Kỷ luật nặng không cho học sinh cơ hội sửa sai là thất bại của thầy cô

09/10/2020 06:19
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo dục bằng tình thương sẽ giúp trẻ nhận ra lỗi lầm, hoàn thiện và thay đổi bản thân một cách tích cực.

Xử lý học sinh vi phạm như thế nào? Liệu những biện pháp kỷ luật nặng có thật sự giúp các em thay đổi nhận thức, nhận ra lỗi lầm và hành động đúng đắn?

Biến sai lầm thành cơ hội giúp học sinh trưởng thành hơn

“Bất cứ ai cũng có thể mắc sai lầm, với học sinh, sai lầm là cơ hội để các em trưởng thành từ suy nghĩ, nhận thức đến hành động”.

Đó là quan điểm của cô Nguyễn Hiền Lương, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học cơ sở Thăng Long (Ba Đình – Hà Nội), đồng thời là chuyên viên tư vấn tâm lý giáo dục tâm huyết với học trò.

Theo cô Lương, mục đích của giáo dục kỷ luật tích cực là giúp học sinh nhận ra và tự sửa lỗi lầm. Giáo viên kỷ luật học sinh trên tinh thần xây dựng để giúp các em hoàn thiện bản thân.

“Trước đây những hình thức kỷ luật mạnh được áp dụng phổ biến, chỉ cần học sinh mắc lỗi là áp dụng ngay hình phạt một cách cứng nhắc. Thầy cô nên nhìn nhận sai lầm của học sinh ở những góc nhìn, khía cạnh khác nhau”, cô Lương tâm sự.

Ngày trước, mỗi khi học sinh không hoàn thành bài đầy đủ, cô Hiền Lương đã phê bình và yêu cầu các em phải viết bản kiểm điểm.

Thế nhưng bây giờ, những bản kiểm điểm ấy đã được thay bằng những lời tâm sự của học trò. Học sinh vi phạm sẽ lấy một mẩu giấy và viết ra lý do các con không làm bài tập.

Cô Nguyễn Hiền Lương vừa dạy học, vừa làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Nguyễn Hiền Lương vừa dạy học, vừa làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Hiền Lương chia sẻ: “Tôi luôn đi tìm nguyên nhân thay vì chỉ xử lý hiện tượng, câu chuyện thật sự phía sau là gì? Tôi cũng cho phép các em trong 1 học kỳ có thể thiếu bài từ 1 đến 2 lần nếu có lý do chính đáng.

Tuy nhiên, bài tập đó các em vẫn phải hoàn thành vào buổi học sau, tiết sinh hoạt các em sẽ lên trình bày, giảng lại bài trước lớp”.

Đối với học sinh đi muộn, cô Lương chưa vội kỷ luật mà cuối giờ học sẽ dành thời gian nói chuyện, tâm sự với học trò: “Đôi khi lý do các em đi muộn không phải là câu chuyện về ý thức. Có những vấn đề giữa bố mẹ, gia đình lại là nguyên nhân dẫn đến việc học sinh vi phạm nội quy.

Nếu giáo viên không tìm hiểu thì chẳng bao giờ biết thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ. Và hậu quả là học sinh phải nhận những tổn thương liên tiếp từ gia đình đến trường học”.

Cô giáo Nguyễn Hiền Lương (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô giáo Nguyễn Hiền Lương (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những lá thư tay đặc biệt

Vào một buổi chiều như mọi ngày, khi đến phòng tham vấn tâm lý của trường, cô Hiền Lương thấy một lá thư tay được nhét qua khe cửa.

Lá thư ấy là dòng tâm sự của một nữ học sinh lớp 9 đang đứng trước áp lực lớn khi bố mẹ luôn ra sức áp đặt việc học tập của em. Cô bé có đam mê ca hát nhưng bố mẹ bắt buộc em phải học giỏi Toán, Lý, Hóa.

Sức ép quá lớn từ phía gia đình đã khiến nữ sinh ấy từng có hành vi tự tử với ý định kết thúc cuộc đời mình.

“Những dòng chữ của em khiến trái tim tôi thắt lại, giống như lời kêu cứu của một đứa trẻ tội nghiệp khi không được thấu hiểu, sẻ chia, khi một mình chịu đựng đau khổ và chìm sâu trong nỗi tuyệt vọng. Nhưng lá thư không tên ấy khiến tôi càng lo lắng. Tôi không biết em là ai để giúp đỡ”, cô Hiền Lương tâm sự.

