Kỷ luật học sinh và những hạn chế của giáo viên phổ thông

10/12/2020 05:57
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quan niệm giáo dục hiện đại đã xác định và nhấn mạnh học sinh là trung tâm, là đối tượng quan trọng nhất trong mọi hoạt động dạy học trong phạm vi nhà trường.

Sự việc nữ sinh lớp 10 ở An Giang phải uống thuốc tự tử để tự minh oan cho mình trước những cáo buộc cùng các biện pháp kỷ luật của Ban giám hiệu trường mà em theo học là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta.

Ở bài viết trước, tôi đã phân tích và chỉ ra những vấn đề bất cập như một trong những nguyên nhân sâu xa gây ra vấn nạn bạo lực học đường (ở đây là bạo lực tinh thần đối với học sinh từ phía nhà trường).

Từ đó cho thấy, nếu chúng ta “đổi mới căn bản và toàn diện” giáo dục nhưng không đổi mới nhận thức, tư duy liên quan đến nền hành chính và quản trị giáo dục phổ thông thì sẽ rất phiến diện và sai lầm.

Bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ ra những hạn chế nếu không muốn nói là những sai lầm “chết người” của không ít giáo viên phổ thông hiện nay – nguyên nhân trực tiếp gây ra những ức chế cho học sinh đồng thời còn là rào cản vô hình cho vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Hiện tại, một số vấn đề có liên quan đến sự việc em nữ sinh tự tử đang được các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nên những phân tích của tôi chỉ dựa trên căn cứ, chứng cứ mà các các quan truyền thông đã phản ánh những ngày qua.

Cụ thể, ở đây là thông báo kỷ luật nữ sinh của Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Vĩnh Xương do ông Nguyễn Văn Hùm – hiệu trưởng nhà trường ký và gửi về gia đình em.

Bên cạnh đó, là thông tin về việc cô Huỳnh Thị Thu Huệ - người đã lên mạng xã hội đôi co với học sinh mình ngay sau khi em uống thuốc tự tử.

Vấn đề kỷ luật học sinh như thế nào vẫn là câu chuyện nhiều giáo viên bàn luận. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Vấn đề kỷ luật học sinh như thế nào vẫn là câu chuyện nhiều giáo viên bàn luận. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Lạc hậu trong nhận thức và quan niệm về giáo dục

Quan niệm giáo dục hiện đại từ lâu đã xác định và nhấn mạnh học sinh là trung tâm, là đối tượng quan trọng nhất trong mọi hoạt động dạy học trong phạm vi nhà trường.

Quan niệm dạy học lấy người học làm trung tâm dĩ nhiên không nhằm hạ thấp mà ngược lại rất đề cao vai trò của người thầy ở phương diện sự thấu hiểu từ đó khơi gợi giúp những đứa trẻ nhận ra giá trị tiềm ẩn thật sự của bản thân dựa trên nền tảng quan trọng về tâm lý học trẻ em trong xã hội hiện đại.

Quan niệm lấy học sinh làm trung tâm đồng thời xóa bỏ ảo tưởng về quyền lực gần như tuyệt đối của giáo viên trong tư cách người cung cấp tri thức một chiều trước đây.

Bởi khi lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên chỉ đóng vai trò là người tham vấn, cố vấn, định hướng, gợi mở giúp học sinh tự chiếm lĩnh tri thức, tự hoàn thiện bản thân.

Theo quan điểm này thì một giáo viên giỏi trước hết là người biết tôn trọng suy nghĩ, cảm xúc của học sinh nhằm tạo điều kiện tốt nhất để học sinh mỗi ngày đến trường là một niềm vui.

Ngoài ra, dạy học theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm sẽ góp phần thúc đẩy, kích tinh thần tinh thần sáng tạo; sự độc lập trong suy nghĩ cho cả thầy và trò thông qua các hoạt động giáo dục trong phạm vi trường học.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hôm nay, dạy học theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm khắc phục tình trạng thầy cô luôn luôn đúng, học trò luôn luôn sai; quan trọng nhất là giúp các em được là chính nó.

