Kiểm toán giảm gần 100 năm thu phí
Cuối tháng 2/2017, Kiểm toán Nhà nước báo cáo với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả kiểm toán 27 dự án BOT giao thông.
Theo kết quả kiểm toán, cộng tổng thời gian 27 dự án này phải giảm gần 100 năm khai thác thu phí theo như dự kiến ban đầu.
Có những dự án bị đề nghị giảm thu phí hơn 1/2 thời gian dự kiến ban đầu như: Dự án Quốc lộ 10 đoạn La Uyên – Tân Đệ từ 21 năm 3 tháng xuống còn 10 năm 3 tháng; Dự án cầu Rạch Miễu – Quốc lộ 60 (tỉnh Bến Tre) rút ngắn từ 22 năm 10 tháng xuống còn 13 năm 5 tháng.
Cá biệt, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị chấm dứt việc thu phí đối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua Thị xã Tam Kỳ và tỉnh lộ 618 tỉnh Quảng Nam.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều dự án trong số 27 dự án BOT giao thông được kiểm toán phải giảm 5-7 năm thu phí. Tổng cộng tất cả các dự án, giảm tới gần 100 năm thu phí - Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+. |
Ngoài ra, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng nêu lên bất cập về khoảng cách các trạm thu phí.
Cụ thể, Bộ Tài chính hướng dẫn là trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định, khoảng cách giữa các trạm đảm bảo tối thiểu 70km.
Tuy nhiên, thực tế lại diễn biến hoàn toàn khác khi có sự thỏa thuận giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và các địa phương, dẫn tới nhiều đoạn thu phí có khoảng cách dưới 60km.
Kiểm toán nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính loại bỏ điều kiện khoảng cách các trạm thu phí dưới mức tối thiểu 70km, đảm bảo chỉ có một khoảng cách tối thiểu 70km.
Bên cạnh đó theo Kiểm toán Nhà nước không ít trạm thu phí cho dự án này nhưng lại đặt trên tuyến đường khác, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường nhưng vẫn phải trả phí, gây bức xúc trong dư luận.
Điển hình như trạm thu phí Cầu Rác do Tổng công ty Xây dựng Sông Đà thực hiện, quản lý nhằm thu phí cho công trình đường tránh thành phố Hà Tĩnh, nhưng lại đặt trên quốc lộ 1A, tại xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên.
Việc đặt trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1A như nêu trên là bất hợp lý, dẫn đến người dân, đặc biệt là dân thuộc huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh không đi đường BOT nhưng vẫn phải nộp phí, gây bức xúc.
Trạm thu phí Cầu Rác (Hà Tĩnh) gây bức xúc khi người dân không đi đường BOT nhưng vẫn phải nộp phí - ảnh nguồn Báo Tài nguyên môi trường. |
Trước báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong thông cáo báo chí ngày 28/2, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng nguyên nhân quan trọng rút ngắn thời gian thu phí hàng loạt dự án BOT là do lãi suất vốn vay giảm và tiến độ được đẩy nhanh; đồng thời nêu ra 3 nguyên nhân khiến hàng loạt dự án BOT phải giảm 5-7 năm thu phí:
Thứ nhất, tiến độ dự án được rút ngắn nên giảm bù giá vật liệu và giảm lãi vay trong thời gian xây dựng.
Thứ hai, chỉ số giá xây dựng và lãi suất vốn vay trong giai đoạn 2012-2015 đều giảm so với giai đoạn 2009-2011 nhờ chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ hợp lý.
Thứ ba, quy mô các dự án đầu tư được tư vấn lập và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam và quy hoạch đô thị các địa phương theo đúng quy định.
Nhiều tồn tại bất cập
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những bất cập dự án BOT giao thông, ông Nguyễn Xuân Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận: “Do tính chất mới của hình thức đầu tư nên đã nảy sinh bất cập về số lượng trạm; kiểm tra, giám sát thu phí; việc công khai, minh bạch về số thu của các trạm”.
