GD tuần qua: "Nóng" chuyện lạm thu; Hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo ĐH

09/10/2022 06:34
Lam An (Tổng hợp)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hơn một tháng kể từ khi bắt đầu năm học mới, câu chuyện lạm thu dù năm nào cũng nói nhưng vẫn khiến phụ huynh nhiều nơi bức xúc.

Tuần vừa qua, câu chuyện về những khoản thu “cao bất thường” tiếp tục được phụ huynh phản ánh. Song song với đó, chất lượng giáo dục đại học tiếp tục là vấn đề được thảo luận khi việc liên kết đào tạo vẫn còn đặt ra nhiều câu hỏi.

Phụ huynh bức xúc vì có lớp học ở Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn dự chi gần 300 triệu đồng/năm

Ngày 4/10/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Có lớp ở Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn dự kiến kinh phí hoạt động hơn 165 triệu/năm học".

Theo phản ánh của phụ huynh lớp 9/10 tại Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh thì bảng kế hoạch thu chi của lớp có 17 hạng mục cần chi cho cả năm học 2022 – 2023. Trong đó, có 2 hạng mục cần chi nhiều nhất (20 triệu đồng/mục) là Hoạt động ngoại khóa, văn nghệ; chụp hình + phim + kỷ yếu cuối năm.

Ngày 5/10, Tạp chí tiếp tục có bài "Thêm lớp ở Trường Lê Quý Đôn dự trù kinh phí gần 300 triệu, Phòng Giáo dục chỉ đạo".

Theo thông tin phụ huynh cung cấp cho Tạp chí, bảng dự trù kinh phí xuất phát từ lớp 9/12 cũng của trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn dự chi cho hoạt động một năm học lên đến hơn 270 triệu đồng.

Bảng tổng hợp dự tính thu chi cả năm học của lớp 9/12. (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)
Bảng tổng hợp dự tính thu chi cả năm học của lớp 9/12. (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)

Trong đó có khoản dự chi: Quà 20/11 tặng các giáo viên: giáo viên chủ nhiệm (3.000.000 đồng), cô bảo mẫu (1.000.000 đồng), 16 giáo viên bộ môn (1 triệu/người), 14 nhân viên (500.000 đồng/người), thầy hiệu trưởng (thiệp chúc mừng 2.000.000 đồng), 2 cô hiệu phó (2.000.000 đồng/người);

Dự chi quà tết cho thầy cô: giáo viên chủ nhiệm (3.000.000 đồng), cô bảo mẫu (1.000.000 đồng), 16 giáo viên bộ môn (1 triệu/người), 14 nhân viên (500.000 đồng/người).

Tuyến bài phản ánh Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, có dấu hiệu lạm thu nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận xã hội.

Thầy Nguyễn Văn Diệu – Hiệu trưởng nhà trường đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp dừng việc dự trù kinh phí quá nhiều, thời gian thực hiện quá dài, cần thực hiện theo đúng các quy định hiện hành, đề nghị cắt hoạt động theo từng giai đoạn, đảm bảo tính thống nhất trong toàn thể phụ huynh của lớp.

Còn thầy Lương Trọng Bình – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 chia sẻ, ngay sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nêu về trường hợp quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp 9/10, 9/12 Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn quá nhiều, Phòng đã có chỉ đạo nhà trường, nếu khoản thu nào phụ huynh chưa đồng thuận, chưa thống nhất thì cần phải dừng ngay.

Lãnh đạo Phòng sẽ có yêu cầu Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn cần rà soát lại đầy đủ, toàn diện những nội dung dự trù kinh phí thu chi hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh hai lớp 9/10, 9/12 và sớm có báo cáo về Phòng.

Muốn nghỉ trưa tại trường phải đóng tiền

Tiếp tục câu chuyện thu chi, ngày 6/10, trên các diễn đàn và mạng xã hội thông tin chuyện học sinh của Trường Trung học phổ thông Marie Curie, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh muốn nghỉ trưa tại trường phải đóng tiền.

Thông tin ban đầu cho biết, nhà trường thu phí nghỉ trưa tại lớp của học sinh với giá 15.000/buổi cho mỗi học sinh. Nếu học sinh nào không có tiền đóng thì ra khỏi lớp, ngồi lang thang ghế đá, gốc cây vào thời điểm giữa trưa nắng hoặc mưa, hay là phải về nhà và quay trở lại lớp khi đến đầu giờ học.

Biên nhận thu tiền nghỉ trưa của học sinh Trường Trung học phổ thông Marie Curie (ảnh: CTV)

Biên nhận thu tiền nghỉ trưa của học sinh Trường Trung học phổ thông Marie Curie (ảnh: CTV)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Khoa – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các thông tin phản ánh này là có.

Tuy nhiên, việc này đã được xin ý kiến và nhận được sự đồng thuận trong buổi họp của cha mẹ học sinh đầu năm. Nội dung này cũng có ghi trong biên bản.

