Hai ngày trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nói tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh là “các đoàn đi công tác nước ngoài nhiều quá, đi du lịch trong nước, tiếp khách… tốn kém quá”.
Vậy làm gì để ngăn chặn sự lãng phí ấy? PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Ninh Thuận).
Phải tìm được lời giải: Đi nước ngoài làm gì?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Tôi đánh giá cao việc Chính phủ đưa nội dung này ra bàn ở cuộc họp chính thức của Chính phủ. Thực ra đây là một hiện trạng đã tồn tại nhiều năm rồi và theo tôi thì đúng là có rất nhiều đoàn đi công tác nước ngoài nhưng không hiệu quả. Có nhiều trường hợp người ta lấy việc đi nước ngoài làm chính sách đối với cán bộ nhà nước, thí dụ như chuẩn bị nghỉ hưu, chuẩn bị chuyển công tác... thì bố trí cho đi nước ngoài một chuyến, tiếng là đi công tác nhưng thực chất thì tham quan, du lịch là chính…
Rồi trong một cơ quan khi xem xét cử cán bộ đi nước ngoài học tập hoặc làm việc thì việc lựa chọn đôi khi người ta còn theo kiểu “luân phiên”: năm nay người này đi rồi thì năm sau nhường cho người khác đi, mặc dù cái người được nhường đó chẳng liên quan gì tới nội dung đoàn công tác. Những hiện tượng trên khá phổ biến!
Không riêng gì các chuyến đi công tác mà ngay cả một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở nước ngoài cũng rất lãng phí. Thực tế đã có những dự án đưa cán bộ đi học tiếng Anh chỉ 2 tháng thì không hiểu là học được cái gì, kết quả được bao nhiêu? Chưa kể đối tượng được cử đi tham gia một khóa đào tạo ở nước ngoài nhưng về thì nghỉ… hưu luôn.
Tôi cho rằng, bao giờ chúng ta chấm dứt được chuyện mang việc đi nước ngoài ra làm chính sách cán bộ thì lúc ấy mới thực sự bớt đi cái lãng phí không nhỏ của việc đi công tác nước ngoài.
Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Vietnamnet. |
PV: Thưa ông, năm 2013 có tới 3200 đoàn đi công tác nước ngoài, còn năm 2012 có tới hơn 3700 đoàn đi công tác nước ngoài. Như vậy tính ra trung bình có đến 8 đoàn đi công tác nước ngoài mỗi ngày (ngay cả cán bộ huyện bây giờ cũng đi công tác nước ngoài), nhưng kết quả sau những chuyến công tác ấy thế nào thì không ai biết. Theo ông những giải pháp nào sẽ kiểm soát được tình trạng lợi dụng công tác nước ngoài để đi du lịch, thậm chí là để hợp thức hóa các khoản chi từ tiền ngân sách?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Thực ra con số hơn 3700 đoàn hay 3200 đoàn cũng chưa nói hết được sự lãng phí trong việc này. Giá như nếu tổng kết được con số chi phí cho việc đi nước ngoài mỗi năm, rồi đánh giá thực chất hiệu quả của các đoàn đi công tác và đối chiếu trở lại thì mới thấy sự lãng phí khủng khiếp đến mức nào?!
Tôi lấy thí dụ một cán bộ, công chức mà đi công tác châu Âu thì vé thường cũng phải khoảng 2000 USD (còn vé vip thì từ 4000 - 5000 USD). Như vậy thì riêng tiền vé cho một người đã phải tốn từ 50 – 100 triệu đồng/ người. Đó là chưa kể tiền ở khách sạn, tiền ăn, tiền ở, tiền đi lại ở nước đó, tiền công tác phí, và các chi phí khác thì con số chi cho một người đi công tác nước ngoài sẽ là bao nhiêu? Thấp nhất cũng không dưới 70-80.000.000/ người, cứ thế mà nhân lên cho một đoàn rồi nhân với con số 3200 đoàn một năm sẽ cho ta con số khủng khiếp là vậy!
Nếu bỏ tiền túi ra liệu có mấy cán bộ, công chức dám bỏ số tiền đó ra để đi nước ngoài?! Việc đi công tác nếu đó là công việc cần thiết hay để giải quyết công việc công thì không nói làm gì, còn nếu việc đi là “vô bổ” thì mỗi năm lãng phí biết bao nhiêu cho ngân sách, nhất là trong tình hình khó khăn mà chung ta đang phải lo “thắt lưng, buộc bụng”.
