Vào Việt Nam lúc này, McDonald’s "rất tinh quái"

10/02/2014 07:10
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo chuyên gia Marketing thương hiệu Võ Văn Quang, việc ông lớn đồ ăn nhanh McDonald’s vào thị trường Việt Nam lúc này thể hiện sự tinh quái, lợi hại.

Mặc cho thị trường thức ăn nhanh Việt Nam đang tỏ ra khá chật chội khi hội tụ đầy đủ những thương hiệu lớn nhất thế giới như: KFC, Lotteria, Burger King, Subway, Jollibee, Pizza Hut, Domino’s Pizza... , McDonald’s đã chính thức có mặt tại Việt Nam.

Nói về số lượng cửa hàng, hiện Lotteria (Hàn Quốc) đứng đầu với hơn 160 cửa hàng, tiếp theo là KFC (Mỹ) đã mở 140 cửa hàng, Jollibee (Philippines) với hơn 30 cửa hàng. Được biết cửa hàng đầu tiên vừa được McDonald’s chính thức khai trương tại TP HCM chỉ là 1 trong số 100 cửa hàng trong dự định của tập đoàn thức ăn nhanh này. 

Quang cảnh buổi lễ khai trương cửa hàng McDonald’s đầu tiên tại TP HCM (ảnh Thanh Niên)
Quang cảnh buổi lễ khai trương cửa hàng McDonald’s đầu tiên tại TP HCM (ảnh Thanh Niên)

Tại sao McDonald’s không vào Việt Nam sớm hơn để chiếm lĩnh thị trường? Lý giải điều này chuyên gia Marketing thương hiệu, ông Võ Văn Quang cho rằng việc McDonald’s quyết định vào thị trường Việt Nam lúc này thể hiện sự tinh quái của một thương hiệu lớn. Bởi sau một thời gian thâm nhập thành công, các nhãn hàng như KFC, Loteria, Jollibee… đã tạo thành một thị trường đệm, một phân khúc. Đồng thời các nhãn hàng trước đó đã tạo ra một xu hướng ẩm thực mới. 

“Đồ ăn nhanh có lợi thế về mức độ an toàn và tiện lợi, hai yêu cầu cơ bản trong ẩm thực, phù hợp đặc biệt với giới văn phòng buổi trưa, như vậy rõ ràng McDonald’s vào lúc này khi  người Việt đã có thói quen ăn thức ăn nhanh chứng tỏ sự lợi hại của thương hiệu lớn”, ông Quang nhận định.

Thị trường ăn nhanh lệ thuộc vào dân số, mức thu nhập và văn hóa. “Dân số chúng ta đông thị trường lớn, mức thu nhập bắt đầu tăng. Vấn đề McDonald’s cần quan tâm ở đây là văn hóa, chính xác hơn là văn hóa ẩm thực”, ông Quang nói.

Tuy lo lắng cho việc McDonald’s sẽ khó thành công khi nhìn từ góc độ ẩm thực truyền thống, tuy nhiên nhiên theo chuyên gia Marketing Võ Văn Quang văn hóa ẩm thực Việt Nam hiện nay cũng đã bị phân ly ra giữa người có thói quen ăn uống kiểu truyền thống và những thành phần có quan niệm sống hiện đại như lớp trẻ.

“Nếu phân ra như vậy thì ít nhất cũng có khoảng 1/3 ủng hộ xu hướng ẩm thực hiện đại ăn nhanh, đây là chỗ đứng tiềm năng. Trước khi vào thị trường Việt Nam chắc chắn McDonald’s phải nghiên cứu thị trường, lựa chọn thời điểm rất kỹ. Nhưng để phù hợp thị trường và văn hóa ẩm thực đặc trưng Việt Nam, McDonald’s cần phải bổ sung một số món ăn địa phương, truyền thống”, chuyên gia Marketing Võ Văn Quang phân tích.

“Văn hóa ẩm thực Việt Nam khác với những nước trong khu vực Đông Nam Á. Nếu như khi vào Philipine, McDonald’s làm thay đổi cả bộ mặt ẩm thực, thay đổi thói quen ẩm thực thì ở Việt Nam điều đó không thể xảy ra, do lịch sử lâu năm, lâu đời, người Việt có bản lĩnh ẩm thực. Chỗ đứng của McDonald’s là dựa trên vấn đề thương hiệu, với không gian hiện đại, thức ăn đảm bảo vệ sinh an toàn, tiện lợi. Cùng với đó McDonald’s chiến thuật đầu tư dài hơi tính lợi nhuận tầm xa vì thế sẽ không khó để thành công tại thị trường Việt Nam”, ông Quang nhận xét.

Đánh giá các thương hiệu ăn nhanh trong nước, ông Quang cho rằng vấn đề chính khiến doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh là nhỏ lẻ, chưa tạo ra thương hiệu mạnh tầm quốc gia, chưa có chuỗi cửa hàng. Ví dụ thương hiệu Phở Việt Nam xâm nhập nhiều nước nhưng chỉ theo kiểu đánh du kích, chưa có thương hiệu mạnh, chuổi những cái vừa qua chỉ là thử nghiệm

Vì thế để doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp Việt kinh doanh thức ăn nhanh nói riêng có được chỗ đứng, theo chuyên gia Marketing Võ Văn Quang thì cần phải có sự đầu tư, nguồn lực tài chính, đồng thời phải định nghĩa giá trị bản sắc ẩm thực. Tính quốc tế, tư duy quốc tế cũng là cái yếu của doanh nghiệp Việt Nam mà trong thời gian tới doanh nghiệp phải thay đổi nếu muốn vươn cao.

Hoàng Lực