Kỳ vọng phát triển GDĐH mỗi quốc gia vì sự phát triển đột phá của châu Á

21/07/2024 06:21
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-GS Trình Quang Phú kỳ vọng, thông qua hội thảo, sẽ đưa ra các cơ sở khoa học, luận đề để phát triển GDĐH mỗi nước, nhằm liên kết, hỗ trợ cùng phát triển châu Á.

Ngày 21-22/7, tại Phú Yên, sẽ diễn ra hội thảo quốc tế: “Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, Trường Đại học Phú Yên, và Tổ chức đối thoại châu Á (ADS) Singapore tổ chức.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, lắng nghe những chia sẻ trước thềm hội thảo.

snapedit_1721398238426.jpeg
Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông. Ảnh: NVCC.

Phóng viên: Thưa Giáo sư Trình Quang Phú, xin ông chia sẻ cụ thể hơn về vai trò, ý nghĩa của Hội thảo quốc tế: “Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á” sắp diễn ra?

Giáo sư Trình Quang Phú: Chúng ta đang ở thập niên thứ 3 của thế kỷ 21. Thế giới đang có những biến động chính trị, chiến tranh xảy ra nhiều nơi, tình hình kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, nền kinh tế châu Á vẫn phát triển tốt.

Châu Á có 55 quốc gia và khu vực đứng vững, và là nơi có nhiều tiềm năng, là khu vực có dân số đến 4,5 tỷ người, chiếm gần 60% dân số thế giới. Dân số trẻ là tiềm năng quyết định cho sự phát triển. Trong những thập niên gần đây, GDP khu vực châu Á luôn duy trì và tăng trưởng ở mức cao.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế châu Á tại diễn đàn Bác Ngao, năm 2024, kinh tế châu Á chiếm 49% GDP toàn cầu, và lạm phát tiếp tục ở mức ổn định.

Các nhà kinh tế thế giới dự báo rằng, châu Á vẫn đang tràn đầy sức sống, là điểm đến đầu tư hấp dẫn, nhất là các lĩnh vực: công nghiệp, điện tử, bán dẫn và tiêu dùng.

Thế giới có 5 nền kinh tế lớn thì châu Á đã chiếm đến 3, và châu Á sẽ là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu, sản xuất và xuất khẩu. Châu Á là khu vực đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu, và nhất định sẽ có bước phát triển đột phá trong những thập niên tới.

Để có nền kinh tế phát triển, thì yếu tố con người là quyết định. Châu Á đang và sẽ cần có một lực lượng làm việc có trình độ cao công nghệ cao càng phát triển, nhất là công nghệ điện tử, bán dẫn, công nghệ chíp, công nghệ xanh, công nghệ số phát triển thì càng cần con người hơn bao giờ hết.

Đó là trách nhiệm to lớn mà xã hội giao cho ngành giáo dục đại học ở mỗi nước.

Và đó cũng chính là yêu cầu của cuộc Hội thảo quốc tế diễn ra vào hai ngày 21-22/7. Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận về các vấn đề quan trọng đã đề cập ở trên.

Phóng viên: Xin ông cho biết, hệ thống tham luận được chia sẻ, trình bày tại Hội thảo sẽ xoay quanh những chủ đề nào?

Giáo sư Trình Quang Phú: Lúc đầu, Tổ chức đối thoại châu Á (ADS) Singapore đề xuất chủ đề “Giáo dục đại học trong một New Asia” - một châu Á mới. Chúng tôi đã thảo luận, dự tính với chủ đề “Giáo dục đại học châu Á với sự phát triển của nền kinh tế châu Á thế kỷ 21”.

Tuy nhiên, sau nhiều lần trao đổi, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Trường Đại học Phú Yên, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông đã thống nhất với Tổ chức đối thoại châu Á (ADS) Singapore, quyết định lấy tên hội thảo gọn lại là “Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á”.

Chung quy nội hàm là phát triển của giáo dục đại học như thế nào? Giáo dục đại học phải đổi mới như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng, vượt bậc với nền kinh tế với công nghệ mới ở châu Á...?

