Trường ĐH Văn Lang đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc theo 2 định hướng chuyên sâu

20/02/2025 13:29
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Chương trình đào tạo của Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc, VLU được xây dựng theo 2 định hướng chuyên sâu là giảng dạy tiếng Hàn và Biên - Phiên dịch tiếng Hàn.

Trong bối cảnh mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang ngày càng phát triển, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc đang trở thành một ngành học có sức hút mạnh mẽ với giới trẻ Việt Nam.

Ngôn ngữ Hàn Quốc là ngành học đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. Khi theo học ngành này sinh viên được đào tạo để sử dụng thành thạo 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết tiếng Hàn và các kỹ năng, phương pháp giao tiếp làm việc bằng tiếng Hàn.

Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc có vai trò quan trọng trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang chia sẻ, quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc hiện nay đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 12/1992).

Đặc biệt, tháng 12/2022, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Trong bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu văn hóa, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc có vai trò quan trọng khi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cả về chuyên môn và nghiệp vụ. Nguồn nhân lực này chính là cầu nối, giúp mối quan hệ giữa hai nước ngày càng khắng khít ở mọi lĩnh vực.

Trường Đại học Văn Lang với triết lý đào tạo là thông qua học tập trải nghiệm để đào tạo sinh viên trở thành những con người toàn diện, có đạo đức, có khả năng học tập suốt đời và có sức ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Đi cùng triết lý này, nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc mang tính ứng dụng, gắn liền với thực tiễn.

Hiện nay, chương trình đào tạo của Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc tại trường được xây dựng theo hai định hướng chuyên sâu là giảng dạy tiếng Hàn và Biên - Phiên dịch tiếng Hàn.

Kể từ khi tiếng Hàn trở thành một trong 7 ngoại ngữ chính thức của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhu cầu về đội ngũ giáo viên tiếng Hàn ngày càng lớn. Nắm bắt nhu cầu này, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc đào tạo chuyên sâu định hướng giảng dạy tiếng Hàn của trường nhằm cung cấp nguồn nhân lực giáo viên có chuyên môn cho các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có đào tạo ngoại ngữ tiếng Hàn trong cả nước.

Còn với định hướng Biên - Phiên dịch tiếng Hàn, trường trang bị cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức cần thiết để làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp trong môi trường đa ngôn ngữ và đa văn hóa ngày nay.

Sinh viên cả hai chuyên ngành sâu này đều được trang bị kiến thức ngôn ngữ học và đất nước học (văn hoá, xã hội, lịch sử, kinh tế, thương mại), được rèn luyện các kỹ năng cần thiết để làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.

Bên cạnh thời gian học lý thuyết và thực hành tại trường, sinh viên còn tham gia nhiều hoạt động thực tế như tham quan kiến tập, tư vấn hướng nghiệp, workshop chuyên ngành, các hoạt động giao lưu học thuật và văn hoá, nghiên cứu khoa học.

Đồng thời, khoa cũng thường xuyên tổ chức các workshop liên quan đến chuyên ngành biên phiên dịch, giảng dạy tiếng Hàn với sự hướng dẫn của các chuyên gia trong và ngoài trường, trong và ngoài nước để nâng cao năng lực chuyên môn cho sinh viên.

Ảnh minh họa: nguồn website nhà trường
Ảnh minh họa: nguồn website nhà trường

Chia sẻ về điểm khác biệt của ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Trường Đại học Văn Lang, thầy Tuấn cho biết, sinh viên được học trong môi trường học tập năng động, nhà trường luôn tạo điều kiện để sinh viên phát huy được tài năng và cá tính của bản thân.

Nhà trường trang bị cơ sở vật chất hiện đại, sử dụng các công nghệ mới nhất để nâng cao trải nghiệm giáo dục cho sinh viên. Ngoài ra, sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc còn được học với các thiết bị phục vụ cho chuyên ngành như phòng học tương tác thông minh, phòng thực hành biên phiên dịch chuyên dụng, thư viện chuyên ngành với hàng nghìn đầu sách.

Với mục tiêu ứng dụng công nghệ vào đào tạo và nâng cao năng lực tự chủ của sinh viên, hiện nay, 100% các học phần của sinh viên Ngôn ngữ Hàn Quốc đều học theo hình thức blended learning (học tập kết hợp) giúp sinh viên tự học mọi lúc mọi nơi, đồng thời thực hành và kiểm tra đều theo hình thức trực tuyến, đảm bảo được tính tiện lợi và chuẩn xác về nội dung.

