Nóng biển Đông:Cần phát huy nội lực tránh phụ thuộc kinh tế nước ngoài

26/05/2014 07:17
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Đó là ý kiến chung của nhiều Đại biểu Quốc hội khi nhìn vào kinh tế Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh kinh tế có thể bị ảnh hưởng do căng thẳng tại Biển Đông.

Phản ứng về hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thềm lục địa, xâm phạm lãnh vùng đặc quyền kinh tế, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, đe dọa chủ quyền an ninh Việt Nam và các nước khu vực ASEAN, đến thời điểm này, Việt Nam tiếp tục thẳng thắn lên tiếng phản đối hành vi ngang ngược này của Trung Quốc đồng thời tuyên bố quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền lãnh thổ bằng biện pháp đối thoại, hòa bình.

Cùng với đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vấn đề xây dựng phát triển kinh tế, ổn định duy trì phát triển kinh tế mọi mặt là nhiệm vụ trọng tâm lúc này. Đây cũng là nội dung chính được nhiều đại biểu quốc hội tham gia đóng góp ý kiến trong kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra.  

Phải phát huy nội lực để tránh phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc
Phải phát huy nội lực để tránh phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc

Trong tình hình hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng Việt Nam cần chủ động có các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, từng ngành kinh tế, xuất nhập khẩu, các thị trường, cân đối ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm… 

Nhìn vào con số xuất nhập khẩu và những đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam từ khối doanh nghiệp FDI có thể thấy tỷ lệ nhập khẩu về nguyên, vật liệu lớn để gia công sản xuất cho thấy sự phụ thuộc vào thị trường cung cấp nước ngoài. Đặc biệt trong tình hình căng thẳng tại Biển Đông và sau sự cố diễu hành phản đối Trung Quốc xảy ra tại một số tỉnh như Bình Dương, Hà Tĩnh tạo hình ảnh xấu cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Vì thế lúc này vấn đề chính là phải phát huy nội lực của nền kinh tế Việt Nam. Đưa ra giải pháp cho vấn đề này Đại biểu Lê Hữu Đức (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, sự việc ở Bình Dương, Hà Tĩnh thời gian qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn FDI vào nước ta. Bởi vậy, biện pháp hiện nay là phải tiếp tục trấn an, khôi phục lại lòng tin của nhà đầu tư, rà soát lại thiệt hại và thống nhất phương án khắc phục.

Theo Đại biểu Lê Hữu Đức, hiện hầu hết doanh nghiệp trong nước chủ yếu xuất khẩu thô, trong khi xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp FDI. Bởi vậy, trong điều kiện khó khăn hiện nay, phải tăng cường đẩy mạnh người Việt ưu tiên dùng hàng Việt để kích thích doanh nghiệp trong nước phát triển, giảm lệ thuộc vào nước ngoài.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Kim Ngân nhận xét khó khăn hiện nay cũng là cơ hội để đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng hàng trong nước. Nhiều thứ chúng ta nhập khẩu rất vô lý như tăm xỉa răng, giấy bìa, dây đeo thẻ… Quốc hội phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ về đẩy mạnh sản xuất trong nước, dần dần phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp cơ khí để giảm nhập khẩu.

Trong khi đó nói về quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho biết, hiện 30% hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, khó tìm được thị trường thay thế. Nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nguyên liệu cho sản xuất, nếu nhập nơi khác sẽ bị đội giá lên rất nhiều. Buôn bán qua đường biên sử dụng nhân dân tệ với lượng lớn. Những căng thẳng hiện nay có thể ảnh hưởng tới thương mại song phương, bởi vậy, chúng ta phải tiến tới hạn chế bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Để làm được điều này, ông Ngoạn cho rằng, việc đầu tiên phải tăng năng suất lao động và tăng sức cạnh tranh. Theo tính toán, trong thời gian tới, phải tăng 50% năng xuất lao động, GDP phải tăng 6,5% mới đảm bảo công ăn việc làm cho lực lượng đến tuổi lao động. Phải đẩy nhanh tái cơ cấu, thời gian qua dù đã có chuyển biến tích cực nhưng tư duy vẫn chưa thoát ra được.

Bên cạnh giải pháp trước mắt như củng cố tạo niềm tin cho nhà đầu tư, tăng sự độc lập, tự chủ về kinh tế; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tăng sức mạnh của khối doanh nghiệp trong nước bằng những chính sách ưu tiên hợp lý, hỗ trợ, tạo cơ chế chính sách cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh lành mạnh…. Các đại biểu đưa ra quan điểm cho rằng cần phải huy động sức dân vì nguồn lực trong dân rất lớn chưa được huy động vào sản xuất kinh doanh.

Nêu vấn đề bất cập, Đại biểu Nguyễn Xuân Tý (đoàn Bến Tre) cho biết, hiện nay phải tập trung ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. “Rất đau lòng khi thấy ngư dân không có tiền đóng tàu vươn khơi bám biển, trong khi hàng năm chúng ta tổ chức rất nhiều lễ hội vô cùng tốn kém. Phải đánh giá lại vấn đề này. Đó là sự lãng phí có tổ chức”, Đại biểu Nguyễn Xuân Tý nói.

Theo nhiều đại biểu, hiện nay nền kinh tế còn bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, đại biểu Vũ Viết Ngoạn chỉ ra: Kinh tế Việt Nam có thêm ba hạn chế lớn. Thứ nhất là nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và phát sinh khó khăn mới. Khó khăn của nông nghiệp không chỉ do thiên tai hay đơn giản là giá cả, mà ở đây là khó khăn do cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Điều này đòi hỏi giải pháp với ngành nông nghiệp phải khác đi. 

Thứ hai là động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu từ khu vực vốn đầu tư nước ngoài, từ cả sản xuất đến xuất khẩu. Điều này cho thấy, tính bền vững, tính tự chủ của chúng ta phần nào bị giảm bớt. 

Thứ ba là các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến giải quyết công ăn, việc làm và các vấn đề xã hội khác. Ngoài ra, kinh tế thế giới đang có dấu hiệu không ổn định dù cuối năm 2013 các chuyên gia dự báo và kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ khá sáng sủa, phục hồi tốt hơn nhiều trong năm 2014. Song, bước sang đầu năm 2014 đã xuất hiện một số yếu tố tiêu cực nên dự báo kinh tế thế giới sẽ ít sáng sủa hơn so với dự báo trước. Kinh tế thế giới có những bất ổn, thậm chí là bất trắc không lường hết được. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của nước ta vì tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Hồng Minh (Tổng hợp)