Theo khoản 3, Điều 23 Dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo lần 5) về Thuyên chuyển nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập quy định: “Nhà giáo đã công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 03 năm trở lên được cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý giáo dục theo thẩm quyền giải quyết cho thuyên chuyển khi nơi đến đồng ý tiếp nhận”.
Trước đó, ngày 7/2, trong chương trình phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Dự thảo Luật Nhà giáo cần quy định về luân chuyển gắn với điều động giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn để tránh tình trạng “giáo viên 10 năm, 20 năm vẫn cắm bản”.
Có thầy cô năm nay đã gần 40 tuổi vẫn "cắm bản" chưa lập gia đình
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Ly Ly Pó - giáo viên dạy Tiếng anh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pù Nhi (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Trong 15 năm công tác trong ngành giáo dục, tôi đã dạy ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Lý (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá) được 13 năm.
Mặc dù nhà tôi cách trường khoảng 30km, đường đi khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm cống hiến tận tuỵ với nghề giáo. Tuy nhiên, sau khoảng 10 năm công tác ở đây, tôi nhận thấy công việc của vợ tôi không ổn định, trong khi con còn nhỏ và bố mẹ ngày càng già yếu nên có nguyện vọng chuyển về dạy ở gần nhà để có thời gian chăm sóc gia đình.
Dù vậy, trường ở xã Pù Nhi khi ấy đã đủ giáo viên Tiếng anh nên tôi phải tiếp tục công tác thêm khoảng 3 năm nữa. Đến ngày 1/10/2023, huyện Mường Lát mới xét nguyện vọng của tôi và đồng ý cho tôi chuyển về trường hiện tại để gần nhà, thuận tiện đi lại”.
![Thầy Ly Ly Pó - giáo viên dạy Tiếng anh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pù Nhi (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: NVCC z6309917962854_020d6fc70830cb106af6beaa921713e0.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/yecqdcqdh/2025_02_14/z6309917962854-020d6fc70830cb106af6beaa921713e0-3240-6101.jpg)
Theo thầy Pó, trong trường có nhiều thầy cô đến từ thành phố Thanh Hóa hoặc các huyện khác của tỉnh Thanh Hóa đã công tác nhiều năm. Mặc dù trong cùng 1 tỉnh nhưng quãng đường di chuyển từ thành phố Thanh Hóa đến huyện Mường Lát rơi vào khoảng 200km, còn lên đến trường học ở xã Pù Nhi thì thêm khoảng 50km về phía giáp biên giới với Lào. Trong khi đó, theo quy định của trường, giáo viên phải đi làm từ thứ 2 đến hết sáng thứ 7. Do đó, thầy cô chỉ có thể tranh thủ về thăm nhà từ chiều thứ 7 và đến tối chủ nhật phải có mặt để chuẩn bị bài giảng cho tuần mới.
Trước đây, giao thông còn khó khăn, ít phương tiện di chuyển nên có khi hơn 1 tháng các thầy cô mới về thăm nhà 1 lần. Tuy nhiên, hiện nay, đường sá đã thuận tiện hơn, song với khoảng cách địa lý rất xa trung tâm, nhiều giáo viên cũng ngại về thường xuyên vì vấn đề sức khỏe như say xe, mệt mỏi hay sợ tốn kém chi phí.
“Về đời sống cá nhân của giáo viên, có một số thầy năm nay đã gần 40 tuổi vẫn "cắm bản" chưa lập gia đình, bởi ở các vùng đặc biệt khó khăn, số lượng giáo viên là nữ rất ít. Do đó, ai trong số họ đều mong mỏi được chuyển công tác về xuôi để thuận tiện trong việc tìm hiểu bạn đời và kết hôn.
Ngoài ra, mặc dù trường ở vùng sâu vùng xa có nhà công vụ để giáo viên ở sau thời gian lên lớp, nhưng điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Thông thường, một phòng sẽ có khoảng 2-4 thầy hoặc cô ở ghép chung với nhau vì số lượng phòng ít. Bên cạnh đó, đối với trường hợp 2 giáo viên là vợ chồng, nhà trường sẽ phân cho ở 1 phòng riêng.
Dù còn nhiều điều kiện khó khăn nhưng hiện nay Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều cải thiện so với trước đây. Điều này đã giúp thầy cô được động viên rất nhiều . Về mức lương, giáo viên công tác tại vùng cao, vùng biên giới có thể đạt thu nhập khoảng 17-18 triệu đồng/tháng, trong khi nếu dạy ở vùng xuôi chỉ còn khoảng 7-8 triệu đồng/tháng”, thầy Pó cho hay.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Bùi Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) cho biết, hiện tại số giáo viên không phải là người địa phương chiếm khoảng 30% tổng số giáo viên trong trường. Đa số các thầy cô thuộc nhóm này đều có nguyện vọng về xuôi công tác, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển công tác nằm ở khâu tiếp nhận tại nơi họ muốn quay về.
