Tái cơ cấu VNPT, người tiêu dùng phải được lợi

21/02/2014 07:47
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo PGS-TS Bùi Quang Bình tái cơ cấu VNPT điều quan trọng người dân phải được lợi với dịch vụ tốt và không để các nhà mạng âm thầm liên kết dẫn đến độc quyền

Câu chuyện tai cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT) làm dấy lên cuộc tranh luận của người trong ngành viễn thông cũng như các chuyên gia kinh tế. Nhiều giả thiết được đặt ra đằng sau chuyện tái cơ cấu VNPT trong đó vấn đề được quan tâm nhất là việc tách MobiFone hay VinaPhone ra khỏi VNPT. Đồng thời sau khi tách 1 trong hai nhà mạng này, VNPT có cần tái cơ cấu tiếp. 

Đến thời điểm này nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng như ngay chính lãnh đạo VNPT cũng đồng tình cho rằng tách MobiFone ra là có lợi cho cả VNPT và MobiFone. Theo lý giải, MobiFone là mạng di động mạnh có thị phần lớn, quản lý tốt do đó nếu tách khỏi VNPT MobiFone sẽ phát triển mạnh hơn.

Tái cơ cấu VNPT, người tiêu dùng phải được lợi ảnh 1
Tái cơ cấu VNPT, người tiêu dùng phải được lợi

Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng nên tách VinaPhone ra khỏi VNPT. Những người đưa ra ý kiến này đưa ra lý giải rằng so với người anh em MobiFone, VinaPhone vẫn còn sức ỳ, dựa nhiều vào VNPT. Do đó cần phải tách để tự đứng vững cạnh tranh trên thị trường. Còn MobiFone là nhà mạng lớn quản trị tốt, sẽ ở lại VNPT để vực tập đoàn này phát triển đi lên.

Cho đến thời điểm này Bộ Thông tin và Truyền thông - đơn vị chủ quản VNPT dường như vẫn lấp lửng thông tin: Hoặc là tách Mobifone hoặc là tách Vinaphone.

Đưa quan điểm về vấn đề tái cơ cấu VNPT, PGS-TS Bùi Quang Bình - Chủ nhiệm khoa kinh tế, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng cho biết: Tái cơ cấu VNPT, điều quan trọng người dân phải được lợi từ dịch vụ viễn thông tốt và không để các nhà mạng âm thầm liên kết dẫn đến độc quyền.

Theo PGS-TS Bùi Quang Bình, việc tái cơ cấu VNPT là việc cần làm ngay. “Quan điểm của mình là ủng hộ việc tái cơ cấu VNPT trong đó cần tách MobiFone ra khỏi VNPT để nhà mạng này vươn mình phát triển. Tuy nhiên vấn đề sau khi tách MobiFone, để tái cơ cấu VNPT cần phải mạnh rạn cắt bỏ những đơn vị yếu kém”, PGS-TS Bùi Quang Bình cho biết.

Lấy ví dụ như một người làm vườn, PGS-TS Bùi Quang Bình cho rằng, lãnh đạo VNPT cần mạnh dạn “Cắt bỏ những đơn vị yếu kém, phải xem xét lại lĩnh vực đầu tư ngoài ngành nếu không hiệu quả cần dừng lại để tập trung đầu tư cho mục tiêu chính. Giống như người là vườn tỉa bỏ cành sâu, cành khô để tập chung dinh dưỡng cho cây phát triển”.

Về ý kiến cho rằng, việc tách MobiFone khỏi VNPT để tạo thế chân vạc gồm 3 nhà mạng MobiFone-Viettel-VinaPhone nhưng đều nằm một chủ sở hữu là nhà nước. Trong khi về nguyên tắc, một chủ sở hữu không nên tổ chức nhiều đơn vị cạnh tranh trong 1 chủ sở hữu. Nói các khác khi thuộc sở hữu nhà nước doanh nghiệp vẫn bị can thiệp vào việc kinh doanh.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS-TS Bùi Quang Bình cho rằng việc chủ sở hữu chung là nhà nước không quan trọng mà vấn đề nằm ở chỗ nhà nước phải giám sát tránh việc nhà mạng âm thầm liên kết, tạo độc quyền khiến người tiêu dùng, người dân bị thiệt thòi.

“Về luật, việc nhiều doanh nghiêp cùng chủ sở hữu canh tranh với nhau không sai về luật, vấn đề ở chỗ nhà nước phải giữ vai trò giám sát tránh việc các nhà mạng liên kết, tạo độc quyền giống như việc tăng cước phí 3G vừa qua, khi cả 3 nhà mạng đều tăng với mức như nhau, trong khi thị phần chiếm 95% thì dù muốn hay không người dân vẫn phải sử dụng và chịu thiệt”, ông Bình đưa ra quan điểm.

Câu chuyện tái cơ cấu VNPT đã được bàn đến một thời gian dài dù cho đề án hiện đã được Bộ TT&TT gửi lên Chính phủ. Nhìn ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS-TS Bùi Quang Bình cho rằng, đó cũng là tình trạng chung của nhiều đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

“Về phía tập đoàn doanh nghiệp nhà nước ngay chính bản thân lãnh đạo những đơn vị này có thể không muốn tái cấu trúc hoặc quan điểm không thống nhất. Về phía Chính phủ, dù rất ủng hộ nhưng nhiều vấn đề khó mà doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước đưa ra các bộ, ngành cũng chưa có giải pháp dẫn đến chậm trễ”, ông Bình kết luận.

Hoàng Lực