Nhượng quyền nhà ga, sân bay cho tư nhân: "Cách mạng ngành hàng không"

28/02/2015 08:08
Mai Anh (tổng hợp)
(GDVN) - Quyết định nhượng quyền một phần nhà ga T1, nhượng quyền hoặc bán sân bay Phú Quốc được xem là cuộc “Cách mạng ngành hàng không".

Cú hích lớn ngành hàng không

Tại cuộc họp triển khai thực hiện đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã đưa quyết định trong năm 2015 sẽ thực hiện bán sân bay Phú Quốc và chuyển nhượng một phần nhà ga T1 – Sân bay quốc tế Nội Bài. Đây được coi là quyết định rất quyết liệt vì lĩnh vực hàng không vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không giúp nguồn thu của Nhà nước tăng lên, người tiêu dùng được hưởng lợi do có cạnh tranh trên thị trường.

Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không sẽ là cú hích lớn với ngành hàng không Việt Nam
Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không sẽ là cú hích lớn với ngành hàng không Việt Nam

Đề án này được thực hiện với kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích mới cho hành khách, các hãng hàng không đầu tư khai thác và đặc biệt là với Tổng công ty Cảng hàng không.

Đánh giá hiệu quả điểm mới trong đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ Giao thông vận tải Vũ Anh Minh cho biết: “Nổi bật nhất là chúng ta tăng nhanh vòng quay thu hồi vốn, đáng nhẽ chúng ta có thể xây dựng xong một nhà ga, một tuyến đường chúng ta thu phí 15 năm - 20 năm hoặc một thời gian nào đó để chúng ta hoàn vốn đầy tư. Thay vì như thế chúng ta chuyển nhượng quyền khai thác này trong một thời gian nhất định nào đó để chúng ta có được nguồn tiền nhanh nhất để chúng ta dùng nguồn tiền đó tiếp tục đầu tư các dự án khác”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với tình hình ngân sách Nhà nước eo hẹp và rất khó khăn, việc huy động nguồn vốn tư nhân cùng Nhà nước tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng là một giải pháp tốt trong giai đoạn hiện nay. 

Điều quan trọng hơn, khi nhượng quyền cho doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác kinh doanh gần như chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn, nguồn thu của Nhà nước tăng lên, người tiêu dùng được hưởng lợi do có cạnh tranh trên thị trường thay vì độc quyền chỉ có doanh nghiệp Nhà nước như trước đây. Từ phía các chuyên gia, tuy hầu hết đều ủng hộ và đánh giá cao tính khả thi của đề án nhưng vẫn còn lo ngại về những thách thức đặt ra với các nhà đầu tư.

Theo TS Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương: Thứ nhất nguồn vốn phải lớn, vốn lớn là một thách thức và phải dài hạn; Thứ hai phải có tính hệ thống trong quản lý, không thể đem kinh nghiệm của mình vào lĩnh vực quản lý mới này mà phải mang cái kinh doanh ngang tầm thể giới.

“Cách mạng ngành hàng không"

Đứng về phía doanh nghiệp được tin tưởng nhượng quyền khai thác tại nhà ga T1 – Sân bay quốc tế Nội Bài, đại diện Vietjet cho rằng: Trên thế giới hầu hết các sân bay của các nước đều do các công ty cổ phần tư nhân quản lý và khai thác, trong đó không ít hãng hàng không có sở hữu sân bay, nhà ga như Lufthansa, Ryan Air, Emirates, Bangkok Airway... Chủ trương xã hội hóa sẽ kéo ngành hàng không hội nhập nhanh hơn, đồng thời giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước. 

“3 năm vừa qua, nhu cầu vận chuyển hàng không nội địa tăng khoảng trên 20% mối năm, nghĩa là khoản trên dưới 4 triệu lượt khách mỗi năm. VietJet hiện đang khai thác khoảng 150 chuyến bay mỗi ngày, khi được giao quyền khai thác nhà ga, chúng tối sẽ chủ động hơn trong kế hoạch phát triển, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của thị trường”, đại diện Vietjet cho biết. 

