Kỹ thuật Robot - ngành học tiên phong công nghiệp trong thời đại 4.0

18/07/2024 14:24
Thùy Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu tiên đào tạo ngành Kỹ thuật Robot trên cả nước, trường bắt đầu tuyển sinh ngành này từ 2018.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc chơi này. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ robot kết hợp trí tuệ nhân tạo đang trở thành xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Robot không chỉ được ứng dụng trong các nhà máy sản xuất, mà còn trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, dịch vụ và nông nghiệp.

Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, trong đó có lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo. Năm 2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

Ngành Kỹ thuật Robot tại Việt Nam được dự đoán sẽ có những bước tiến vượt bậc trong tương lai. Việc đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam có thể bắt kịp và vươn lên trong lĩnh vực công nghệ cao này.

Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Robot tại Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội

Trao đổi với Tiến sĩ Đinh Triều Dương - Trưởng khoa Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng và phát triển ngành Kỹ thuật Robot. Nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành Kỹ thuật Robot vào năm học 2018 – 2019.

IMG_8229.jpg
Tiến sĩ Đinh Triều Dương - Trưởng khoa Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Chương trình đào tạo Kỹ thuật Robot của Trường Đại học Công nghệ hình thành sau sự hợp tác của Nhà trường với Trường Đại học Công nghệ Chiba, Nhật Bản. Đây là trường đại học có kinh nghiệm đào tạo lĩnh vực robot và kỹ thuật công nghệ hàng đầu Nhật Bản.

Do đó, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Robot được kế thừa nhiều kinh nghiệm của đối tác Trường Đại học Công nghệ Chiba về cấu trúc chương trình, về nội dung đề cương các môn học, về thực hành, thực tập và gắn kết với doanh nghiệp. Mỗi năm, Nhà trường cử 10 sinh viên đi học trao đổi và 3 giảng viên hợp tác trong nghiên cứu và tiếp thu công nghệ giảng dạy.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Xiêm, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Robot, Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngành Kỹ thuật Robot là một lĩnh vực liên ngành, là sự kết hợp của một số ngành trong khối khối kỹ thuật và công nghệ.

Cụ thể, ngành dựa trên ba trụ cột chính là Cơ khí chế tạo; Điện tử - Điều khiển và Tự động; Khoa học máy tính - Trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, khung chương trình đào tạo Kỹ thuật Robot có tính hệ thống cao, có sự liên thông, liên kết giữa các học phần đào tạo gắn với từng trụ cột, nền tảng lý thuyết được gia cố bằng các phương thức thực hành linh hoạt, lấy người học làm trọng tâm.

White and Blue Modern Data Analytics Services Facebook Cover-3.png

Trong năm học đầu tiên, sinh viên ngành Kỹ thuật Robot sẽ được học Học phần “Trải nghiệm và khám phá Robot”. Đây là học phần giúp sinh viên có được những tiếp xúc đầu tiên với các hệ thống Robot cơ bản; sinh viên được tự mình thiết kế và phát triển các ứng dụng Robot phục vụ các nhu cầu khác nhau mà chưa cần phải có các kiến thức chuyên môn về ngành, chuyên ngành.

Qua đó, sinh viên có được góc nhìn sâu sắc hơn về ngành nghề đào tạo, đồng thời hun đúc đam mê học tập và phát triển bản thân. Đây là một trong những điểm thú vị của khung chương trình ngành Kỹ thuật Robot mà không một ngành học liên quan nào có được.

Kỹ thuật Robot là ngành đào tạo có tính thực tiễn cao. Do vậy, các nội dung đào tạo trong khung chương trình đều phải phục vụ việc biết – hiểu – vận dụng và phát triển cho các hệ thống Robot. Từ những môn học cơ bản như toán ứng dụng, tín hiệu và hệ thống tới những môn học về chuyên ngành như các hệ thống robot thông minh, robot phân tán,… sinh viên đều được thực tập và yêu cầu làm các bài tập liên quan tới các hệ thống Robot.

13.png

Các học phần thuộc khối kiến thức ngành, chuyên ngành đều có ít nhất 1/3 nội dung cho thực hành; bài tập lớn kết thúc môn học được chú trọng để tất cả sinh viên có thể xây dựng các sản phẩm của riêng mình, đúc kết kiến thức được học vào những sản phẩm cụ thể.