Thực tế thì hai, ba năm nay khi thực hiện chính sách tiết kiệm thì Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có chỉ thị, nghị quyết yêu cầu cắt giảm các đoàn đi công tác nước ngoài và đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là chất lượng, hiệu quả của các việc đi công tác nước ngoài thì vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, cho nên vấn đề mà Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nêu ra tại cuộc họp là có đoàn của Việt Nam sang hỏi về một vấn đề này rồi một thời gian sau sang lại hỏi đúng vấn đề ấy là thực tế. Tôi tin là khi Chính phủ có những biện pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới thì sẽ ngăn chặn lãng phí trong vấn đề này.
PV: Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kiểm soát chặt vấn đề này và có báo cáo Ban Bí thư. Ông có ủng hộ cách làm này?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Tôi thấy đây là việc rất nên làm nhưng để làm được việc đó quả thật là không dễ chút nào. Chính phủ và Bộ Ngoại giao sẽ làm thế nào để có được thực trạng và con số thật? Vì nếu báo cáo thật thì lại liên quan tới trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương. Lẽ thông thường thì ai cũng sẽ báo cáo rằng các đoàn đi nước ngoài là đều có hiệu quả, chứ chẳng lẽ nói không hiệu quả thì khác gì “lấy đá ghè vào tay mình”. Nội dung, mục đích và kết quả của các chuyến đi công tác là do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Vậy thì Chính phủ hay Bộ Ngoại giao làm sao đánh giá việc đi công tác đó là hiệu quả hay không? Và khi đã không khẳng định được là có hiệu quả hay không thì cũng không thể nói được là lãng phí!!!
PV: Theo ông có cần cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Ngay cả thẩm tra thì cũng rất khó đánh giá việc này vì những khó khăn mà tôi vừa đề cập ở trên. Người ta sẽ luôn nghĩ ra các báo cáo rất hay về kết quả của các chuyến đi nước ngoài, các chuyến đi thường gắn với việc chương trình hay đề án nọ, đề án kia…nhưng rồi thực chất những điều được gọi là “nghiên cứu”, “khảo sát”, “học tập kinh nghiệm” vốn được coi là mục đích của những chuyến đi có mang lại hay ứng dụng gì vào thực tiễn của nước ta. Điều đó nói lên rằng để đánh giá không phải dễ nhất là việc bộ này đánh giá bộ kia, rồi nhưng điều tế nhị trong quan hệ giữa các bộ nữa.
PV: Các quốc gia khác kiểm soát vấn đề này thế nào, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Người ta kiểm soát ngay từ lúc lập kế hoạch đi công tác, xem xét rất cụ thể mục đích và dự kiến kết quả của chuyến đi ấy để xác định là việc đi có cần thiết hay không. Có lần tôi làm việc với một số cán bộ của Bộ Ngoại giao của Phần Lan, khi được hỏi đã đến VN chưa, họ bảo đã nghe tới Việt Nam rất lâu rồi, rất muốn đến Việt Nam nhưng chưa biết khi nào mới được đến. Đó là vì họ xác định rất rõ: đi để làm gì? chứ không phải bỏ ngân sách ra đi thăm quan như nhiều đoàn ở ta.
PV: Như vậy, suy cho cùng vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu ở các cơ quan nhà nước?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Đúng là như vậy! Người đứng đầu của các cơ quan và người tham mưu cho Người đứng đầu phải xác định được những chuyến công tác nước ngoài có thực sự cần thiết hay không. Đó là việc làm thực chất và hiệu quả nhất và nó đòi hỏi ở ý thức trách nhiệm của Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử người đi nước ngoài. Còn dù cho Chính phủ có quyết liệt đến mấy mà các bộ ngành và địa phương không tự giác thì kết quả cũng chỉ dừng ở một mức độ nhất định.
PV: Câu chuyện “công tác nước ngoài bằng tiền ngân sách” cũng sẽ khiến cho nhiều người nhớ tới câu chuyện cách đây 3 tháng Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu cán bộ của ngành đi công tác bằng hàng không giá rẻ. Điều đó cho thấy, có những chuyện tưởng như rất khó nhưng vẫn thực hiện được, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Tôi nghĩ hành động của Bộ trưởng Đinh La Thăng rất đáng ca ngợi. Quả thực đây là một việc tưởng như rất khó thay đổi, nhưng là người đứng đầu một ngành, ông Thăng đã đưa ra những quyết định đúng nghĩa là một Tư lệnh ngành có trách nhiệm. Tôi cũng mong rằng sẽ có nhiều Bộ trưởng hành động quyết liệt như vậy.
Kể từ khi có chủ trương của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ yêu cầu cắt giảm chi tiêu ngân sách thì các đoàn đi công tác nước ngoài cũng đã được giảm xuống, nhưng dường như mới chỉ là cắt giảm kiểu cơ học mà cần phải đặt ra một câu hỏi khác nữa là liệu những đoàn còn lại vẫn “được phép” đi đã thực sự cần thiết và hiệu quả chưa?!