Hiện nay, nhà trường chỉ mới tổ chức nghỉ trưa có phòng riêng, mở máy lạnh dành cho hơn 300 học sinh khối 10 đã đăng ký nghỉ trưa tại trường. Trong khi đó, học sinh lớp 10 của trường có đến hơn 1.200 em, việc đăng ký này là hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc.

Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ không liên kết với 2 trường mà báo chí đăng tải về “dối trá trong đào tạo cao đẳng chính quy ngành y – dược”

Xét báo cáo kết quả thanh tra ngày 5/10/2022 của Trưởng đoàn thanh tra Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, Báo cáo giải trình của Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, ngày 6/10, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã ban hành kết luận thanh tra công tác đào tạo chuyên ngành y dược tại Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Phú Thọ.

Đáng chú ý, trong kết luận này đã nêu cụ thể kết quả xác minh liên quan đến các thông tin Báo Sức khỏe và Đời sống điện tử ngày 24/8/2022 đã đăng tải trên trang thông tin điện tử loạt bài "Dối trá trong đào tạo cao đẳng chính quy ngành y - dược”.

Theo đó, tại buổi làm việc với đoàn thanh tra vào ngày 26/8/2022, Hiệu trưởng nhà trường đã báo cáo giải trình về nội dung bài báo phản ánh việc liên kết tuyển sinh, phiếu thu tiền, tổ chức thi tốt nghiệp... về Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ là không chính xác.

Hiệu trưởng nhà trường đã báo cáo giải trình về nội dung bài báo phản ánh việc liên kết tuyển sinh, phiếu thu tiền, tổ chức thi tốt nghiệp... về Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ là không chính xác.. (Ảnh: website nhà trường)

Hiệu trưởng nhà trường đã báo cáo giải trình về nội dung bài báo phản ánh việc liên kết tuyển sinh, phiếu thu tiền, tổ chức thi tốt nghiệp... về Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ là không chính xác.. (Ảnh: website nhà trường)

Cụ thể theo báo cáo giải trình của nhà trường nêu rõ: Từ năm 2017 đến nay, Nhà trường không có bất cứ hình thức liên kết đào tạo nào với hai trường (Trường Cao đẳng Dược Hà Nội, địa chỉ: huyện Văn Lâm- tỉnh Hưng Yên và Trường Cao đẳng Lê Qúy Đôn, địa chỉ: Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Về mẫu phiếu thu tiền mà Báo Sức khỏe và Đời sống điện tử đăng tải trong bài viết, không phải là phiếu thu tiền của nhà trường phát hành.

Dựa trên kết quả xem xét hồ sơ, tài liệu, sổ sách do Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ đã xuất trình (từ ngày 01/01/2020 đến ngày 24/8/2022) cho thấy: Không phát hiện có tài liệu, hợp đồng, chứng từ nào thể hiện có hoạt động liên doanh, liên kết đào tạo với hai trường Trường Cao đẳng Dược Hà Nội, địa chỉ Huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn, địa chỉ Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Không phát hiện thấy có hoạt động giao dịch tài chính giữa Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ với Trường Cao đẳng Dược Hà Nội và Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn.

Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ không sử dụng mẫu phiếu thu có hình thức như hình ảnh Báo Sức khỏe và Đời sống điện tử ngày 24/8/2022 đã đăng tải loạt bài "Dối trá trong đào tạo cao đẳng chính quy ngành y - dược".

Mẫu phiếu thu tiền đang sử dụng và lưu tại nhà trường là mẫu phiếu thu C30-BB theo quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được trả bằng tốt nghiệp, vẫn chờ lời xin lỗi

Trước đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn phản ánh của một số viên khóa 14 (nhập học tháng 10/2018, tốt nghiệp vào tháng 8/2022) thuộc Viện đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) phản ánh về việc nhà trường không trao bằng tốt nghiệp do không đáp ứng chứng chỉ tiếng Anh đầu vào được quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (có hiệu lực từ 1/8/2018).

Theo nội dung đơn phản ánh, những sinh viên trên đã hoàn thành chương trình Cử nhân Quốc tế và được trường Đại học West of England, Vương quốc Anh công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, 5 ngày trước lễ tốt nghiệp, Viện đào tạo Quốc tế cử người đại diện gọi điện, thông báo từ chối trả bằng cho sinh viên với lí do "sinh viên không có chứng chỉ tiếng Anh đầu vào theo Nghị định 86/2018 của Chính phủ".

Theo đó, nhà trường yêu các sinh viên khóa 14 phải có chứng chỉ Bậc 4 (khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) hoặc có IELTS 5.5/TOEFL 500, mới được nhận bằng tốt nghiệp.

Điều này khiến các sinh viên bức xúc vì kể từ khi nhập học đến thời điểm biết thông tin trên, sinh viên không hề nhận được bất cứ thông báo nào.

"Trước đó vào tháng 5 và tháng 8/2022, nhà trường tổ chức thi chứng tiếng Anh IELTS 5.5/TOEFL 500 cũng không nhắc đến yêu cầu "chứng chỉ tiếng Anh đầu vào theo Nghị định 86/2018 của Chính phủ"", đơn của sinh viên nêu.

