Một trong những chính sách được nhiều giáo viên công tác tại vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn quan tâm trong dự thảo Luật Nhà giáo là quy định về thuyên chuyển. Theo khoản 3 Điều 23 Dự thảo Nhà giáo (dự thảo 5) quy định: “Nhà giáo đã công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 03 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận”.
Hiện nay theo Khoản 1, Điều 9 Nghị định 27/VBHN-BGDĐT ngày 23/12/2014 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định như sau:
“Thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Hết thời hạn công tác nói trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng”.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều giáo viên mặc dù giáo viên đã đáp ứng đủ điều kiện thời gian công tác tại vùng khó khăn. Song việc luân chuyển của giáo viên cũng không hề đơn giản.
Gian nan hành trình luân chuyển giáo viên
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Từ Thị Cẩm Giang (31 tuổi), giáo viên môn Toán, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sơn Điền (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ: “Ngay sau khi tốt nghiệp, năm 2017, tôi được tuyển vào giảng dạy tại trường.
Nhà tôi ở thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) cách trường tôi đang dạy hơn 60 km. Khi đó, tôi vẫn còn độc thân nên khoảng cách địa lý không phải vấn đề quá lớn. Tôi ở nhà công vụ của trường và cuối tuần hoặc dịp lễ Tết mới về thăm nhà.
Tuy nhiên, năm 2020 tôi lập gia đình và sinh con, mọi việc trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Tôi và gia đình chuyển nhà đến nơi khác sống và cách trường 80 km. Con trai tôi năm nay 3 tuổi nhưng tôi chỉ có thể về thăm con vào những ngày cuối tuần. Chồng tôi cũng đi làm cả ngày nên việc chăm con gần như phải nhờ hoàn toàn vào ông bà. Những lúc con bị ốm, tôi rất lo lắng nhưng cũng chỉ có thể gọi điện nói chuyện với con. Con đang ở tuổi cần mẹ nhất nhưng vì trách nhiệm với công việc, tôi vẫn phải ở lại trường dạy học.
Tôi đã 3 lần làm đơn xin chuyển công tác về khu vực thành phố Bảo Lộc để gần nhà và thuận tiện cho việc đi dạy học cũng như chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, do trường tôi muốn chuyển về đã đủ chỉ tiêu giáo viên dạy Toán nên tôi vẫn chưa thể chuyển công tác”.
Theo cô Giang, quy định về luân chuyển giáo viên đến vùng đặc biệt khó khăn được quy định rất rõ ràng, đối với giáo viên nam thực hiện nghĩa vụ 5 năm công tác và giáo viên nữ là 3 năm. Khi hết thời gian này, giáo viên sẽ được xem xét thuyên chuyển về vùng thuận lợi. Tuy nhiên, cô Giang đã công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sơn Điền đến nay gần 8 năm nhưng vẫn chưa được chuyển như nguyện vọng.
Nữ giáo viên bày tỏ mong muốn lãnh đạo các cấp quan tâm hơn đến giáo viên vùng khó khăn, để giáo viên có cơ hội được gần gia đình hơn sau thời gian dài công tác xa nhà. Điều này không chỉ giúp ổn định cuộc sống cá nhân mà còn tạo động lực để giáo viên nỗ lực hơn.

Trong khi đó, thầy Lê Đình Thành, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (xã Cư Amung, huyện EaH’leo, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hiện nay, nhà trường có tổng cộng 34 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trong đó, có 8 giáo viên là người dân địa phương, số còn lại là thầy cô từ nơi khác chuyển đến và đa số đều mong muốn được chuyển về nơi thuận lợi hơn để gần gia đình.
“Năm học 2023-2024, nhà trường có 7 hồ sơ giáo viên xin chuyển công tác, nhưng chỉ 2 trường hợp được duyệt, còn lại 5 hồ sơ vẫn trong danh sách chờ duyệt. Nhiều giáo viên đã công tác tại trường hơn 5 năm, người có thời gian gắn bó lâu nhất với trường đã hơn 15 năm nhưng vẫn chưa được luân chuyển về nơi mong muốn.
Việc luân chuyển giáo viên không phải chỉ cần đủ năm công tác là được xét duyệt mà còn phụ thuộc vào nhu cầu tuyển dụng nhà giáo của từng địa phương. Nếu trường ở xã, huyện gần nhà đã đủ chỉ tiêu, dù giáo viên vùng đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện cũng khó có cơ hội được luân chuyển.
Mong muốn được về gần gia đình, đặc biệt là với các nữ giáo viên là nhu cầu chính đáng. Khi nguyện vọng này chưa được đáp ứng, nhiều người rơi vào trạng thái lo lắng, hụt hẫng, thậm chí chán nản, từ đó ảnh hưởng đến tinh thần giảng dạy”, thầy Thành cho biết.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) cho biết, từ năm 2020 đến nay, địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu chuyển công tác cho giáo viên.
Tuy nhiên, vẫn còn 45 trường hợp chưa được luân chuyển theo nguyện vọng, do một số nguyên nhân như: nơi giáo viên xin chuyển đến không có vị trí hoặc đã đủ chỉ tiêu; bộ môn giáo viên dạy tại đơn vị đang công tác thiếu giáo viên….
Đối với những giáo viên có nguyện vọng chuyển công tác nhưng chưa được giải quyết, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa vào danh sách ưu tiên cho các đợt điều chuyển tiếp theo để giáo viên sớm ổn định cuộc sống và yên tâm công tác hơn.