Trong thông báo về việc kỷ luật nữ sinh của Ban giám hiệu trường Vĩnh Xương gửi về gia đình ngày 28/11/2020, tôi đặc biệt chú ý đến nội dung em học sinh đã “phản ánh không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo.”

Tôi thật sự không hiểu, Ban giám hiệu trường Vĩnh Xương quan niệm như thế nào về vấn đề “danh dự và uy tín” của người giáo viên mà cho rằng em nữ sinh đã “gây ảnh hưởng không tốt” vì “phản ánh sai sự thật”?

Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng, điều quan trọng nhất làm nên “uy tín và danh dự” của một giáo viên, trước hết là ở chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Và thước đo cho vấn đề này phụ thuộc vào thái độ yêu thương, sự kính trọng thật sự từ phía học sinh.

Ngoài ra là sự trưởng thành trong nhận thức và sự thành công của các em sau khi ra trường.

Không biết em nữ sinh đã phản ánh chuyện gì mà nhà trường cho rằng không đúng sự thật và làm ảnh hưởng uy tín và danh dự của nhà giáo?

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, việc nhà trường kỷ luật học sinh bằng việc nêu tên dưới cờ vì lỗi “mặc quần áo mỏng” hay đi “xe phân khối lớn” không những rất phản giáo dục mà còn vi phạm pháp luật.

Việc làm này có được xem là gây tổn hại đến uy tín và danh dự của em học sinh không?

Tôi cho rằng, chính cách hành xử này đã dẫn tới hành vi thiếu suy nghĩ của em là tìm đến cái chết để phản đối và minh oan cho mình.

Em học sinh có thể đã sai khi phản ánh không đúng điều gì đó về giáo viên và nhà trường nhưng, tôi nghĩ, “uy tín và danh dự” giáo viên chỉ thật sự bị tổn hại là kể từ thời điểm em nữ sinh phải trốn vào nhà vệ sinh và uống thuốc tự tử.

Và nó càng trầm trọng hơn khi cô giáo chủ nhiệm của em lên mạng xã hội để tiếp tục đôi co và mỉa mai em.

Tóm lại, tôi cho rằng, qua việc kỷ luật học sinh của Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Vĩnh Xương là bằng chứng cho thấy sự cho thấy sự lạc hậu và bảo thủ trong quan niệm về giáo dục của một số thầy cô giáo nơi đây.

Hay nói khác đi, những việc làm này, cho thấy Ban giám hiệu trường Vĩnh Xương vẫn chưa xem học sinh của mình là trung tâm – một sai lầm trong nhận thức rất đáng tiếc và đáng trách.

Lỗ hổng kiến thức về tâm sinh lý học sinh và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm kém

Chúng ta đều biết rằng, học sinh phổ thông về cơ bản vẫn chưa qua 18, tức là đang còn trong độ tuổi vị thành niên. Thế nên, mọi hành vi của các em trong độ tuổi này đương nhiên là không chín chắn.

Đặc biệt, đây độ tuổi mà những chuyển biến về tâm sinh lý diễn ra rất nhanh chóng, phức tạp và khó lường.

Vì thế, nó được xem là lứa tuổi của sự “nổi loạn” với những biểu hiện phổ biến như: thích thể hiện bản thân hay tập làm người lớn (sử dụng son môi để làm đẹp; nhuộm tóc, hút thuốc, thậm chí nói tục, chửi thề…).

Xét về độ “quấy phá” đây là lứa tuổi này chỉ xếp sau “quỷ” và “ma” (như câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”).

Dẫu vậy, tất cả những thay đổi trên cũng chỉ mang tính nhất thời nên nhìn chung vẫn chưa nói lên điều gì về đạo đức, phẩm cách thật sự của các em.

