Nghỉ Tết 9 ngày, GDP thiệt hại 2%

04/12/2014 11:06
TS Nguyễn Trí Hiếu
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu với kỳ nghỉ tết kéo dài đến 9 ngày sẽ gây ảnh hưởng đến sức sản xuất của nền kinh tế, có thể mất đến 2% GDP...

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11, ngày 1/12, Chính phủ đã thảo luận về Tờ trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Nguyên đán và hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2015 với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, các ý kiến nhất trí với phương án do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, lựa chọn. Cụ thể công chức, viên chức nghỉ 9 ngày đối với Tết Nguyên đán 2015 (từ ngày 15/2 đến hết ngày 23/2/2015). Ngoài ra tết Dương lịch năm nay công chức viên chức được nghỉ 4 ngày.

Mặc dù thời gian nghỉ sẽ được các cơ quan đơn vị bố trí lịch làm bù tuy nhiên  nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại thời gian nghỉ tết Nguyên đán và Dương lịch quá dài năm nay sẽ gây ảnh hưởng đến sức sản xuất của nền kinh tế.

Lịch nghỉ Tết Ất Mùi.
Lịch nghỉ Tết Ất Mùi.

Là người từng sống và làm việc nhiều năm tại Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính – Ngân hàngcho biết: Các nước phương Tây họ không có ngày nghỉ kéo dài mà chỉ có nghỉ ngắn ngày, họ không mất thời gian chuẩn bị, do đó sau kỳ nghỉ họ bắt đầu vào công việc mới rất nhanh... Việc ngày nghỉ kéo dài khiến năng lực sản xuất của cả nền kinh tế rất thấp trong tháng 2, dẫn đến năng lực làm việc thấp.

"Ở khía cạnh cá nhân tôi cho rằng thời gian nghỉ tết đến 9 ngày là quá dài. Theo tôi ngày nghỉ tết chỉ nên kéo dài 3 ngày là đủ gồm mùng 1, mùng 2 và mùng 3", TS Nguyễn Trí Hiếu nếu quan điểm.

Dưới đây là ý kiến của TS Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề trên:

Gây thiệt hại 2% GDP

Ở đây có hai cách nhìn, thứ nhất góc nhìn văn hóa việc có lịch tết nghỉ dài như vậy phù hợp với tập tục văn hóa người Việt Nam. Người Việt Nam có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi” vì vậy thời gian nghỉ Tết dài giúp người dân có thời gian nghỉ tết và đi chơi tết.

Đây là một tập quán, nhìn khía cạnh văn hóa xã hội là tốt vì khoảng thời gian nghỉ dài người thân gia đình có thể sum họp gặp gỡ nhau nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh mà nền kinh tế thị trường.

Ngày xưa mình ở đâu thường làm việc ở đó, sinh sống quanh đồng ruộng trong lũy tre làng. Còn ngày nay di chuyển của con người trong công việc từ Bắc vào Nam rồi từ Nam ra Bắc làm việc. Thành ra thời gian nghỉ tết kéo dài để người ta có thể di chuyển và có thời gian sum vầy với gia đình.

TS Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trao đổi với phóng viên
TS Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc trao đổi với phóng viên

Nhìn từ góc độ văn hóa, thời gian nghỉ tết lên đến 9 ngày như Chính phủ quyết định là hợp với tập quán, truyến thống.

Tuy nhiên đứng trên quan điểm kinh tế thì đây là kỳ nghỉ quá dài, ví dụ bên Mỹ ít có khi nào có kỳ nghỉ dài như vậy trừ kỳ nghỉ lễ tạ ơn vào thứ 5 nhưng phải làm lại vào thứ 6, do đó thường họ sẽ xin nghỉ cả ngày thứ 6 sau đó đi làm bù để có trọn 4 ngày nghỉ. Vì vậy kỳ nghỉ được xem là dài nhất là dịp lễ tạ ơn.

Còn lại nhiều nhất ngày nghỉ chỉ kéo dài 3 ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hoặc thứ 7, chủ nhật và thứ hai... rất ít khi họ kéo dài ngày nghỉ cả hơn một tuần như nước ta.