Trường Đại học Công nghệ hợp tác chặt chẽ với Trường Đại học Công nghệ Chiba, Nhật Bản trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo Kỹ thuật Robot. Hàng năm vào kỳ hè, sinh viên ngành Kỹ thuật Robot của trường sẽ có cơ hội sang thực tập ngắn hạn tại Trường Đại học Công nghệ Chiba, Nhật Bản. Đây là khoảng thời gian quý báo, giúp nâng cao động lực, rèn luyện kỹ năng và trải nghiệm cho sinh viên ngành Kỹ thuật Robot; đồng thời, thúc đẩy mối giao lưu quốc tế.

Bộ môn Kỹ thuật Robot nói riêng và Khoa Điện tử Viễn thông nói chung có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp liên quan về Kỹ thuật Robot, như Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần kỹ thuật Temas, Công ty cổ phần Fumee Tech,... Sinh viên ngành Kỹ thuật Robot được thực tập tại các công ty, phòng thí nghiệm hiện đại, tham gia tìm hiểu các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp.

14.png

Khoa Điện tử Viễn thông và Trường Đại học Công nghệ đã dành những không gian nhất định cho các bạn sinh viên có cơ hội học tập và trải nghiệm làm Robot. Nhà trường đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm về PLC hiện đại, Robot tay máy Yumi linh hoạt giúp sinh viên tiếp cận với các hệ thống công nghiệp.

"Đặc biệt, việc rèn luyện thông qua thực hành, thực tập giúp sinh viên tích luỹ kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và thái độ làm việc. Sinh viên luôn được yêu cầu phải chuyên nghiệp, lễ phép và chú tâm vào công việc được giao", thầy Hoàng Văn Xiêm nói.

Với định hướng phát triển một chương trình đào tạo cập nhật và tiệm cận với các chương trình đào tạo tương ứng của các trường đại học hàng đầu của Châu á và quốc tế, sinh viên ngành Kỹ thuật Robot ngay từ khi bước chân vào nhà trường đã được giới thiệu tìm hiểu và tham gia các nhóm nghiên cứu của các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu về lĩnh vực này.

Sinh viên ngành Kỹ thuật Robot tại Trường Đại học Công nghệ không chỉ có kiến thức vững vàng, kỹ năng thành thục của một người kỹ sư mà còn phải có tư duy phát triển của một nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Với định hướng và kỳ vọng đó, khoa và nhà trường đã tạo điều kiện để sinh viên có thể tham gia vào rất nhiều những hoạt động nghiên cứu thực tế.

Chia sẻ về những thành tích đã đạt được từ những hoạt động nghiên cứu, thầy Hoàng Văn Xiêm cho hay, đã có trên 30 công trình khoa học công bố trên các tạp chí ISI/hội nghị quốc tế, quốc gia có sự tham gia của các sinh viên ngành Kỹ thuật Robot.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu gần đây trong khuôn khổ Đồ án tốt nghiệp của 4 bạn SV khóa 63 ngành Kỹ thuật Robot đã được công bố trên tạp chí Engineering Science and Technology, an International Journal của nhà xuất bản Elserviers. Đây là tạp chí SCIE Q1 với chỉ số ảnh hưởng (IF) 5.1.

74c8593521768428dd67.jpg
Sinh viên ngành Kỹ thuật Robot, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hành với tay máy đôi Yumi ABB. Ảnh: NVCC.

Kết quả nghiên cứu là một sản phẩm Robot tay đôi di động có khả năng vận chuyển tới 86Kg hàng hóa, tay đôi với 10 bậc tự do vận động linh hoạt và đặc biệt, cấu trúc tay đôi được tối ưu sử dụng các công nghệ tính toán hiện đại, giúp nâng cao khả năng tương tác người và Robot. Đây là sản phẩm 100% của thầy và trò ngành Kỹ thuật Robot tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cơ hội việc làm rộng mở với thu nhập hấp dẫn

Tiến sĩ Đinh Triều Dương đánh giá, Việt Nam đang phấn đấu trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Vốn FDI đầu tư vào các khu công nghiệp ở Việt Nam gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Các nhà máy, xí nghiệp tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung hiện nay đều được đẩy mạnh tự động hóa, các hệ thống thông minh trên cơ sở khai thác các hệ thống Robot. Nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao, kỹ năng tốt về lĩnh vực Robot ngày càng gia tăng mạnh mẽ.