Việc Ban giám hiệu trường Vĩnh Xương và cá nhân cô giáo chủ nhiệm buộc tội em học sinh “bận áo mỏng” hay “chạy xe phân khối lớn” rồi nêu tên em dưới trường hay các buổi sinh hoạt lớp cho thấy một lỗ hổng lớn về kiến thức tâm lý học đường cũng như xử lý tình huống sư phạm kém.

Trong cái nhìn của riêng tôi, đây là một hạn chế khá phổ biến hiện nay. Hay nói khác đi, chính những hạn chế này đã đưa đến hệ việc đánh giá đạo đức, hạnh kiểm học sinh ở trường phổ thông vừa cứng nhắc vừa bảo thủ, là vấn đề rất đang suy ngẫm hiện nay.

Có một thực tế là các thầy cô giáo ở phổ thông vì những lý do khách quan và chủ quan nên ít khi chú ý đến những chuyển biến về tâm sinh lý của học sinh.

Một câu nói phổ biến mà chúng ta luôn nghe từ miệng các thầy cô là “học trò bây giờ không như thế hệ mình ngày xưa”.

Câu nói tuy có thể không sai nhưng ít nhiều cho thấy sự yếm thế và mang hàm ý trách móc, hờn dỗi.

Thật ra, thời nào cũng có những vấn đề riêng của nó. Không phải câu nói ấy vốn cũng được những thế hệ thầy cô giáo trước kia thốt ra khi nhìn chính các thầy cô giáo hôm nay hay sao?

Ngoài ra, không ít giáo viên dù biết rằng học sinh đang trong độ tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” nhưng không hiểu sao vẫn rất bảo thủ trong suy nghĩ; có cái nhìn định kiến hẹp hòi, thiếu cảm thông với các em.

Chính sự cứng nhắc và bảo thủ này là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh vấn nạn bạo lực học đường thời gian qua.

Vì cứng nhắc và bảo thủ nên các thầy cô quên rằng, hơn ai hết những đưa trẻ vị thành niên rất cần đến tình yêu thương và sự bao dung của mình để tư vấn, uốn nắn hay động viên kịp thời từ thầy cô chúng gặp hàng ngày.

Đó cũng là lý do người giáo viên còn được xem là những “kỹ sư tâm hồn” hay gần gũi hơn là “cô giáo như mẹ hiền”.

Thay lời kết

Xã hội Việt Nam đã và đang có những biến chuyển rất lớn và nhanh, đặc biệt kể từ khi có sự bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông (mạng xã hội…). Đây là một thách thức không nhỏ đối với các thầy cô giáo trong vấn đề giáo dục học sinh khi các em bị chi phối và tác động.

Tuy vậy, theo tôi nếu các thầy cô giáo cởi mở hơn trong tư duy và nhận thức về giáo dục; đồng thời biết tận dụng truyền thông và mạng xã hội để cập nhật kiến thức về tâm lý học sinh tin chắn sẽ có cách giải quyết ổn thỏa những vấn đề phát sinh từ phía học sinh.

Đáng tiếc thay, vì áp lực cuộc sống và công việc không ít thầy cô giáo hiện nay hiếm khi “tự làm mới mình” để có thể thấu hiểu và cảm thông trước những chuyển biến về tâm sinh lý của các em học sinh.

Từ những vấn đề trên, tôi cho rằng, để công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” thành công nhất định tất cả phải nghiêm túc tự nhìn nhận lại mình.

Ở phương diện quản lý, để khắc phục những hạn chế và sai lầm của giáo viên hiện nay, về lâu dài và quan trọng nhất là ở khâu đào tạo giáo viên phổ thông ở các trường đại học sư phạm.

Nếu không làm tốt khâu này thì mọi sự đổi mới theo tôi, hoặc là cách làm “hớt ngọn” hoặc chỉ có tính chữa cháy nhất thời mà thôi.

Nguyễn Trọng Bình