Cuộc “Cách mạng đỏ ngành hàng không"
Cuộc “Cách mạng đỏ ngành hàng không"

Hãng hàng không Vietjet tự tin cho rằng, với cơ chế quản lý tư nhân thì có thể khẩn trương đầu tư, ứng dụng những mô hình và công nghệ tiên tiến trên thế giới để tăng công suất, hiệu quả khai thác của nhà ga, từ đó vẫn tăng được lượng khách vận chuyển.

“Mục tiêu cao nhất là hướng tới hành khách, các dịch vụ dành cho hành khách tại nhà ga chắc chắn sẽ được nâng cao khi chúng tôi chủ động có mặt bằng để đầu tư. Bên cạnh đó, khi quản lý khoa học và đồng bộ sẽ tăng được khả năng khai thác, hạn chế tắc nghẽn, giảm tỉ lệ chậm chuyến”, đại diện Vietjet khẳng định.

Cũng liên quan đến vấn đề huy động vốn xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, trả lời trên Tuổi trẻ TS Lương Hoài Nam cho rằng cần phải thay đổi tư duy theo hướng Nhà nước chỉ nên làm những gì gắn với an ninh quốc phòng, thúc đẩy kinh tế - xã hội mà tư nhân không đầu tư, những gì xã hội hóa được nên kêu gọi tư nhân đầu tư. Ngay cả việc đầu tư đường cất hạ cánh cũng sẽ thu được lợi nhuận khi thu lại phí cất hạ cánh.

Theo ông Nam, khái niệm Nhà nước quản lý hàng không không có nghĩa là Nhà nước phải đầu tư mà nên tạo điều kiện để tư nhân đầu tư. Theo thông tin được TS Nam chia sẻ, hiện trên thế giới rất nhiều sân bay ở Nga, nhà nước đã nhượng quyền sử dụng trong thời gian 99 năm cho tư nhân điều hành, kinh doanh. Chỉ riêng ở Matxcơva (Nga), bốn trong tổng số năm sân bay đã được bán quyền sử dụng cho tư nhân trong thời gian 99 năm. Ở Trung Quốc, nhà nước chỉ chiếm 55% cổ phần sân bay quốc tế Bắc Kinh. Thái Lan đã giao các sân bay ở Koh Samui, Sukhothai, Trad cho Hãng hàng không Bangkok Airways đầu tư...

Hiện nay, có rất ít nước mà cảng hàng không, sân bay thuộc nhà nước như ở Việt Nam. Thậm chí Lào và Campuchia cũng mở cửa cho đầu tư sân bay tư nhân trước cả Việt Nam. Ông Đoàn Nguyên Đức đang đầu tư hai sân bay tư nhân ở Lào. Campuchia nhượng quyền khai thác cả ba sân bay Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville cho ADP-M của Pháp...

Trong vấn đề thu hút nguồn vốn xã hội hóa nhà nước, có hai sự lựa chọn là chọn nhà đầu tư ngoại hay nội. Trả lời vấn đề này trên báo Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng không nên bán nhà ga cho nhà đầu tư ngoại, mà phải ưu tiên hàng đầu là nhà đầu tư nội và trong khả năng nhà nước quản lý được, nhất là vấn đề an ninh an toàn quốc gia. 

Nói như TS Phạm Chi Lan, trước hết huy động vốn xã hội hóa trong lĩnh vực hàng không trươc hết cần ưu tiên nhà đầu tư nội như Vietjet Air hay các doanh nghiệp hàng không tư nhân nội địa khác. 

Ở các quốc gia phát triển số hành khách thông qua các cảng hàng không có thể gấp 3 lần dân số tuy nhiên ở Việt Nam tỷ lệ này mới chỉ đạt 1/3 dân số. Do vậy lĩnh vực vận tải hàng không vẫn được coi là một thị trường còn nhiều dư địa để phát triển.

Về lộ trình cụ thể để triển khai dự án Bộ Giao thông vận tải cho biết đã đưa ra các danh mục để nghiên cứu. Chậm nhất đến tháng 4/2015 Bộ Giao thông vận tải sẽ đưa ra các danh mục dự án thu hút đầu tư xã hội hóa tại các cảng hàng không và sân bay. Trên cơ sở đó các nhà đầu tư sẽ quan tâm nghiên cứu các phân kỳ đầu tư, tổng mức đầu tư, lợi ích thu được để từ đó quyết định đầu tư cho các dự án này.

Mai Anh (tổng hợp)