23.000 vụ phạm tội về ma túy, gần 16.000 vụ phạm tội về kinh tế, 378 vụ phạm tội về tham nhũng, trên 2.300 vụ buôn lậu, gần 25.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 203 nghìn vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách trên 20.000 tỷ đồng, khởi tố gần 2.000 vụ với hơn 2.300 đối tượng.

Tăng cường kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng (Ảnh minh họa: vov.vn).
Tăng cường kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng (Ảnh minh họa: vov.vn).

Tội phạm tham nhũng có chiều hướng giảm, nhưng “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra trong nhiều lĩnh vực.

Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư dự án.

Hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới vẫn chưa giảm…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo các cấp, ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao năng lực, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, và đạo đức công vụ, đề cao vai trò người đứng đầu, kiên quyết ngăn chặn tình trạng buông lỏng quản lý, tiêu cực, tham nhũng, bao che tiếp tay từ một số bộ phận cán bộ công chức tha hóa, biến chất…

Đặc biệt, cần thiết phải tổ chức phòng chống tội phạm, buôn lậu ngay trong chính lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thuế...

Thực tiễn từ vụ án Trần Dụ Châu (1950), đến việc xử lý nghiêm hơn 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (trong thời gian từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến giữa năm 2018) và những con số tội phạm đáng quan ngại trên đây cho thấy:

Việc kiểm soát quyền lực là vấn đề hết sức quan trọng và phức tạp, nếu bị buông lỏng sẽ làm quyền lực bị tha  hóa, gia tăng lộng quyền, lạm quyền và hàng loạt hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ có chức, có quyền; từ đó không chỉ làm giảm hiệu lực, hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; làm mất lòng tin của người dân, méo mó môi trường kinh doanh, sự ổn định, trật tự, đồng thuận và đoàn kết xã hội, mà còn trực tiếp và gián tiếp đe dọa sự chính danh của Đảng, sự tồn vong của chế độ chính trị xã hội, làm suy yếu sức mạnh và an ninh quốc gia.

Việc trao quyền lực cần gắn với yêu cầu kiểm soát quyền lực, gắn với định vị trách nhiệm cá nhân rõ ràng và nghiêm khắc; Tập quyền cần đi đôi với phân quyền.

Quyền lực càng lớn thì càng cần được kiểm soát chặt chẽ, thực tiễn cũng cho thấy, việc kiểm soát quyền lực cần được xây dựng và thực hiện đồng bộ bằng pháp luật và các quy định, quy trình giám sát xã hội rộng rãi, đa tầng, đa cấp, chặt chẽ, khoa học và phù hợp thực tế; được thiết kế đa chiều, phối hợp kiểm soát cả từ trên xuống và từ dưới lên, từ bên ngoài và tự kiểm soát ngay trong nội bộ.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong hiến kế ngăn chặn nhóm lợi ích
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong hiến kế ngăn chặn nhóm lợi ích

Hơn nữa, công tác kiểm soát quyền lực cần được siết chặt và song hành với tăng cường giám sát, kiểm tra và phản biện xã hội trong những ngành, lĩnh vực và địa phương có tính nhạy cảm cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, đất đai, tài nguyên quốc gia và đặc biệt nhất là công tác cán bộ.

Để kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, đòi hỏi từng cán bộ, đảng viên tự giác và tự kiểm soát việc thực hiện quyền và và chức trách, nhiệm vụ của chính mình; cũng như tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật có liên quan và  Quy định những điều đảng viên không được làm; Quy định về quản lý cán bộ, đảng viên và “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” mà Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã ban hành.

Đồng thời, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; Tôn trọng, tạo thuận lợi và đề cao công tác giám sát của các cơ quan và đại biểu dân cử, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Đề cao vai trò truyền thông, dư luận và áp lực xã hội trước các hành vi lạm dụng quyền lực.

Cho phép thành lập các Tổ kiểm tra, giám sát đặc biệt, công khai và bí mật, định kỳ hoặc đột xuất đặc trách phát hiện sự lộng quyền và lạm quyền, những quan hệ liên kết và cấu kết “lợi ích nhóm”… giúp Đảng, Nhà nước kịp thời và kiên quyết sớm loại bỏ hoặc thay thế cán bộ suy thoái, lạm quyền.

Để kiểm soát quyền lực, việc nhận diện và định danh các biểu hiện vi phạm và lạm dụng quyền lực là rất cần thiết và cần ngày càng được hoàn thiện: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ những biểu hiện "lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi.

Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực… Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi".  

Hội nghị Trung ương 7, khóa XII (5-2018) nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đồng thời chú trọng kiểm soát quyền lực; đặc biệt, yêu cầu phải "Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung".

