Chỉ có cách chức hiệu trưởng mới dẹp "nạn" lạm thu còn phê bình e khó hiệu quả

10/10/2022 06:32
Thanh Thúy - Trâm Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điệp khúc lạm thu tiền trường ở nhiều cơ sở giáo dục công lập khiến dư luận bất bình nhưng bao năm qua, vấn đề này vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Ngày 27/9/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh Họp đầu năm "ù tai" tiền-tiền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh nói có lớp đã thu sai.

Ngày 4/10, có bài, Có lớp ở Trường THCS Lê Quý Đôn dự kiến kinh phí hoạt động hơn 165 triệu/năm học.

Ngày 5/10, có bài: Thêm lớp ở Trường Lê Quý Đôn dự trù kinh phí gần 300 triệu, Phòng GD chỉ đạo.

Ngày 6/10, Tạp chí đưa tin Giật mình, có lớp ở Tiểu học Võ Thị Sáu dự tính dùng 130 triệu đồng để “chăm cô”.

Ngày 7/10, Tạp chí có bài Thành phố Hồ Chí Minh: Thu phí nghỉ trưa 15.000 đồng/buổi, Hiệu trưởng Trung học phổ thông Marie Curie nói gì?

Những bài viết trên đều đề cập đến dấu hiệu lạm thu của một số trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Các hiệu trưởng đều khẳng định học sinh, phụ huynh học sinh phản ánh là đúng và câu chuyện có xu hướng lỗi do ban đại diện cha mẹ học sinh.

Trường trung học phổ thông Tây Thạnh. (Ảnh: P.L/giaoduc.net.vn)

Trường trung học phổ thông Tây Thạnh. (Ảnh: P.L/giaoduc.net.vn)

Nhiều khoản thu vô lý

Phiếu báo thu tiền từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023 của Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh thể hiện có nhiều khoản thu rất vô lí như:

Ấn chỉ ấn phẩm: 200.000 đồng; hệ thống thông tin quản lí học sinh: 160.000 đồng; phí tài khoản học trực tuyến K12 online: 100.000 đồng; ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi đóng tiền quỹ 500.000 đồng ủng hộ cơ sở vật chất và khen thưởng cho học sinh.

Ngoại trừ tiền quỹ 500.000 đồng ủng hộ cơ sở vật chất và khen thưởng cho học sinh, nhiều phụ huynh nhầm tưởng những khoản thu còn lại là quy định bắt buộc phải đóng cho nhà trường.

Với tổng số học sinh toàn trường lên đến cả nghìn học sinh, thì số tiền thu được không hề nhỏ.

Nhiều khoản thu được cho là không hợp lý của Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh. (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)

Nhiều khoản thu được cho là không hợp lý của Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh. (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)

Không dừng lại ở một trường, dư luận tiếp tục choáng váng khi ban đại diện phụ huynh lớp 1/3 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Quận 7 liệt kê cần đến 130,2 triệu đồng, chủ yếu dùng để tặng tiền cho các thầy cô giáo, lãnh đạo trường.

Thêm vào đó, 2 lớp tại Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3 cũng có bảng dự trù kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh gây sốc.

Cụ thể, lớp 9/10 của Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3 đưa ra dự trù kinh phí hoạt động cả năm học là hết 165,2 triệu đồng. Trong đó có tên những hạng mục chi gây nhiều dấu hỏi như 4 hạng mục cần chi 15 triệu đồng/mục là gửi giáo viên chủ nhiệm hoạt động học kỳ 1, gửi giáo viên chủ nhiệm hoạt động học kỳ 2, quà học kỳ 1 và quà học kỳ 2. Mục hoa + quà 20/11 và tết âm lịch cho các bộ phận chi 13 triệu đồng/mục. [2]

Cùng ở trường này, lớp 9/12 của Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn dự trù kinh phí hoạt động cả năm học lên đến hơn 270 triệu đồng. Theo đó, bảng dự tính thu chi này có 4 phần với 32 nội dung cần chi tiền.

Đặc biệt, bảng dự tính thu chi này cũng có phần tặng quà 20/11 cho thầy hiệu trưởng, 2 phó hiệu trưởng, các thầy cô giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, cô bảo mẫu và một số nhân viên thuộc các bộ phận phục vụ trong trường.

Dịp tết cũng dự tính sẽ tặng bấy nhiêu giáo viên, nhân viên, nhưng không có tên các thành viên trong ban giám hiệu.

Giáo viên chủ nhiệm được dự tính sẽ tặng 3 triệu đồng, hiệu trưởng và 2 phó hiệu trưởng dự kiến tặng từ 1 đến 2 triệu đồng/người, 16 giáo viên bộ môn được tặng mỗi người 1 triệu đồng. [3]

Việc đặt ra các khoản dự thu vô tội vạ ở một số trường phổ thông (có thể còn nhiều trường hơn thế nữa) khiến phụ huynh bất bình, bức xúc. Nhiều phụ huynh nói rằng, họ không tiếc tiền đóng góp nhằm mục đích phục vụ cho việc học tập và sinh hoạt của con em, nhưng các khoản thu cần phải công khai minh bạch.

Cần xử nghiêm cách chức hiệu trưởng mới dẹp được "nạn" lạm thu

Ngày 7/10, Tạp chí đăng tải bài viết cho biết ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã ký văn bản 3698/SGDĐT-KHTC, về xử lý vụ việc liên quan đến các khoản thu đầu năm học của Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh. [1]

Theo đó, "nghiêm khắc phê bình Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tây Thạnh, vì chưa thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý tài chính và các văn bản hướng dẫn thu chi đầu năm học 2022 – 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo, gây dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của ngành".

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cũng nhận được công văn 1093-CV/BNCTU ngày 29/9/2022 của Ban Nội chính Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, về xử lý phản ánh của các cơ quan báo chí liên quan đến các khoản thu đầu năm học của Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, quận Tân Phú.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cũng đã "gửi lời xin lỗi chân thành quý phụ huynh" và cho biết đã có văn bản nghiêm khắc phê bình các hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị để xảy ra tình trạng thu phí ngoài quy định. [2]

Dấu hiệu lạm thu ở Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn... phải chăng các hiệu trưởng đã buông lỏng quản lí, dẫn đến ban đại diện cha mẹ học sinh đề ra nhiều khoản thu trái phép? Điều này làm mất đi tôn nghiêm của pháp luật.

Lạm thu không chỉ làm hoen ố môi trường giáo dục mà còn khiến mối quan hệ giữa học sinh, phụ huynh học sinh, nhà trường và thầy cô mất đi những giá trị tốt đẹp cần gìn giữ.

Đơn cử, học sinh bậc trung học phổ thông đã có sự nhận thức rất rõ, các em đều hiểu đâu là phải, trái, đúng, sai. Minh chứng, học sinh Trường Trung học phổ thông Marie Curie đã lên tiếng các em muốn nghỉ trưa tại trường thì phải đóng tiền.

Học sinh không thấy tính làm gương của hiệu trưởng, giáo viên thì làm sao thầy cô có thể dạy dỗ và giáo dục các em nên người?

Năm 2020, 2021, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương bị dịch Covid-19 hoành hành dữ dội, cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Nhiều gia đình, nhất là người dân nhập cư lao đao, chật vật chống đỡ với dịch bệnh và mưu sinh.

Vậy nên, việc một số hiệu trưởng "đẻ" ra các khoản thu vô tội vạ (không có trong quy định) làm cho nhiều gia đình nghèo càng thêm nguy khốn.

Một phụ huynh có con theo học tại lớp 9/12 của Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn sau khi đọc bài viết đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gọi điện đến đường dây nóng gửi lời cảm ơn Tạp chí.

Vị phụ huynh này chia sẻ, với tổng dự trù kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 9/12, tính ra mỗi em phải đóng khoảng 8,2 triệu đồng tiền quỹ. Với một viên chức bình thường ở Thành phố Hồ Chí Minh thử hỏi lấy đâu tiền ra để đóng. Việc lạm thu ở các trường được "tráng men" qua Ban đại diện cha mẹ học sinh làm cho phụ huynh vô cùng bức xúc.

"Nếu hiệu trưởng nhà trường nghiêm thì không có ban đại diện phụ huynh nào dám xây dựng một bảng dự trù kinh phí hoạt động cao ngất ngưởng như vậy. Trường học không thể là nơi cho một vài phụ huynh ra oai", vị phụ huynh này bức xúc nói.

Đặc biệt. các hiệu trưởng còn là đảng viên, Bí thư Chi bộ trường học lẽ ra cần phải gương mẫu, tuyệt đối không được làm những việc sai trái, ví như lạm thu.

Khoản 1 Điều 6 Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/4/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về đạo đức nhà giáo ghi rõ:

"Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, quy chế, quy định; không gây khó khăn, phiền hà đối với người học và Nhân dân". [3]

Khoản 2 Điều 15 Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT ngày 13/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định hình thức xử lý vi phạm như sau:

"Các cơ quan, tổ chức, cá nhân và thủ trưởng cơ sở giáo dục nhận tài trợ thực hiện quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ trái với quy định tại Thông tư này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. [3]

Thiết nghĩ, hiệu trưởng trường nào có dấu hiệu lạm thu thì Sở Giáo dục và Đào tạo cần phải làm rõ vi phạm, trái quy định đến mức nào để xử lý nghiêm. Cần thiết phải cách chức và chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an điều tra theo đúng thẩm quyền thì mới có thể chấm dứt được vấn nạn này.

Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 100 trường trung học phổ thông công lập, chắc chắn sẽ không thiếu giáo viên có đủ tài và đức để giữ chức quản lí, lãnh đạo, nếu được tổ chức thi tuyển hiệu trưởng công khai, minh bạch.

Còn việc ngành giáo dục xử lí theo hình thức "nghiêm khắc phê bình" hay "rút kinh nghiệm sâu sắc" thì không những không dẹp được vấn nạn lạm thu mà càng làm cho dư luận bức xúc thêm bởi mất niềm tin sẽ mất tất cả.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/so-gd-tphcm-nghiem-khac-phe-binh-hieu-truong-truong-thpt-tay-thanh-post230183.gd

[2] https://tuoitre.vn/nganh-giao-duc-tp-hcm-xin-loi-chan-thanh-quy-phu-huynh-chuyen-thu-phi-ngoai-quy-dinh-2022100618030012.htm

[3] https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-16-2008-qd-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-35362-d1.html

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-16-2018-TT-BGDDT-quy-dinh-ve-tai-tro-cho-co-so-giao-duc-thuoc-he-thong-giao-duc-quoc-dan-393562.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thanh Thúy - Trâm Anh