Ngày 6/11, tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới 10 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2018.
Trả lời phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc hơn 400 giáo viên hợp đồng tại huyện đang dôi dư xử lý ra sao?
Về việc này, ông Nguyễn Trọng Khiển – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai (Thành phố Hà Nội) cho biết: "Trong thời gian vừa qua, đối với Thanh Oai, huyện ký hợp đồng lao động, theo tổng hợp đánh giá lại toàn huyện có 441 trường hợp giáo viên ký hợp đồng dôi dư.
Trong đó khối mầm non là 167 trường hợp, tiểu học 76 trường hợp, trung học cơ sở 198 , trong số những lao động này đã có lao động ký trên 20 năm, 15 năm, 10 năm, còn lại một số trường hợp dưới 10 năm.
Ủy ban nhân dân đã chỉ đạo xây dựng một cái đề án, trong đề án tới đây sẽ ban hành, đặt ra 9 giải pháp để giải quyết số lao động dôi dư này".
Ông Nguyễn Trọng Khiên cho biết, việc bổ nhiệm thừa nhiều hiệu trưởng sẽ giao thêm nhiệm vụ giảng dạy và giải quyết dần dần. Ảnh: Vũ Phương. |
Ông Nguyễn Trọng Khiển cũng cho hay: "Trước mắt, huyện rà soát lại văn bằng, chứng chỉ của toàn bộ giáo viên hợp đồng ở các trường mầm non công lập. Đối với các trường còn chỉ tiêu sẽ ưu tiên ký hợp đồng với giáo viên đã ký hợp đồng lâu năm nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn việc, phù hợp với vị trí việc làm sẽ được giao các trường tiếp tục ký hợp đồng.
Từ 15/11 sẽ rà soát văn bằng chứng chỉ chuyên môn đối với toàn bộ giáo viên diện hợp đồng để có kế hoạch sắp xếp việc làm phù hợp, theo khung năng lực, vị trí việc làm.
Từ ngày 20-30/11 tổ chức hội nghị với ban giám hiệu các trường ngoài học công lập trên địa bàn huyện đề nghị quan tâm sử dụng lao động, bố trí cho giáo viên hợp đồng được ký hợp đồng làm việc khi người lao động có nhu cầu nếu đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện do đơn vị đề ra".
Cũng theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, trong thời gian chờ Thành phố tổ chức thi viên chức, giáo viên, nếu giáo viên hợp đồng có nguyện vọng giảng dạy tại trường sẽ giao hiệu trưởng các trường ký hợp đồng lao động.
Khi Thành phố thi tuyển viên chức, các giáo viên hợp đồng đều được đăng ký tham gia thi tuyển theo quy định. Trường hợp sau kỳ giáo viên nào không đỗ hoặc không tham gia thi sẽ được thanh lý chấm dứt hợp đồng, đảm bảo các chế độ chính sách như bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp.. theo quy định.
Các trường hợp giáo viên hợp đồng không trúng tuyển nếu trong thời gian nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được kéo dài thời gian đến thời hạn sẽ tiếp tục tiến hành thanh lý chấm dứt hợp đồng theo đề án.
"Sau thi tuyển, những trường hợp còn chỉ tiêu biên chế sẽ giao hiệu trưởng các trường ký hợp đồng theo phân cấp, ưu tiên xem xét các trường hợp giáo viên hợp đồng lâu năm, có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong giảng dạy.
Giao Phòng Thương binh, lao động và xã hội tổ chức một số lớp dạy nghề có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, thông báo đến các trường để giáo viên hợp đồng nắm bắt đăng ký tham gia.
Căn cứ đề án chỉ tiêu việc làm, chỉ tiêu biên chế Ủy ban nhân dân huyện giao ngân sách, gắn với chỉ tiêu biên chế các trường công lập trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Trọng Khiển nói.
Lãnh đạo huyện Thanh Oai cũng thông tin, dự thảo đề án trên đối với trên 400 giáo viên dôi dư, huyện đã tranh thủ ý kiến của các cơ quan chuyên môn. Hiện huyện vẫn đang chờ Thành phố đồng ý sẽ ban hành.
Hơn 400 giáo viên hợp đồng, có giáo viên đã ký 20 năm có nguy cơ mất việc. Ảnh: GV cung cấp. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc thời gian qua trên địa bàn huyện Thanh Oai có tình trạng bổ nhiệm hàng loạt hiệu phó theo quy định, trách nhiệm, xử lý như thế nào?
Về việc này ông Nguyễn Trọng Khiển cho biết: “Về việc bổ nhiệm quá nhiều hiệu phó, riêng việc này Ủy ban kiểm tra thành ủy Hà Nội đã kiểm tra và đã bị xử lý kỷ luật. Số bổ nhiệm thừa đã xin ý kiến chỉ đạo của thành phố sẽ xử lý dần, trường hợp gần đủ năm công tác sẽ vận động nghỉ hưu.
Đối với các hiệu phó còn đang công tác sẽ được giao thêm ngoài nhiệm vụ quản lý sẽ giảng dạy. Ủy ban nhân dân huyện sẽ giải quyết dần số hiệu phố dôi dư này. Hiện, số hiệu phó thừa đã giảm đáng kể bởi có trường hợp vừa về hưu, chuẩn bị về hưu”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh của bạn đọc ở Thanh Oai cho biết tình trạng các trường Trung học Cơ sở và Tiểu học của huyện này thừa quá nhiều hiệu phó.
Theo thông tin đường dây nóng nhận được, đó là các trường Trung học Cơ sở, Tiểu học của xã Kim An, xã Thanh Mai, xã Thanh Thùy, Nguyễn Trực, xã Đỗ Động, xã Cao Viên đều tồn tại tình trạng thừa hiệu phó.
Qua làm việc với ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai và được biết:
“Có tình trạng thừa nhiều hiệu phó hiện nay tại các trường học ở Thanh Oai.
Theo yêu cầu xác minh của phóng viên về tình trạng thừa hiệu phó ở các trường Trung học Cơ sở và Tiểu học ở Kim An, Thanh Mai, Thành Thùy, Nguyễn Trực, Đỗ Động, Cao Viên, chúng tôi đã thống kê lại và được biết thì trường nào cũng thừa hết.
Các trường mà phóng viên yêu cầu xác minh thì mỗi trường thừa một hiệu phó. Có đến 6 – 7 trường thừa như vậy”.