May mắn thay, trong lần chấm bài cho học sinh, cô giáo đã nhận ra nét chữ của chủ nhân bức thư. Cô mời học trò đến phòng tham vấn tâm lý của trường để nói chuyện.

Những lá thư là cách cô kết nối cảm xúc với học trò, chia sẻ và giáo dục học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những lá thư là cách cô kết nối cảm xúc với học trò, chia sẻ và giáo dục học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Cuộc trò chuyện giữa tôi và em không đề cập đến lá thư đặc biệt đó. Tôi chỉ chia sẻ với em về ước mơ thuở nhỏ của mình, về những môn tôi học yếu kém. Và vì tôi cũng yêu ca hát, tôi hát cho em nghe, chia sẻ với em về âm nhạc, về những ca sĩ mà tôi thích.

Qua những câu chuyện ấy, em đã tự mở lòng, em kể với tôi trong dòng nước mắt những ấm ức, tủi hổ và cả vết sẹo trên cổ tay khi em muốn kết liễu cuộc đời mình”, cô Hiền Lương nhớ lại.

Sau khi thuyết phục được học sinh, cô giáo đã có cuộc gặp gỡ với gia đình em, giúp bố mẹ em nhìn nhận lại, biết mở lòng với con theo hướng tích cực nhất. Sau đó gia đình thay đổi, cho em điều trị tâm lý.

“Câu chuyện ở đây là bố mẹ không mở lòng để hiểu con trong khi con cũng không thể chia sẻ với bố mẹ”, cô Hiền Lương khẳng định.

Cô Hiền Lương tự nhận mình là một người cổ điển, yêu thích những lá thư tay, cô luôn mượn những lá thư để kết nối cảm xúc với học trò.

Cô giáo chia sẻ: “Ngôn ngữ viết diễn đạt tốt hơn nói chuyện trực tiếp. Những dòng thư lắng đọng cảm xúc giúp chúng ta truyền tải cả những câu chuyện khó nói nhất.

Tôi luôn khuyến khích học trò viết thư cho cô bất cứ khi nào các em mắc lỗi hay có nỗi buồn, tâm sự. Đến bây giờ, tôi đang giữ hàng ngàn lá thư của học trò mình”.

Cứ vào thời điểm kết thúc một học kỳ, cô sẽ yêu cầu mỗi học sinh viết ra 2 lá thư. Một lá thư gửi cho cô giáo, một lá thư gửi cho bố mẹ. Nội dung thư nêu nhận xét về cô giáo, bố mẹ, là nêu lên những nguyện vọng, mong muốn của bản thân.

Với lá thư viết cho bố mẹ, cô giáo sẽ giúp các con gửi lại trong những cuộc họp phụ huynh. Cô muốn mình là cầu nối để giúp gia đình thấu hiểu, chia sẻ với các con, để bố mẹ không còn đặt kỳ vọng quá lớn lên đôi vai của con trẻ.

Lá thư dành cho cô giáo chính cô sẽ đọc để hiểu hơn về học sinh và nhìn nhận lại bản thân, tự điều chỉnh chính mình.

“Chính bản thân tôi cũng viết thư, dành lời khen ngợi, động viên các con. Tôi không bao giờ “tiết kiệm” lời khen với học trò của mình. Dù là học sinh yếu kém, khi có những tiến bộ nhỏ, tôi luôn ghi nhận và tạo động lực cho các em cố gắng vươn lên.

Trong lá thư, tôi chia sẻ thêm những điều chưa được của học sinh cùng với sự khích lệ đan cài tình cảm yêu thương của mình”, cô Hiền Lương tâm sự.

Theo cô Hiền Lương, để thực hiện giáo dục kỷ luật tích cực, muốn giáo dục trẻ bằng tình thương, thầy cô phải là người biết lắng nghe, thấu hiểu và phải thay đổi cả tư duy, nhận thức, hành vi của mình.

“Giáo dục kỷ luật tích cực cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Điều quan trọng là phải biết lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của con trẻ, dùng tình yêu thương để dạy dỗ các em.

Việc kỷ luật quá nặng và không cho học sinh cơ hội sửa sai, đóng lại cánh cửa tương lai tốt nhất của con trẻ phải chăng là thất bại của thầy cô?

Thay vào đó, chúng ta trao cho trẻ cơ hội để các con sửa đổi và trở thành người tốt, đó mới thực sự là sứ mệnh của giáo dục”, cô Lương chia sẻ.

Phạm Minh