Chia sẻ về các vị trí việc làm của ngành Kỹ thuật Robot, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Xiêm cho biết, Kỹ sư kỹ thuật Robot có thể đảm nhiệm được công việc ở nhiều vị trí, vai trò khác nhau, từ các kỹ sư trong các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp, phụ trách việc vận hành, điều phối các hệ thống Robot thông minh, các hệ thống tự động hóa công nghiệp, tới các tư vấn viên về kỹ thuật, giúp thiết kế tối ưu hóa các hệ thống tự công nghiệp trong nhà máy thông minh.

Tùy vào vị trí việc làm và địa điểm làm việc mà mức lương của các kỹ sư làm việc liên quan tới lĩnh vực Robot tại nhà máy có thể dao động từ 15 tới 40 triệu/tháng. Mức thu nhập có thể cao hơn nữa tùy thâm niên và kinh nghiệm của kỹ sư.

Bên cạnh đó, rất nhiều bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Robot của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện đang tiếp tục học lên cao tại các đại học danh tiếng trên thế giới như Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JAIST), Đại học công nghệ Tokyo (Nhật Bản) hay tham gia công tác giảng dạy tại chính Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo thống kê năm nay, 100% sinh viên tốt nghiệp của chương trình đào tạo này đều tìm được việc làm rất tốt trong nhiều doanh nghiệp công nghệ kỹ thuật hàng đầu Việt Nam và Thế giới.

Anh Nguyễn Cảnh Thanh cựu sinh viên K63 ngành Kỹ thuật Robot, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện tại đang là du học sinh tại Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JAIST).

449860808_4623812761177867_7918156448547830310_n.png

Được biết, anh Nguyễn Cảnh Thanh là á khoa đầu ra của trường năm 2022. Với thành tích tốt nghiệp xuất sắc, cựu sinh viên đã được trường giữ lại làm giảng viên. Ngoài ra, Cảnh Thanh còn nhận được học bổng thạc sĩ của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF).

Anh Cảnh Thanh có 1 năm để hoàn thành chương trình học thạc sĩ tại Nhật Bản, sau đó cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Robot sẽ quay trở lại Việt Nam làm giảng viên tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tại Nhật Bản, anh Thanh chia sẻ, anh dành tất cả thời gian của mình vào công việc học tập và nghiên cứu cá nhân. Ngoài ra, anh sẽ tham gia các dự án thực tế cùng các giáo sư hàng đầu của viện. Công việc nghiên cứu của anh Thanh sẽ được Viện chi trả và hỗ trợ chi phí hàng tháng theo giờ nghiên cứu.

d2356853f513504d0902.jpg
Sinh viên ngành Kỹ thuật Robot, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin năm 2022. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh đó, trong tuần anh Thanh sẽ dành thời gian làm trợ giảng cho các giảng viên của viện. Công việc này cũng giúp anh Thanh có thêm một khoản thu nhập hàng tháng. Nếu tính các chi phí hỗ trợ và thu nhập từ việc làm trợ giảng, mỗi tháng anh Thanh sẽ được chi trả khoảng 8 đến 12 Man, tương đương khoảng 12 đến 20 triệu đồng/tháng.

Với đam mê robot từ nhỏ, anh Trần Đức Sơn đã lựa chọn ngành Kỹ thuật Robot tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh Sơn đã tốt nghiệp từ năm 2022 và hiện đang làm kỹ sư cải tiến thiết bị tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Display Việt Nam.

Anh Sơn đánh giá, hiện nay, phát triển robot tại Việt Nam sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, nơi có nhiều thế mạnh về các nhà máy sản xuất. Với sự gia tăng của tự động hóa, nhu cầu sử dụng robot trong môi trường công nghiệp ngày càng cao. Trong tương lai xa hơn, Việt Nam sẽ phát triển các loại robot tự vận hành, tự lái, robot phục vụ,... để có thể ứng dụng sâu vào nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ, y tế.