Trong đó, phải kể đến của một số tham luận như: “Giáo dục đại học với chiến lược phát triển của ASEAN” (Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam); “Đại học châu Á mới, một mô hình của giáo dục thế kỷ 21” (Giáo sư, Tiến sĩ Tay Kheng Soon - Giáo sư Đại học Quốc gia Singapore, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Cộng hòa Singapore); “Xu thế và yêu cầu giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á” (Phó Giáo sư, Trung tướng Nguyễn Đức Hải - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Quốc phòng); “Toàn cầu hóa và giáo dục, những bài học rút ra từ Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia và những nền kinh tế mới nổi” (Giáo sư, Tiến sĩ Lau Sim Yee - Giáo sư khoa học nghiên cứu toàn cầu Đại học Reitaku Nhật Bản); “Đầu tư cho giáo dục đại học Việt Nam là góp phần phát triển giáo dục đại học châu Á” (Tiến sĩ Trần Thu Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Tài chính Văn xã - Bộ Tài chính); “Thúc đẩy kinh tế số và xã hội số trong giáo dục Việt Nam” (Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Trung tâm tư vấn doanh nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân); “Phụ nữ Việt Nam trong tiến trình hội nhập với nền giáo dục đại học châu Á và thế giới vì mục tiêu thịnh vượng chung” (Tiến sĩ Lý Thị Mai - Giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Thành phố Hồ Chí Minh)...

GDVN_FPT.jpg
Châu Á đang và sẽ cần có một lực lượng làm việc có trình độ cao công nghệ cao, nhất là công nghệ điện tử, bán dẫn, công nghệ chíp, công nghệ xanh, công nghệ số. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Phóng viên: Ông có kỳ vọng gì đối với sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam (nói riêng) và giáo dục đại học của các nước (nói chung) vì sự phát triển của châu Á, thông qua Hội thảo quốc tế lần này, thưa giáo sư?

Giáo sư Trình Quang Phú: Tại Hội thảo quốc tế: “Giáo dục đại học vì sự phát triển châu Á” lần này, sẽ có sự tham dự của các lãnh đạo trực tiếp theo dõi, quản lý, chỉ đạo về giáo dục đại học của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như tại địa phương.

Các đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia: Ấn Độ, Australia, Malaysia, Cộng hòa Pháp, Philippines, Singapore.

Về phía Việt Nam, bên cạnh các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ là đại biểu của 20 trường đại học, học viện trên cả nước.

Hội thảo lần này là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, lãnh đạo các trường đại học... tập trung trao đổi, đề xuất và thiết lập nền tảng giáo dục đại học, xác định định hướng phát triển phù hợp với xu thế chung. Đồng thời, tìm thấy những giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa các bên, giữa các nước, đưa châu Á trở thành khu vực “siêu cường” của giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học, trở thành nền tảng phát triển vượt bậc trong mọi lĩnh vực.

Chính vì vậy, tôi hy vọng, thông qua Hội thảo lần này, các diễn giả khi trình bày tham luận, cần làm sâu sắc chủ đề nói trên. Đồng thời, chúng tôi cũng mong các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ cùng chia sẻ, đóng góp ý kiến một cách sôi nổi, xác đáng.

Phải làm sao để cùng đưa ra các cơ sở khoa học, đưa ra các luận đề để phát triển giáo dục đại học tại Việt Nam, cũng như giáo dục đại học của mỗi nước.

Để từ đó, tăng cường mối liên kết, tăng cường sự hỗ trợ cùng phát triển giữa các quốc gia, để đáp ứng được nhu cầu phát triển đột phá của kinh tế châu Á.

Chúng ta đã và đang trải qua những cuộc cách mạng đổi mới giáo dục (đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thí điểm tự chủ đại học...), nhưng công cuộc đổi mới này hiện nay vẫn còn đang dang dở. Tôi mong rằng, chúng ta sẽ có thêm những tham vấn tích cực, hiệu quả, để Việt Nam tiếp tục tiến tới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước cũng như khu vực châu Á trong thế kỷ 21.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của giáo sư!

Mộc Trà