Vụ nhập đường Hoàng Anh Gia Lai từ Lào: Ai hưởng lợi?

22/11/2013 10:52
Theo Tuổi trẻ
Dù việc đưa 30.000 tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) từ Lào về VN tinh luyện rồi tái xuất mới chỉ là ý định nhưng đã làm nóng ngành đường của VN vốn đang gặp khó về đầu ra.
Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) cho rằng nhập khẩu đường của HAGL sau đó tái xuất qua đường tiểu ngạch sẽ bịt con đường sống duy nhất của 40 nhà máy mía đường trong nước. Ngược lại, HAGL và Công ty cổ phần đường Biên Hòa (BHS) cho rằng không có ảnh hưởng và ngành đường VN cần phải nhìn xa để đối phó với cạnh tranh khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ vào năm 2015.Người trồng mía sẽ gặp khó? Trong những năm gần đây, lượng đường mà VN sản xuất mỗi năm một nhiều trong khi tiêu thụ không tăng tương ứng nên lượng dư thừa ngày một lớn. Hơn nữa, mỗi năm có một lượng lớn đường nhập lậu từ Thái Lan qua biên giới Tây Nam với giá rẻ càng làm tình hình tiêu thụ đường của các nhà máy thêm khó khăn.
Đóng gói sản phẩm tại Nhà máy đường Hoàng Anh Attapeu (Lào) - Ảnh: H.Đ.
Đóng gói sản phẩm tại Nhà máy đường Hoàng Anh Attapeu (Lào) - Ảnh: H.Đ.
Do đó, các nhà máy đường buộc phải tìm cách xuất khẩu đường qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc để giải quyết lượng hàng sản xuất ra. “Trong bối cảnh Nhà nước không quản lý được đường nhập lậu từ Thái Lan, xuất khẩu đường sang Trung Quốc là lối thoát duy nhất cho các nhà máy sản xuất trong nước” - ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch VSSA, cho biết. Tuy nhiên, mới đây HAGL và BHS tính chuyện đưa đường từ Lào về VN tinh luyện rồi tái xuất sang Trung Quốc cũng bằng con đường tiểu ngạch làm các doanh nghiệp mía đường trong nước lo lắng. Bởi HAGL mới đây cho biết giá thành đường của họ rất thấp do chi phí sản xuất mía (chiếm 60% giá thành đường) chỉ ở mức 250-300 đồng/kg, bằng 1/3 so với giá mía trong nước. Với đầu vào rẻ như thế thì việc HAGL và BHS sẽ tái xuất đường sang Trung Quốc với giá rẻ là hiển nhiên. Các nhà sản xuất trong nước không thể chạy đua giảm giá với HAGL vì chi phí quá cao. Như vậy, việc tiêu thụ đường của các nhà máy nội địa bị ảnh hưởng dẫn đến nguy cơ tồn kho lớn. Nếu các nhà máy giảm giá mua mía nguyên liệu trong nước, nông dân sẽ lỗ và bỏ cây mía thì các nhà máy đường cũng đóng cửa. “Nếu Chính phủ cho phép HAGL đưa đường từ Lào về VN sẽ tạo ra tiền lệ xấu bởi HAGL được thì đơn vị khác cũng được. Năm nay họ nhập 30.000 tấn thì sang năm có thể lên 300.000 tấn hoặc hơn nữa. Tại sao phải vì nông dân nước ngoài mà gây khó cho nông dân VN?” - ông Long thắc mắc. Trái với quan điểm của VSSA, ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch HĐQT Công ty CP HAGL - cho rằng việc đơn vị này đưa đường về VN không ảnh hưởng gì đến ngành đường trong nước, trái lại Nhà nước còn được lợi nhờ tiền đóng thuế của họ. Việc nhập khẩu đường HAGL từ Lào, nếu được phép cũng chỉ bắt đầu từ năm 2014. Hơn nữa, theo cam kết khi gia nhập WTO, mỗi năm VN phải nhập khẩu hàng chục ngàn tấn đường. Thay vì nhập khẩu đường từ những quốc gia khác, việc nhập khẩu đường do HAGL sản xuất cũng là một giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp VN.
Ngành đường phải nghĩ xa hơn!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đức cho rằng HAGL bán đường cho BHS để tinh chế rồi xuất khẩu sang Trung Quốc, không ảnh hưởng đến thị trường đường trong nước. Không những vậy, việc làm này còn đem lại cái lợi cho đất nước khi đường Biên Hòa có nguyên liệu hoạt động, giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, đóng thuế cho Nhà nước. Bản thân HAGL là một doanh nghiệp của VN đầu tư ra nước ngoài cũng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ở VN, giá thành thấp bán cao lời nhiều thì đóng thuế nhiều. “Nói HAGL bán đường không có lợi cho người dân VN cũng không đúng. Khoảng 80% lao động của nhà máy đường tại Lào là lao động VN” - ông Đức nói. Ông Nguyễn Văn Lộc, tổng giám đốc BHS, cũng cho biết đây mới chỉ là ý định giữa HAGL và BHS, phải được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng và phù hợp với thị trường thì mới tiến hành được. “Quan điểm của tôi thì đây là việc bình thường. Bởi số đường này không bán ở VN, chưa kể con số 30.000 tấn không đáng kể so với lượng hấp thụ của Trung Quốc qua cửa khẩu này lên đến 500.000-600.000 tấn/năm” - ông Lộc nói. Cũng theo ông Lộc, điều mà lẽ ra các doanh nghiệp trong nước phải quan tâm hơn là từ năm 2015, thuế suất của khu vực ASEAN bị bãi bỏ và nguy cơ đường từ Thái Lan tràn vào VN. Thái Lan đã có cả một hệ thống ngành đường hoàn chỉnh, được nhà nước hỗ trợ từ nhiều năm nay, ngay cả HAGL cũng chẳng là gì. Còn bản chất hệ thống sản xuất đường của VN là do đất đai phân tán nhỏ lẻ, nông dân canh tác theo truyền thống lạc hậu là đáng ngại nhất. Thêm nữa VN không có một hệ thống chính sách đi theo để hỗ trợ nông nghiệp như Thái Lan. Đó mới là điều đáng lo.
Cạnh tranh là tất yếu

Ông Trần Công Thắng, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng nên cân nhắc không cấp phép để ưu tiên tiêu thụ đường trong nước, tiêu thụ hết mía của nông dân đang vào mùa vụ thu hoạch rộ và đường có nguy cơ dư thừa.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là ngành đường VN sau nhiều năm bảo hộ nhưng giá thành sản xuất vẫn rất cao. Khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ thì sẽ phải cạnh tranh với nước ngoài. Do đó, việc HAGL muốn đưa đường về VN là lời cảnh báo cho doanh nghiệp ngành đường. Nếu các doanh nghiệp trong nước không cải tiến để giảm giá thành thì không thể cạnh tranh được vì người tiêu dùng sẽ chọn đường có giá rẻ hơn.
Theo Tuổi trẻ