Thực tế trong công tác cán bộ cũng cho thấy, tham nhũng trong công tác cán bộ là cội nguồn của mọi hành vi tham nhũng và thúc đẩy các hành vi suy thoái, tự diễn biến khác.

Hơn nữa, một quy trình dù chặt chẽ đến mấy cũng có thể bị hình thức hóa; Cơ chế tập trung và dân chủ có thể bị vô hiệu hóa bởi sự lệch chuẩn giá trị, bị chi phối bởi “tâm không sáng” vì lợi ích nhóm và cá nhân của người có thẩm quyền cao nhất và cán bộ tham mưu.

Khi nạn tham nhũng trong công tác cán bộ, đặc biệt là chạy chức, chạy quyền theo cơ chế “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ…” trở thành thông lệ phổ biến mặc nhiên và tồn tại bên cạnh sự vô cảm trong xã hội, đẻ ra một bộ phận cán bộ lớn về số lượng và thấp kém về cả đạo đức và năng lực, thì hậu quả sẽ đắt đỏ khôn lường.

Bởi lẽ, những người sẵn sàng bỏ tiền “chạy chức, chạy quyền” thì về bản chất, khi có chức, có quyền họ sẽ luôn tìm cách mọi cách bất chấp quy định của Đảng và pháp luật nhà nước, chà đạp mọi tiêu chuẩn đạo đức và giá trị lành mạnh của xã hội văn minh, lạm dụng tối đa quyền lực, nhũng nhiễu, bóp méo chính sách, thu lợi bất chính nhằm “hoàn vốn đầu tư” ban đầu và tiếp tục củng cố lợi cá nhân, phe nhóm.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cảnh báo về áp lực của nền kinh tế
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cảnh báo về áp lực của nền kinh tế

Đồng thời, họ tiếp tục tuyển chọn và cho “ra lò” lớp cán bộ mới kiểu “Ngưu tầm ngưu - Mã tầm mã” như họ, dập theo quy trình, thủ đoạn mà họ đã trải qua, dù với “giá chung chi” cao hơn và năng lực, đạo đức, trách nhiệm công vụ thấp hơn…

Sau vài vòng quay sản xuất cán bộ kiểu đó, người tài sẽ bật ra khỏi bộ máy công quyền; Những kẻ bất tài, vô trách nhiệm sẽ lũng đoạn bộ máy; Bất công xã hội và mất đoàn kết nội bộ sẽ gia tăng; Tài nguyên, lợi ích và sức mạnh quốc gia bị bào mòn, vị thế đất nước ngày càng bị tổn hại; Niềm tin vào năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Đảng, Nhà nước ngày càng giảm sút…

Về tổng thể, việc thiếu kiểm soát quyền lực và tham nhũng trong công tác cán bộ thực sự trở thành giặc nội xâm lớn nhất và nguy hại nhất trực tiếp và gián tiếp làm sụp đổ sự nghiệp chung toàn dân tộc và lợi ích quốc gia, thậm chí đe dọa ngay cả sự chính danh của Đảng, sự tồn vong của chế độ.

Bởi vậy, xây dựng, củng cố các chuẩn giá trị quốc gia (để có cơ sở xác định cái đúng cái sai và tạo động lực đoàn kết xã hội) và cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia, đặc biệt là chống tham nhũng và sự tha hóa trong công tác cán bộ đã, đang và sẽ tiếp tục là bài toán và nhiệm vụ nóng bỏng nhất, phức tạp và quan trọng nhất mà Đảng và Nhà nước ta phải giải quyết trong thời gian tới.

Đó cũng là sứ mệnh của Đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" được Ban tổ chức Trung ương trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Với mục tiêu hướng tới hoàn thiện thể chế là "Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy", sáu nhóm giải pháp chống chạy chức đã được Đảng đưa ra, trước mắt tập trung vào tạo các chốt chặn để "không thể chạy và không dám chạy" bằng việc hoàn thiện và ban hành hàng loạt quy chế, quy định mang tính hệ thống, chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, từ quy hoạch, giới thiệu, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, phân cấp quản lý cán bộ; khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý. 

Đặc biệt, nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Đừng sợ làm sẽ mất uy tín, sợ khuyết điểm là không tiến bộ được, mà làm để lấy lại uy tín và đã như thế thì phải công khai, phải chống cho được bè phái, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Đó cũng là điều kiện để nâng cao năng lực và uy tín lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự đoàn kết, khơi thông và phát huy cao nhất mọi nguồn lực quốc gia, sức mạnh cộng đồng, vì lý tưởng phát triển bền vững một Tổ Quốc Việt Nam hùng cường “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”..!

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong