Vừa qua, tại Phiên thảo luận về Luật Nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã làm nóng diễn đàn khi đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu và quy định rành mạch hơn về luân chuyển, điều động giáo viên công tác ở vùng sâu, xa, miền núi, đặc biệt khó khăn và hơn thế là việc bố trí trở về.
“Nêu có vẻ đúng, nhưng đặt trường hợp nhiều nơi không đồng ý, lấy đủ lý do như đủ biên chế, không cần chuyên ngành đó, dẫn đến có tình trạng cô giáo 10 năm, 20 năm vẫn cắm bản. Lần này ta làm Luật Nhà giáo và sau này là Luật Giáo dục phải tháo cho được chỗ này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến. [1]
Trong khi đó, theo Khoản 3 Điều 23 Dự thảo Nhà giáo (dự thảo 5) về thuyên chuyển nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập quy định: “Nhà giáo đã công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 03 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận”.
Tuy nhiên, trên thực tế quy định này chỉ thực hiện được một thời gian ngắn. Khi tại các vùng thuận lợi đã tuyển đủ và dôi dư, việc giáo viên từ vùng sâu, vùng xa xin về miền xuôi khó khăn hơn, thậm chí không được tiếp nhận.
Luân chuyển giáo viên là cần thiết nhưng cần có sự linh hoạt
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Thủy - giáo viên dạy môn Mỹ thuật, Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Yên Bái, cô nhận quyết định công tác tại trường. Tính đến nay, cô đã "cắm bản" ở ngôi trường này được 13 năm.

Theo cô Thủy, khi mới đi làm, cô rất bất ngờ trước điều kiện cơ sở vật chất và môi trường sinh hoạt tại địa phương. Năm 2012, đường sá đi lại rất khó khăn, đặc biệt là vào thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, phần lớn học sinh của trường đều là người dân tộc thiểu số, trong đó số lượng em thông thạo tiếng phổ thông rất ít. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng chủ yếu sử dụng tiếng địa phương, điều này dẫn đến sự bất đồng trong giao tiếp giữa giáo viên và cha mẹ học sinh.
“Hiện tại, tôi vẫn độc thân và sống một mình ở đây, còn gia đình đang sinh sống ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Mấy năm nay, gia đình tôi khá lo lắng chuyện lập gia đình cho con gái và mong muốn tôi có thể xin chuyển công tác về gần nhà. Tuy nhiên, việc chuyển công tác không hề dễ dàng vì các trường học tại quê hầu như không có nhu cầu tuyển giáo viên. Dù vậy, tôi vẫn muốn tiếp tục công tác trong ngành giáo dục, bởi nếu chuyển về quê mà không có cơ hội giảng dạy thì đó sẽ là một điều rất đáng tiếc”, cô Thủy chia sẻ.

