Di sản” không mong đợi
Lai Châu cách Hà Nội khoảng 450 cây số, nhưng để đến được thành phố Lai Châu, chúng tôi phải đi ôtô mất hơn 10 tiếng đồng hồ, trên những cung đường ngoằn ngoèo, vừa cua vừa leo dốc, đổ dốc.
Những đoạn đường dày đặc sương mù đến mức không thể nhìn thấy cây bên đường và phía trước mắt luôn khuất sau ngọn núi, đòi hỏi lái xe phải là những tay cự phách, quen đường và quen cả những nguy cơ bất trắc.
Để đặt chân đến Lai Châu, phải vượt qua “vua đèo Tây Bắc” Ô Quý Hồ dài gần 50 cây số, là đèo dài nhất phía Bắc, vắt qua dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ. Đèo Ô Quý Hồ còn được gọi là đèo mây bởi đỉnh đèo ở độ cao gần 2.000m và quanh năm mây phủ. Đây cũng là điểm phân chia ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu.
Lai Châu là nơi có mật độ dân số thưa nhất cả nước với chỉ 43 người/km2 nên cũng không có gì lạ khi suốt chặng đường dài dằng dặc hầu như không có nhà dân.
Lai Châu lại là tỉnh vùng biên với hơn 265.000 cây số đường biên giới giáp Trung Quốc. Tỉnh có 108 xã, phường, thị trấn thì có 22 xã biên giới, chiếm 20%. Người dân đa số là dân tộc thiểu số, sống lẩn khuất nơi những bản làng heo hút giữa rừng đại ngàn, trên những đỉnh núi cao cheo leo lưng chừng trời, với những nếp nhà sàn trống hơ trống hoác.
Kinh tế khó khăn, địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp, Lai Châu thuộc diện một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam.
Bên chén trà nóng giữa chiều đông Lai Châu lạnh và mù sương, tiến sỹ Lê Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Lai Châu bảo, những cung đường nghoằn nghoèo, hoang vắng, nhưng bản làng heo hút ấy cũng biểu trưng cho những khó khăn của Lai Châu.
Với lĩnh vực nhạy cảm như công tác phòng chống HIV/AIDS, điều trị nghiện thuốc phiện thì còn phức tạp hơn rất nhiều.
Ban ngày người dân bận lên nương, các bác sỹ phải tranh thủ buổi tối để tuyên truyền, vận động người dân tham gia điều trị ARV và uống methadone. |
Là một tỉnh mới hình thành năm 2006, tách ra từ Điện Biện – một trong năm điểm nóng nhất cả nước về ma túy, Lai Châu thừa hưởng “di sản” là 100% số huyện với 86% số xã có người nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV phát hiện mới trung bình mỗi năm khoảng 300 người.
Số bệnh nhân HIV lũy tích qua các năm theo đó tăng chóng mặt, từ 396 người năm 2006 lên 1.933 người năm 2011 và năm 2015, con số này là 3.198 người.
Trong số này, có hơn 1.800 người còn sống. Gần 1.445 người trong số họ là người dân tộc thiểu số. Các điểm nóng về số người nhiễm HIV như Tân Uyên (với 394 người, chiếm 21,5% tổng số người nhiễm HIV còn sống), huyện Tam Đường (chiếm 15,5%)…
“Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những con số thống kê được, còn có những ‘tảng băng chìm’ là những người chưa được thống kê, nên con số thực tế chắc chắn còn cao hơn,” tiến sỹ Lê Thị Mai chia sẻ.
Căng mình "chống H"
Là người gắn bó với công tác phòng, chống HIV của Lai Châu ngay từ khi mới tách tỉnh, tiến sỹ Lê Thị Mai không thể nhớ mình đã có bao đêm trằn trọc, gần như thức trắng, trăn trở để tìm giải pháp giảm những con số không hề mong đợi về người nhiễm HIV.
Tỉnh nghèo, ngân sách eo hẹp, số người bệnh lại nhiều, kinh phí thiếu trước hụt sau. Nhân lực vừa ít, vừa chưa yên tâm công tác do điều kiện địa phương quá khó khăn, lĩnh vực công tác quá nhạy cảm trong khi chế độ đãi ngộ không cao.
“Nhưng thách thức lớn nhất là điều kiện giao thông đi lại không thuận lợi, dân cư sống rải rác, nhận thức của người dân còn hạn chế. Gần 80% số người nhiễm HIV là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu nói chung và các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS nói riêng với họ là điều không hề dễ dàng,” tiến sỹ Lê Thị Mai chia sẻ.
Để khắc phục những khó khăn, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Lai Châu đã phải tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt, có tính xung kích cao để về hỗ trợ cơ sở. Không trông đợi bác sỹ nơi khác về, Trung tâm luân phiên cử người đi học để nâng cao trình độ. Số nhân lực vốn đã thiếu lại càng thiếu, nhưng chất lượng đã được cải thiện theo thời gian.
Thay vì chú trọng khu vực thành phố, Trung tâm ưu tiên triển khai các dịch vụ tại bản vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, các điểm nóng. Cán bộ y tế thôn bản cũng được huy động tối đa vai trò trong việc vận động, dẫn dắt những người nhiễm HIV/AIDS ở bản mình tham gia điều trị.
Hiện tỉnh đã và đang triển khai can thiệp, giảm lây nhiễm HIV, cấp bơm kim tiêm sạch tại 45 xã, phường, thị trấn.
Lai Châu cũng là tỉnh tiên phong trong cả nước mở điểm cấp phát thuốc methadone điều trị cho người nghiện ma túy về tận xã, thậm chí là tận bản. Đến nay đã có 8 cơ sở điều trị và 23 cơ sở cấp phát thuốc methadone cho 1.962 người nghiện.
Với những nỗ lực đó, tốc độ lây nhiễm HIV trong cộng đồng tại Lai Châu đã có xu hướng giảm. Trong 10 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh phát hiện thêm 264 trường hợp nhiễm HIV, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong số hơn 1.800 bệnh nhân nhiễm HIV đang còn sống, có 722 người được điều trị ARV miễn phí.
Trước nguy cơ nguồn viện trợ thuốc ARV đang bị cắt giảm mạnh, Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã ra Nghị quyết về việc bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Lai Châu bảo đảm sẽ tăng dần ngân sách nhà nước và đảm bảo nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS qua các năm đến năm 2020 tại địa phương.
Các giải pháp được Lai Châu đưa ra như tăng chi ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, tăng cường tìm kiếm các nguồn lực tài trợ quốc tế, sự tham gia của các doanh nghiệp, vận động người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.
“Nếu không được hỗ trợ thuốc ARV thì người nhiếm HIV rất khó để tiếp tục tham gia điều trị. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những nỗ lực từ trước đến nay để giảm lây nhiễm trong cộng đồng đang đứng trước nguy cơ cuốn trôi theo dòng nước.
Vì thế, sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh đã tiếp thêm sức mạnh về cả vật chất và tinh thần cho chúng tôi và cả các bệnh nhân tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc phòng, chống và đẩy lùi HIV/AIDS tại Lai Châu,” bà Mai nói (Theo TTXVN).