Theo cô Hường, chính quyền địa phương ở đây đều hoàn toàn ủng hộ việc luân chuyển giáo viên nếu họ đã công tác đủ số năm theo quy định. Tuy nhiên, về phía nơi tiếp nhận, nhiều địa phương đã đủ giáo viên, không có nhu cầu tuyển thêm. Do đó, mặc dù nhiều giáo viên mong muốn được luân chuyển, nhưng do điều kiện ở nơi tiếp nhận không phù hợp nên họ vẫn tiếp tục làm việc ở vùng khó khăn. Đến nay, nhiều thầy cô đã cắm bản đến cả chục năm.
“Khi một giáo viên từ vùng thuận lợi lên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Trong đó, phương pháp dạy học dành cho học sinh ở vùng thuận lợi sẽ khác so với vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, điều kiện học tập của học sinh ở hai vùng cũng có sự chênh lệch rất lớn. Đối với vùng khó khăn như huyện Si Ma Cai, Nhà nước đã có sự đầu tư đáng kể về vật chất, trang thiết bị học tập và giảng dạy.
Tuy nhiên, về mặt tinh thần, giáo viên chưa nhận được nhiều sự động viên từ phụ huynh. Do đó, ngoài đảm nhận công tác giảng dạy, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn còn phải làm thêm những công việc khác như xây dựng khuôn viên trường lớp, lao động vệ sinh, dọn dẹp nhà vệ sinh... Nếu lớp học nhỏ, giáo viên phải tự làm, còn lớp lớn hơn thì giáo viên phải hướng dẫn học sinh làm. Chưa kể, nhiều thầy cô chấp nhận công tác xa nhà vài trăm cây số, gây ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống cá nhân của họ”, cô Hường bày tỏ.
Trao quyền tuyển dụng giáo viên cho cơ quan quản lý giáo dục sẽ giúp cân đối nhân lực
Ông Hà Đình Phong - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang nhận định, việc thuyên chuyển, điều động giáo viên cần tránh tình trạng thầy cô 10 năm, 20 năm vẫn cắm bản là một tín hiệu đáng mừng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành giáo dục.
![Ông Hà Đình Phong - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Mộc Trà) p-103.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/yecqdcqdh/2025_02_14/p-103-2461-758.jpg)
(Ảnh: Mộc Trà)
Theo ông Phong, huyện vẫn đảm bảo điều kiện tốt nhất cho giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn bằng việc được hưởng các chế độ phụ cấp theo quy định Nhà nước, đồng thời thường xuyên hỏi thăm, trao quà động viên vào những dịp lễ.
“Tôi cho rằng, việc điều động, luân chuyển giáo viên là một chính sách quan trọng nhằm cân đối nguồn nhân lực giữa các vùng miền, đặc biệt ở những khu vực khó khăn. Tuy nhiên, quá trình này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực từ các giáo viên mà còn cần có những chính sách linh hoạt từ cơ quan quản lý để khuyến khích giáo viên công tác tại các địa bàn thiếu nhân lực.
Bên cạnh đó, cuộc sống cá nhân của giáo viên cũng bị ảnh hưởng lớn về tâm lý khi phải công tác xa nhà trong thời gian dài. Đặc biệt, những giáo viên đã gắn bó nhiều năm với vùng đặc biệt khó khăn sẽ gặp không ít áp lực tinh thần và những tác động đến cuộc sống riêng tư. Vì vậy, việc luân chuyển cần được thực hiện theo kế hoạch rõ ràng, có sự hỗ trợ từ nhà nước và chính quyền địa phương, đồng thời đi kèm với các chính sách đãi ngộ hợp lý để động viên giáo viên”, ông Phong chia sẻ.
Ngoài ra, dự thảo Luật Nhà giáo cũng đề cập đến việc giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục với mục tiêu giúp các địa phương chủ động hơn trong việc lựa chọn giáo viên phù hợp với nhu cầu thực tế.
Theo Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, chính sách này sẽ không chỉ giúp khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên giữa các vùng mà còn đảm bảo chất lượng giáo dục. Khi có quyền tuyển dụng trực tiếp, các trường học và cơ quan quản lý giáo dục địa phương sẽ dễ dàng điều chỉnh số lượng và chuyên môn giáo viên theo yêu cầu cụ thể, thay vì phải chờ phê duyệt từ cấp cao hơn.
“Giáo dục là quốc sách hàng đầu, do đó, nếu không giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục sẽ rất khó thực hiện tốt các chính sách này. Bởi, các cơ quan quản lý giáo dục mới hiểu rõ nhất về nhu cầu nhân sự của từng cơ sở, từ đó đưa ra những quyết định tuyển dụng hợp lý, nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Đối với các trường chất lượng cao, việc được tự chủ tuyển chọn giáo viên phù hợp cũng là một điều kiện quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện điều động, luân chuyển giáo viên một cách hợp lý, việc trao quyền tuyển dụng trực tiếp cho các cơ quan quản lý giáo dục sẽ là giải pháp căn cơ giúp khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng giáo dục bền vững”, ông Phong bày tỏ.