Trên phương diện kinh tế, với lịch nghỉ tết quá dài ngoại trừ việc có thể thúc đẩy nhu cầu mua sắm trong dân, đẩy sức cầu của nền kinh tế đi lên còn lại thời gian nghỉ tết dài gây ra tiêu cực. Thứ nhất kỳ nghỉ kéo dài làm giảm năng lực làm việc, năng lực làm việc của người Việt Nam đã thấp lại thêm ngày nghỉ tết dài nền kinh tế sẽ mất sức lao động, tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Do đó nếu tính thiệt hại về GDP với 9 ngày nghỉ trên 365 ngày thì sẽ mất khoảng 2% GDP, một thiệt hại rất lớn.

Thứ hai về khía cạnh hội nhập toàn cầu, việc để ngày nghỉ tết quá dài có những tiêu cực, bởi trong khi cả thế giới làm việc vào giữa tháng 2 (năm 2015) thì mình lại nghỉ đến 9 ngày. Như chúng ta cũng biết thời gian đầu năm là giai đoạn quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế thì mình lại nghỉ dài hạn.

Mặt khác cần thấy rõ ngày nghỉ Tết tuy quy định 9 ngày nghỉ nhưng trong thực tế ngày nghỉ nhiều hơn. Ngay từ trước Tết khoảng 1 tuần lễ các cơ quan rục rịch nghỉ tết hoạt động không hiệu quả, cơ quan hoạt động lẻ tẻ lãnh đạo nghỉ chúc mừng nhau, tiệc tùng tổng kết cuối năm…

Và sau Tết, rất nhiều nơi còn "lảng vảng" không khí tết, ít nhất kéo dài thêm 1 tuần lễ nữa. Vì vậy chắc chắn dịp Tết năm nay chúng ta phải mất khoảng 3 tuần lễ trước trong và sau tết trước khi công việc trở lại bình thường.

“Chỉ nên nghỉ 3 ngày”

So với các nước, phương Tây họ không có ngày nghỉ kéo dài mà chỉ có nghỉ ngắn ngày, họ không mất thời gian chuẩn bị, do đó sau kỳ nghỉ họ bắt đầu vào công việc mới rất nhanh. Ngay cả Lễ Giáng Sinh cũng vậy, tôi còn nhớ thời gian bên Mỹ ngay ngày 24 - đêm giáng sinh, vẫn làm việc bình thường nếu về sớm nhất cũng phải sau 4 giờ chiều  không ai về sớm hơn. Thậm chí ngày 25 là ngày lễ giáng sinh nếu có nghỉ lễ cũng phải làm việc sau 12 giờ trưa.

Còn ngày giao thừa trước khi bước sang năm mới, nếu là ngày làm việc thì thường họ phải làm việc sau 12 giờ trưa mới được về chuẩn bị đón năm mới. Điều đó khác xa với cách chúng ta cho nghỉ quá dài. Điều đó lý giải tại sao năng xuất lao động các nước phương Tây đặc biệt Mỹ luôn cao hơn Việt Nam nhiều lần.

Việc ngày nghỉ kéo dài khiến năng lực sản xuất của cả nền kinh tế rất thấp trong tháng 2, dẫn đến năng lực làm việc thấp. Do vậy gần như chúng ta mất gần hết cả tháng 2 trước khi mọi hoạt động trở lại bình thường, nên với thời gian nghỉ tết như vậy với phong tục tập quán văn hóa có thể nói tháng 2 năm tới là “tháng ăn chơi” điều này ảnh hưởng đến nền kinh tế rất nhiều.

Ở khía cạnh cá nhân tôi cho rằng thời gian nghỉ tết đến 9 ngày là quá dài. Theo tôi ngày nghỉ tết chỉ nên kéo dài 3 ngày là đủ gồm mùng 1, mùng 2 và mùng 3.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế công bố mới đây, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần... So với các nước ASEAN – 6 (các nước phát triển hơn trong ASEAN) và mức bét bảng so với các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Năng suất lao động Việt Nam bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore.

TS Nguyễn Trí Hiếu