Nữ giáo viên bày tỏ, không ai muốn công tác ở nơi quá xa nhà, đặc biệt là trong những trường hợp gia đình neo người và cần có người chăm sóc. May mắn, trường cô công tác có nhà công vụ, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên ở xa. Nhờ đó, cô có thể ổn định cuộc sống và tập trung vào công tác giảng dạy.
Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý, cô chỉ có thể về quê vào dịp hè hoặc Tết. Ngoại trừ những trường hợp thực sự cần thiết như khi gia đình có việc quan trọng, cô hầu như ít về thăm nhà thường xuyên do điều kiện đi lại và tài chính còn khó khăn.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Đoàn Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá cho hay, nhà trường đang có tổng số 15 giáo viên, trong đó có một số giáo viên đến từ các huyện khác nhau của tỉnh Thanh Hóa.
Theo thầy Sơn, mặc dù quy định giáo viên luân chuyển từ vùng thuận lợi đến vùng đặc biệt khó khăn sau 3 năm được sắp xếp chuyển về nơi làm việc cũ hoặc đến khu vực thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc chuyển về trường cũ không hề dễ dàng do nhiều nơi đã đủ giáo viên, khiến quá trình điều động gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với những giáo viên trẻ chưa lập gia đình, việc công tác xa trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến kế hoạch ổn định cuộc sống, lập gia đình, dẫn đến tình trạng “đi cũng khó, mà ở lại cũng không dễ”.
“So với các vùng xuôi, điều kiện sinh hoạt và làm việc tại các vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều trường học có hệ thống điểm trường cách xa nhau, thậm chí có nơi giáo viên phải di chuyển hàng chục cây số để đến lớp. Đặc biệt, giáo viên mầm non và tiểu học, nhất là nữ giáo viên có con nhỏ, gặp rất nhiều khó khăn khi công tác tại những khu vực này. Vì vậy, để chính sách luân chuyển thực sự hiệu quả, Nhà nước cần có các cơ chế hỗ trợ hợp lý về chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc và sắp xếp nhân sự để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.
Bên cạnh đó, việc luân chuyển giáo viên cũng cần đảm bảo công bằng, tránh tình trạng một số giáo viên phải đi liên tục, trong khi những người khác không phải luân chuyển. Mặc dù việc luân chuyển có thể mang lại trải nghiệm và giúp giáo viên trưởng thành hơn, nhưng nếu không thực hiện hợp lý, nó có thể gây bất cập, đặc biệt với những giáo viên đã ổn định cuộc sống tại địa phương”, thầy Sơn nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, ông Đinh Công Vương – cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, từ năm 2017 đến nay, công tác luân chuyển giáo viên tại địa phương không còn được thực hiện. Bởi lãnh đạo phòng giáo dục xác định chủ trương giữ nguyên giáo viên tại đơn vị đã được giao biên chế, do đó không có chính sách điều động hoặc luân chuyển giữa các khu vực.
Theo ông Vương, trước năm 2017, việc luân chuyển giáo viên được triển khai theo quy chế cụ thể. Những giáo viên công tác tại vùng khó khăn sau một khoảng thời gian nhất định sẽ được xem xét để trở về vùng thuận lợi. Ngược lại, giáo viên chưa từng giảng dạy tại khu vực khó khăn sẽ được điều động để đảm bảo sự cân bằng trong hệ thống giáo dục.
“Hiện nay, một trong những vướng mắc lớn nhất là tình trạng giáo viên được điều động đến vùng khó khăn nhưng khó trở về khi hết thời gian công tác. Theo quy định, giáo viên giảng dạy tại nơi đặc biệt khó khăn trong 3 năm sẽ được xem xét chuyển về trường cũ hoặc một đơn vị ở vùng thuận lợi. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu trường cũ không còn nhu cầu tuyển, giáo viên sẽ phải tiếp tục công tác tại đơn vị cũ hoặc chờ đợi đợt điều động khác. Từ đó, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên mà còn tác động đến chất lượng giảng dạy.
Nhiều giáo viên cảm thấy áp lực và mất động lực nếu thời gian luân chuyển kéo dài hơn quy định. Đồng thời, việc thiếu cơ chế điều chuyển linh hoạt cũng gây bất cập trong công tác sắp xếp nhân sự”, ông Vương nêu quan điểm.
Tăng cường cơ chế khuyến khích để thu hút giáo viên đến vùng đặc biệt khó khăn
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, để khắc phục tình trạng giáo viên vẫn "cắm bản" 10 năm, 20 năm, cần có những giải pháp đồng bộ, vừa mang tính chiến lược dài hạn, vừa đáp ứng nhu cầu thực tế trước mắt.
Trước hết, chính sách thuyên chuyển, phân bổ giáo viên phải linh hoạt và khoa học hơn, dựa trên nhu cầu thực tế của từng địa phương. Không chỉ dừng lại ở sự tự nguyện, Nhà nước cần đẩy mạnh các cơ chế khuyến khích cụ thể để thu hút giáo viên đến những khu vực khó khăn, đảm bảo quyền lợi và chế độ đãi ngộ phù hợp.
Ngoài ra, cải thiện môi trường làm việc và đời sống giáo viên cũng là yếu tố quan trọng. Bên cạnh việc nâng cao thu nhập, các trường học cần tạo điều kiện để giáo viên phát triển bản thân thông qua các khóa tập huấn, hội thảo chuyên môn, đồng thời xây dựng môi trường làm việc tích cực, tạo động lực để họ cống hiến lâu dài.
“Giải quyết bài toán luân chuyển giáo viên theo thời gian quy định cần có sự tham gia chủ động của các cấp quản lý. Việc ban hành các chính sách hợp lý, hỗ trợ giáo viên đến vùng khó khăn, cùng với đầu tư bài bản vào đào tạo và bồi dưỡng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cống hiến tận tuỵ với ngành giáo dục”, thầy Sơn bày tỏ.
Trong dự thảo Luật Nhà giáo, một đề xuất đáng chú ý là chuyển quyền tuyển dụng giáo viên về cho các cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp thực hiện.
Bày tỏ quan điển về vấn đề trên, Cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, hiện tại, việc tuyển dụng giáo viên phải trải qua nhiều cấp xét duyệt, bao gồm Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu và Sở Nội vụ quyết định, trong khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu chỉ đóng vai trò tham mưu. Quy trình này kéo dài thời gian và gây ra nhiều thủ tục hành chính phức tạp.

Việc phân cấp tuyển dụng về cho cơ quan quản lý giáo dục sẽ giúp công tác tuyển dụng linh hoạt hơn. Ngành giáo dục có thể chủ động đánh giá nhu cầu giáo viên tại từng trường, từ đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng phù hợp, hạn chế tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Tuy nhiên, dù được phân cấp, các cơ quan vẫn cần xin ý kiến và báo cáo cấp trên để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý biên chế.
“Bên cạnh đó, nếu được trao quyền tự chủ tuyển dụng, cơ quan quản lý giáo dục có thể giám sát sát sao hơn tình hình nhân sự trên địa bàn, nắm rõ các trường đang thiếu giáo viên để điều chỉnh chỉ tiêu hợp lý. Hiện tại, do chưa có quyền tự chủ, mỗi đợt tuyển dụng giáo viên đều phải xin ý kiến cấp trên và trải qua nhiều bước xét duyệt, làm chậm quá trình bổ sung nhân sự.
Việc điều chỉnh chính sách luân chuyển giáo viên và phân cấp tuyển dụng kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống giáo dục, đặc biệt là trong việc đảm bảo phân bổ nhân lực hợp lý và tạo động lực cho giáo viên. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, chính sách này cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ các cấp quản lý nhằm hài hòa giữa quyền lợi của giáo viên và nhu cầu giảng dạy thực tế tại địa phương”, ông Vương bày tỏ.