Việt Nam là nước đang phát triển và trong quá trình chạy đua để bắt kịp khoa học kỹ thuật công nghệ trên Thế giới nói chung và lĩnh vực robot nói riêng. Trong giai đoạn này, Việt Nam rất cần nguồn lực và nhân lực trẻ chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Chìa khóa thành công trong ngành Kỹ thuật Robot

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Xiêm nhận định, ngành Kỹ thuật Robot có tính thực tiễn cao đòi hỏi sinh viên phải hiểu về phần cứng, nắm vững về phần mềm, và có tư duy hệ thống tốt. Do đó, sinh viên cần phải có một số tố chất như khả năng tư duy giải quyết vấn đề, khả năng làm việc nhóm và đặc biệt phải có sự chăm chỉ, cần cù, tự học. Kỹ năng và kiến thức sẽ có được thông qua những trải nghiệm thực tế không chỉ trên giảng đường mà cả trên các phòng thí nghiệm.

Thầy Hoàng Văn Xiêm khuyến khích sinh viên ngành Kỹ thuật Robot nên tích cực tham gia các nhóm nghiên cứu, tham gia làm các dự án môn học, ngay từ năm thứ nhất. Sinh viên phải có tinh thần dấn thân, lăn xả vào công việc, có sự đầu tư thích đáng cho việc học mới có những kết quả cao sau này.

0a04fe147e54db0a8245.jpg
Sinh viên ngành Kỹ thuật Robot, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hội nghị Quốc tế về Điều khiển, Tự động và Khoa học Thông tin năm 2022. Ảnh: NVCC.

Cựu sinh viên Cảnh Thanh đánh giá, việc học thạc sĩ tại đất nước phát triển như Nhật Bản là một cơ hội lớn đối với anh, giúp anh có thể tiếp cận được với công nghệ về robot, nghiên cứu chuyên sâu hơn và tiếp cận được thị trường việc làm rộng lớn liên quan đến ngành Kỹ thuật Robot tại Nhật Bản.

Anh Thanh đánh giá, Lĩnh vực công nghệ phát triển robot kết hợp trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chúng ta đang trong quá trình phát triển và nỗ lực bắt kịp xu hướng toàn cầu này. Do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này ngày càng tăng, nhằm đáp ứng và thúc đẩy sự tiến bộ công nghệ trong nước.

Các bạn sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường nên chú tâm vào việc nắm vững các kiến thức nền tảng, bên cạnh đó hãy dành thời gian nghiên cứu, thực hành trong phòng lab, có những kiến thức khi nằm trên sách vở có thể mình không thể hiểu được nhưng khi được thực hành, nghiên cứu thực tế nhiều sẽ giúp bản thân hiểu hơn về chế tạo robot.

Ngoài ra, sinh viên nên chủ động, tích cực tham gia vào các chương trình thực tập tại các doanh nghiệp và các hội thảo nghiên cứu để tích lũy thêm kiến thức thực tế. Khoa và nhà trường cũng được rất nhiều các doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ các suất học bổng đắt giá, các bạn nên tự tin ứng tuyển vào các chương trình học bổng này.

Sinh viên nên trau dồi ngoại ngữ để có thêm những cơ hội hội học tập, du học, mở rộng vốn kiến thức và công việc trong tương lai. Đặc biệt là khả năng tự học hỏi và tự nghiên cứu cũng cần được rèn luyện, đây là một yếu tố quyết định thành công trong lĩnh vực robot.

Cùng quan điểm, anh Trần Đức Sơn nhấn mạnh, sinh viên nên tập trung học tập hết khả năng, trau dồi kiến thức, kỹ năng tạo nền tảng vững chắc cho bản thân. Sinh viên nên tận dụng cơ hội tham gia thực tập tại doanh nghiệp, công ty về tự động hóa mà khoa và trường giới thiệu. Việc nghiên cứu và trải nghiệm thực tế sẽ giúp sinh viên nắm bắt được kỹ năng và kiến thức thực tiễn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Thùy Trang