Hình ảnh nội dung câu hỏi được gửi đến Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NVCC)
Hình ảnh nội dung câu hỏi được gửi đến Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: NVCC)

Sau khi sự việc được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh, thông tin mới nhất từ các cử nhân có đơn cho biết, nhà trường đã trao bằng cho các cử nhân vào thứ thứ hai ngày 3/10.

Tuy nhiên, các cử nhân vẫn chưa đồng tình với cách giải quyết của nhà trường, bởi còn thiếu sự bồi thường và xin lỗi công khai về việc giữ bằng tốt nghiệp của họ.

Theo đó, các cử nhân đã gửi nội dung 3 câu hỏi đến lãnh đạo nhà trường:

"Tại sao trước đây nhà trường nói không trả bằng cho chúng em vì chúng em sai luật, nhưng giờ lại gọi chúng em lên trả bằng?

Nếu việc nhà trường gửi Thư mời chúng em lên nhận bằng là đúng, điều đó đồng nghĩa với việc nhà trường đã nhận sai trước đơn khiếu nại của chúng em đã gửi. Trong trường hợp này, chúng em yêu cầu nhà trường phúc đáp lại đơn của chúng em theo đúng quy trình của pháp luật bằng văn bản có hiệu lực pháp lý. Đồng thời nêu rõ quyết định cuối cùng của nhà trường đối với các sinh viên có trường hợp như chúng em.

Thêm vào đó, chúng em yêu cầu nhà trường có thêm văn bản xin lỗi công khai tới toàn bộ sinh viên...

Việc nhà trường không trao bằng cho chúng em trong thời gian qua, dẫn tới nhiều hệ lụy về tinh thần và vật chất. Hơn nữa chúng em phải thuê cả luật sư để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Chúng em yêu cầu nhà trường bồi thường cho chúng em một cách thỏa đáng".

"Chúng tôi đã gửi nội dung khiếu nại trên đến Hiệu trưởng nhà trường là thầy Phạm Hồng Chương nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời", các cử nhân thông tin.

Đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới

Sáng ngày 7/10, tại Huế, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Đại học Huế tổ chức hội thảo “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: “Giáo dục đại học đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ là trụ cột, là mục tiêu chiến lược.

Định hướng phát triển của giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian tới, không chỉ mở rộng quy mô mà còn tập trung nâng cao chất lượng.

Chất lượng giáo dục đại học liên tục được nhắc tới và luôn luôn là vấn đề được quan tâm số một, kể cả hệ thống giáo dục ở các nước trên thế giới".

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: giaoduc.net.vn
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: giaoduc.net.vn

"Tôi rất mong muốn, trong hội thảo lần này, qua các tham luận để làm rõ chất lượng giáo dục đại học được thể hiện qua những yếu tố nào? Yếu tố đầu ra, đầu vào hay nội lực bên trong hệ thống? Phải nhìn từ góc độ cả hệ thống giáo dục đại học của chúng ta, từ một cơ sở giáo dục đại học hay chương trình đào tạo...

Thứ hai, trong bối cảnh mới của thế giới cũng như tại Việt Nam, bối cảnh mới của giáo dục đại học, cơ hội, thách thức, yêu cầu đặt ra, khó khăn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học là gì?.

Thứ ba, từ những yếu tố đó, các đại biểu thảo luận thêm những giải pháp nào nội bộ trong hệ thống giáo dục đại học đồng thời, kiến nghị giải pháp nào cho cơ quan cấp trên, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo để chúng ta có thể có những giải pháp đột phá trước mắt cũng như lâu dài, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Mong muốn được lắng nghe thảo luận để Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thay đổi những gì thuộc thẩm quyền của Bộ trong thời gian tới, cũng như kiến nghị cấp trên lãnh đạo, cùng phối hợp với các Bộ ngành, bởi vì giáo dục không chỉ là một ngành nội bộ với các trường, đây là một vấn đề lớn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong thông qua hội thảo lần này làm rõ được vai trò, vị thế, tầm quan trọng của giáo dục đại học đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đất nước, nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa để từ đó quan tâm hơn đến chất lượng giáo dục đại học” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Hiệu trưởng không được đổ trách nhiệm cho Ban đại diện cha mẹ học sinh về thu chi

Ngày 7/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2021 – 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023, tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, vấn đề lạm thu thì đầu năm học nào, các cơ quan báo chí cũng nói về vấn đề này.

Đây là vấn đề không mới, nhưng năm nào thì vấn đề này cũng khiến dư luận và xã hội quan tâm.

Người đứng đầu ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý rằng, hiệu trưởng các đơn vị không được đổ hết trách nhiệm cho Ban đại diện cha mẹ học sinh, không thể nói là không biết, không can thiệp hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

“Thay vào đó, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm toàn diện, quản lý chặt chẽ tất cả các hoạt động trong trường” – ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Lam An (Tổng hợp)