Theo kết quả rà soát của Bộ Giao thông vận tải, trên các tuyến quốc lộ hiện nay có 86 trạm đang và sẽ thu phí khi các dự án hoàn thành. Trong số này chỉ có 53 trạm đảm bảo khoảng cách trên 70 km giữa hai trạm, 9 trạm có khoảng cách 60-70 km và 24 trạm có khoảng cách dưới 60 km.
Như vậy, có tới 33 trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km như quy định của thông tư 159.
Theo ông Cường, những bất cập này đã từng bước được các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khắc phục.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận còn nhiều bất cập tại các dự án BOT giao thông - ảnh nguồn trang web Bộ Giao thông vận tải. |
Ông Cường khẳng định, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đều kiểm tra điều kiện tổ chức thu của các dự án trước khi cho phép tổ chức thu phí tại các trạm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thu đối với các trạm thu phí BOT.
“Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh giảm mức thu đối với một số loại xe khi qua các Trạm BOT.
Số thu, số năm thu phí hoàn vốn của các dự án BOT trên các trang thông tin điện tử của ngành và các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Cường thông tin thêm.
Về công tác thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam với các dự án BOT giao thông, ông Cường cho biết, từ năm 2014 đến nay, hàng năm Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác thu phí tại các trạm.
Xử lý sai phạm tại các trạm thu phí BOT Ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm ở những dự án BOT |
Cụ thể, năm 2014 kiểm tra định kỳ 4 dự án; năm 2015 kiểm tra định kỳ 4 dự án; năm 2016 kiểm tra định kỳ 4 dự án.
Ngoài ra còn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông, công tác thu trong dịp Tết Nguyên Đán tại các trạm của 6 dự án và tổ chức giám sát, kiểm tra thu phí 10 ngày liên tục tại 12 dự án.
“Từ tháng 1 năm 2017 đến nay, tổ chức giám sát, kiểm tra thu 10 ngày liên tục tại 3 dự án.
Năm 2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, xác nhận chỉ tiêu tài chính của 13 dự án có thời gian thu phí trên 5 năm, hiện nay đã thực hiện xong công tác kiểm tra tại 2 dự án”, ông Cường cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, qua công tác kiểm tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kịp thời chấn chỉnh đôn đốc nhà đầu tư thực hiện khai thác dự án đúng quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.
Kết thúc công tác kiểm tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện kiến nghị của đoàn kiểm tra đã nêu rõ tại biên bản kiểm tra.
Tăng cường giám sát để minh bạch thu phí
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, hiện nay Tổng cục Đường bộ đã và đang thực hiện những giải pháp đồng bộ để minh bạch phí BOT.
Cục thể, mức thu giá sử dụng đường bộ của các trạm thu được niêm yết tại nơi tổ chức thu và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên các trang web đăng tải văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành.
Tổng cục Đường bộ thông qua công nghệ thu phí một dừng, theo đó tất cả các trạm đều được xây dựng theo tiêu chuẩn công nghệ thu phí một dừng, sử dụng ấn chỉ mã vạch.
“Công nghệ thu phí này có các thiết bị hiện đại, tiên tiến, có chức năng lưu trữ, hậu kiểm. Tất cả các thông tin về lượt xe, chủng loại, biển số, mệnh giá vé, seri vé đều được lưu trữ dưới dạng file ảnh, file video.
Giúp cho việc giám sát, kiểm tra của đơn vị thu phí cũng như các cơ quan nhà nước. Nhân viên giám sát, cán bộ quản lý, cơ quan chức năng có thể tra cứu, kiểm tra, trích xuất các báo cáo tại bất cứ thời điểm nào”, ông Cường khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Cường cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành mẫu biểu báo cáo và đôn đốc nhà đầu tư thực hiện công tác báo cáo tháng, quý, 6 tháng và báo cáo năm, nộp phí sử dụng tài sản hàng năm.
"Trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các trạm theo kế hoạch định kỳ và đột xuất.
Phối hợp với cơ quan quản lý thuế kiểm tra số thu của các trạm hàng năm. Áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát thu phí, hiện nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang xây dựng phần mềm giám sát thu phí", ông Cường cho biết.