Kon Tum "ra quân" kiểm tra thu, chi đầu năm học

14/10/2022 06:40
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Khoản nào thu theo tháng thì không thu theo năm, thực hiện thu theo tháng để giảm áp lực đóng một lần lên cha mẹ học sinh”.

Vấn đề lạm thu tại trường học là câu chuyện năm nào cũng nóng, nhất là dịp đầu năm học. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đình Vinh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, vấn đề thu, chi trong trường học là một nội dung quan trọng được lãnh đạo Sở quan tâm chỉ đạo sát sao.

Theo đó, trong Hội nghị trực tuyến giao ban ngành quý III năm 2022 (ngày 10/10/2022), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, bà Phạm Thị Trung cũng đã nhiều lần nhấn mạnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong trường học, nhất là hoạt động thu, chi đầu năm học.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong trường học, nhất là hoạt động thu, chi đầu năm học. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong trường học, nhất là hoạt động thu, chi đầu năm học. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Theo Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, hiện nay một số trường học làm chưa tốt vấn đề thực hiện thu, chi trong trường do cách truyền thông chưa đúng, hay việc “thu hộ, làm giúp,...” các nhiệm vụ khác dẫn đến chi phí thu đầu năm học bị “đội” lên cao.

Cụ thể, ông Vinh đưa ra một vài ví dụ: “Trong một số trường hợp cụ thể, có những khoản do Ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng kịch bản thu, chi, lên chương trình thu các quỹ hoạt động, tuy nhiên lại nhờ cô giáo chủ nhiệm thu hộ, nên có trường hợp hiểu nhầm, khoản thu dưới danh nghĩa nhà trường lại bị "đội" lên cao.

Hay một trường hợp khác, là vấn đề thẻ bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế là trách nhiệm của toàn xã hội, từ trung ương đến địa phương đều cố gắng bao phủ bảo hiểm y tế 100% để đảm bảo lợi ích cho người dân khi có trường hợp đau ốm xảy ra,...

Để thực hiện bảo hiểm y tế học sinh sinh viên, khoản thu này gắn cho nhà trường "thu hộ". Với khoảng 500.000-600.000 đồng/học sinh, khoản thu này cộng dồn, thu cùng thời gian với các khoản thu khác nên tổng khoản thu đầu năm trở thành nhiều”.

Ngoài ra, do công tác quản lý ở một số trường chưa tốt, việc hiểu sai, hiểu không đến nơi, để Ban đại diện cha mẹ học sinh triển khai không đúng, tự cộng dồn các khoản thu, chi,... dẫn đến chi phí đầu năm bị đội lên thành khoản lớn.

Do đó, trong các chỉ đạo đầu năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum quán triệt tới thủ trưởng các đơn vị lưu ý thực hiện việc thu, chi theo đúng quy định.

Trao đổi với phóng viên, ông Vinh cho biết, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện thu các khoản theo quy định “khoản nào thu theo tháng thì thu theo tháng, không thu theo năm, trừ khi phụ huynh có nhu cầu mong muốn đóng luôn một lần, còn lại thực hiện thu theo tháng để giảm áp lực đóng 1 lần lên cha mẹ học sinh”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum, bà Phạm Thị Trung đã có quán triệt:

“Các cơ sở giáo dục công lập và Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Nhà trường không được lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT; không được thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh để thực hiện các dịch vụ, liên doanh, liên kết, sử dụng tài sản công trái quy định.

Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.

Chia sẻ với phóng viên, ông Vinh cho biết, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Kon Tum đã thành lập đoàn thanh tra tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn để kiểm tra hoạt động thu, chi trong trường học, phát hiện và xử lý kịp thời các đơn vị vi phạm.

Ngoài ra, sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cũng có kế hoạch tổ chức cuộc họp báo tuyên truyền về nội dung này, giúp các đơn vị, Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng các bậc phụ huynh hiểu đúng, hiểu rõ các quy định liên quan, để từ đó có được sự đồng thuận cao của xã hội.

Ngày 13/9/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023. Theo đó, bà Phạm Thị Trung yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các khoản thu, chi trong trường học theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập để xảy ra lạm thu.

Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố trực thuộc và thủ trưởng các cơ sở Giáo dục và Đào tạo công lập nghiêm túc triển khai thực hiện.

Trước đó, nhiều phụ huynh trên địa bàn huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã phản ánh về việc trường học thu nhiều khoản trái quy định.

Cụ thể: một số phụ huynh tại Trường Tiểu học Hùng Vương ở thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, phản ánh, ngoài các khoản thu học phí và bảo hiểm, phụ huynh còn phải đóng thêm Quỹ hội phụ huynh 150.000 đồng, quỹ lớp 200.000 đồng, tiền đồ dùng bán trú 110.000 đồng, tiền phô tô 50.000 đồng, tiền vệ sinh 126.000 đồng/học sinh… Đặc biệt, phải đóng tiền xã hội hóa 300.000 đồng/học sinh, dù nhiều phụ huynh không đồng ý.

Tương tự, tại Trường Tiểu học-Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn ở thị trấn Sa Thầy, một số phụ huynh cũng cho biết bên cạnh các khoản đóng học phí, tiền dịch vụ bán trú, mỗi phụ huynh nộp tiền quỹ lớp là 250.000 đồng, quỹ hội 200.000 đồng và vận động tài trợ 200.000 đồng theo hình thức tự nguyện.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 7/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết đã có văn bản số 1981/SGDĐT-VP gửi Ủy ban nhân dân huyện Sa Thầy, đề nghị phối hợp rà soát thông tin một số trường học trên địa bàn huyện thực hiện các khoản thu ngoài danh mục các khoản thu được quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT.

Doãn Nhàn