Rất cần chính sách luân chuyển hợp lý, hợp tình
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, việc luân chuyển giáo viên cũng đặt ra thách thức cho công tác nhân sự tại các trường vùng khó. Khi giáo viên cũ rời đi, việc tuyển giáo viên mới gặp khó khăn do điều kiện làm việc tại nhà trường còn nhiều thiếu thốn và chế độ đãi ngộ chưa đủ thu hút. Việc thiếu hụt giáo viên kéo dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Để đảm bảo ổn định đội ngũ giảng dạy, rất cần chính sách điều động giáo viên theo nguyên tắc luân phiên: giáo viên đã công tác đủ thời gian quy định sẽ được tạo điều kiện chuyển về nơi thuận lợi, đồng thời có giáo viên mới thay thế để tránh tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Việc luân chuyển giáo viên cần được thực hiện trên nguyên tắc hài hòa giữa lý và tình. Về lý, cần đảm bảo công bằng trong điều động, tránh tình trạng giáo viên “cắm bản” nhiều năm vẫn chưa được điều chuyển. Luân chuyển hợp lý giúp duy trì đội ngũ giảng dạy ổn định, đảm bảo chất lượng giáo dục ở cả vùng thuận lợi và vùng đặc biệt khó khăn.
Về tình, chính sách luân chuyển cần cân nhắc hoàn cảnh cá nhân của giáo viên, đặc biệt là những người có con nhỏ, gia đình neo đơn hoặc điều kiện đi lại khó khăn. Cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để giáo viên nhận nhiệm vụ tại vùng cao không bị quá nhiều trở ngại, đồng thời những người đã công tác đủ thời gian có cơ hội được về gần nhà, ổn định cuộc sống.
Khi lý và tình được dung hòa, chính sách luân chuyển không chỉ đảm bảo chất lượng giáo dục mà còn giúp giáo viên an tâm cống hiến lâu dài.

Về phía Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho rằng, hiện nay, rất cần một chính sách cụ thể, linh hoạt về điều động nhà giáo của các cơ sở giáo dục công lập nhằm đảm bảo sự công bằng cho giáo viên và hạn chế tình trạng giáo viên phải “cắm bản” quá lâu.
Để chính sách này đạt hiệu quả, các văn bản hướng dẫn từ cấp trên cần phải rõ ràng, chi tiết và phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng miền cũng như các nhóm trường hợp cụ thể. Điều này giúp đảm bảo tính khả thi khi triển khai và không gây khó khăn cho các bên liên quan.
Một điểm mới nổi bật trong dự thảo Luật Nhà giáo là đề xuất giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.
Đánh giá về điểm mới này, ông Sơn cho biết, hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên tại địa phương do Ủy ban nhân dân huyện Mường Tè trực tiếp thực hiện, Sở Nội vụ tham mưu và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đề xuất số lượng tuyển dụng và cử đại diện lãnh đạo tham gia hội đồng tuyển dụng. Do đó, dẫn đến một số hạn chế trong công tác quy hoạch phát triển đội ngũ, tuyển chọn, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, xếp loại, thực hiện chế độ đãi ngộ với giáo viên.
Nếu đề xuất giao quyền tuyển dụng sử dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục được thực thi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngành Giáo dục cho việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt chất lượng giáo dục vùng khó khăn. Mặt khác, cần có điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ của Phòng Giáo dục và đào tạo và phân quyền cụ thể để tránh chồng chéo nhiệm vụ của các cơ quan liên quan.