Thừa nhận bất cập
Ngày 31/3/2017 trả lời trên Báo Điện tử Chính phủ về những vấn đề xoay quanh các dự án BOT giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường thẳng thắn thừa nhận nhiều bấp cập trong hình thức đầu tư BOT như khoảng cách trạm thu phí chưa đáp ứng quy định 70 km/trạm; tình trạng làm BOT cho dự án này nhưng dùng tiền đó để làm tiếp dự án khác.
Đặc biệt khi trả lời về việc áp dụng hình thức BOT trên tuyến đường quốc lộ, BOT trên tuyến đường độc đạo dẫn đến người dân buộc phải trả phí, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết: “Tình trạng này xảy ra bởi chúng ta không có sự lựa chọn khi không có kinh phí làm mới các con đường cũ nên phải nâng cấp trên chính con đường đó”.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trước trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công cho biết: “Trả lời của Thứ trưởng Trường chỉ cho thấy thức tế thiếu nguồn kinh phí đầu tư các dự án giao thông, còn việc tại sao lại đưa hình thức BOT vào tuyến đường độc đạo thì Thứ trưởng chưa làm rõ”.
Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ cho rằng, việc kêu gọi đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông là chủ trương đúng đắn vừa thu hút nguồn vốn xã hội hóa, giảm áp lực đầu tư ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thu hút đầu tư BOT để xây dựng tuyến đường mới, hình thức đầu tư BOT còn được áp dụng trong việc nâng cấp sửa chữa tuyến đường mới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công cho rằng nhiều dự án BOT giao thông hiện nay thiếu minh bạch nên gây bức xúc trong nhân dân - ảnh: H.Lực. |
Theo Bộ Giao thông vận tải trong thời gian vừa qua trong các dự án đầu tư theo hình thức BOT có đến 65% số các dự án là nâng cấp, sửa chữa, chỉ khoảng 35% là dự án làm mới.
Điển hình trong việc áp dụng BOT trên tuyến cũ chính là các dự án nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 1 dọc theo chiều dài đất nước.
Theo Bộ Giao thông vận tải có đến 28 trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 nhằm thu phí cho dự án nâng cấp sửa chữa từng đoạn của quốc lộ này.
“Chính việc không minh bạch trong áp dụng hình thức đầu tư BOT vào các dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường cũ, tuyến đường quốc lộ độc đạo và thu phí dẫn đến bức xúc của người dân”, Phó Giáo sư Thọ cho biết.
Áp dụng thiếu minh bạch
Bày tỏ quan điểm về việc áp dụng BOT trên tuyến giao thông độc đạo, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc nhà xuất bản Giao thông, người có nhiều năm nghiên cứu giao thông đô thị cho rằng: “Vừa qua làm đường BOT nhưng tràn lan, phát triển thiếu quản lý, thiếu nguyên tắc và quy hoạch.
Nhiều người không hiểu thì hoan nghênh, ủng hộ nên nở rộ làm đường BOT một cách lộn xộn, thiếu khoa học”.
Phải xử lý trách nhiệm cá nhân mới mong BOT minh bạch |
Theo Tiến sĩ Thủy, người dân có quyền đi lại. Nếu dự án giao thông nào cũng đầu tư theo hình thức BOT thì người dân không có sự lựa chọn.
Chúng tôi đã nói nhiều lần là không thể bắt người dân đi đâu cũng phải đóng phí. Làm như vậy thì thu được một khoản tiền trước mắt, nhưng gây ra nhiều bất ổn, nhất là bức xúc âm ỉ kéo dài của người dân với cơ quan nhà nước.
“Cái thiếu hiệu nay là không có nguyên tắc đường nào được làm BOT. Đáng lẽ phải có nguyên tắc chỉ rõ đường nào được làm BOT, đường nào không, thậm chí phải được Quốc hội thông qua.
Trên một hướng đi nếu có hai đường trở lên thì làm đường BOT để người dân được lựa chọn đi đường BOT hay không, chứ không phải làm BOT trên tuyến đường độc đạo rồi bắt buộc người dân phải đi”, ông Thủy nói.
Ở góc nhìn khác, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ cho rằng, vấn đề không phải áp dụng BOT trên tuyến đường xây mới hay trong việc nâng cấp sửa chữa các tuyến đường cũ mà là việc minh bạch thông tin cho người dân, dư luận được biết.
Theo ông Phạm Quý Thọ, trước khi áp dụng BOT trong việc nâng cấp, sữa chữa trên tuyến đường cũ thì cơ quan quản lý nhà nước phải minh bạch, công khai đưa ra lý do phải nâng cấp sửa chữa tuyến đường.
“Nâng cấp sửa chữa theo hình thức BOT có nghĩa thu phí, động chạm đến quyền lợi người dân nên cần minh bạch.
Trước khi thực hiện dự án cơ quan quản lý phải trả lời minh bạch những câu hỏi như: Dựa vào đâu để anh quyết định nâng cấp, sửa chữa tuyến đường? Chi phí nâng cấp sửa chữa ra sao? Thu phí thế nào…?”, ông Thọ nêu quan điểm.
Vị chuyên gia chính sách công này cho rằng, BOT trên tuyến đường độc đạo thời gian qua có nhiều bất cập.
“Trên nền đường cũ anh chỉ “tráng men” lớp nhựa mới, mở rộng hai bên đường một chút nhưng thu phí cao như đường xây mới như vậy có công bằng với người dân?”, ông Thọ nói.
Ông Thọ khẳng định, trong điều kiện thiếu vốn chủ trương kêu gọi đầu tư BOT trong giao thông kể cả dự án xây mới hay nâng cấp tuyến đường cũ đều phải minh bạch.
Người dân bức xúc không phải vì áp dụng BOT và thu phí mà chính là việc thiếu minh bạch, công khai.
Càng không minh bạch càng chứng tỏ có lợi ích nhóm, khi mọi thứ tù mù người dân, dư luận bức xúc là điều dễ hiểu.