Ngoài ra, sinh viên còn được học tập với đội ngũ giảng viên người Việt và người Hàn ưu tú, nhiều kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, 100% giảng viên của Khoa có trình độ thạc sĩ trở lên và đều xuất thân từ các trường đại học, cơ quan đào tạo uy tín tại Việt Nam và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, thầy cô của Khoa không chỉ chuyên tâm trong công tác giảng dạy mà còn chuyên tâm trong công tác nghiên cứu khoa học. Các giảng viên của Khoa đều nhiệt huyết trong việc truyền đạt kiến thức, quan tâm đến việc chia sẻ kinh nghiệm thực tế, tạo cảm hứng trong học tập và nghiên cứu cho sinh viên.

Ngoài các giảng viên cơ hữu, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc còn định kỳ thường xuyên mời các giáo sư, chuyên gia từ các trường đại học danh tiếng tại Hàn Quốc và thế giới để giảng dạy hoặc thuyết giảng chuyên đề, giúp sinh viên được tiếp cận với kiến thức và phương pháp giảng dạy đa dạng.

Trường Đại học Văn Lang trong thời gian qua đã không ngừng tìm kiếm và kết nối với nhiều trường đại học hàng đầu tại Hàn Quốc và các nước khác.

Một số đối tác của trường có thể kể đến như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Quốc gia Kangwon, Đại học Quốc gia Chonnam, Đại học Sejong, Đại học Dankook, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, Đại học Ngoại ngữ Busan, Đại học Pai Chai, Đại học Hannam, Đại học Samyook, Đại học Monash (Úc)..... Trường Đại học Văn Lang đã ký kết MOU với hơn 40 trường đại học của Hàn Quốc, tạo thêm nhiều hoạt động học tập, giao lưu và đặc biệt là cơ hội du học trao đổi theo diện miễn phí 100% học phí cho sinh viên.

Việc học ngoại ngữ đòi hỏi tính kiên trì và nhẫn nại

Theo thầy Tuấn, để học tập và vận dụng tốt bất cứ chuyên ngành nào, điều quan trọng nhất các bạn trẻ cần cân nhắc khi lựa chọn một chuyên ngành đó chính là bản thân mình có những tố chất mà ngành yêu cầu hay không.

Vì vậy, sinh viên trước hết cần có sự đam mê và yêu thích đối với ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, đây chính là động lực lớn nhất giúp các bạn “giữ lửa” trong học tập.

Việc học ngoại ngữ cũng đòi hỏi tính kiên trì và nhẫn nại, nếu kiên trì học tập và rèn luyện, sinh viên sẽ sớm chinh phục được tiếng Hàn và có thể sử dụng tiếng Hàn trong công việc và xây dựng sự nghiệp.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp được làm việc trong môi trường quốc tế, vì thế, các bạn cũng cần trang bị các kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm như làm việc nhóm, diễn thuyết, quản lý thời gian để đạt được hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần hình thành thái độ chuyên nghiệp, luôn đối mặt với các vấn đề một cách cởi mở và tích cực, không ngừng học tập để nâng cao năng lực của bản thân. Như vậy các bạn mới có thể dễ dàng thích nghi được với văn hóa doanh nghiệp của người Hàn Quốc.

Đánh giá về nhu cầu nhân lực của ngành học này, theo thầy Tuấn, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, hiện nay có hơn 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở đa dạng các lĩnh vực. Việt Nam cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á đối với du khách Hàn Quốc.

Do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực thành thạo tiếng Hàn, am hiểu về văn hóa Hàn Quốc ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, hiện nay tiếng Hàn đang ngày càng được mở rộng giảng dạy ở bậc phổ thông các khu vực trên cả nước từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến Thành phố Hải Phòng hay Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Cần Thơ,...

Trong thời gian tới, nhu cầu giáo viên tiếng Hàn bậc phổ thông rất cao. Như vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc có thể làm việc ở đa dạng các vị trí công việc tại các cơ sở như: trường học, doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao, cơ quan y tế, ngân hàng, công ty du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ quan ngôn luận và truyền thông, tổ chức phi chính phủ…

Trường Đại học Văn Lang chú trọng tạo cơ hội cho sinh viên trải nghiệm môi trường làm việc thực tế thông qua các chương trình tham quan kiến tập và tư vấn hướng nghiệp định kỳ từng học kỳ, kết hợp học kỳ thực tập tại doanh nghiệp và trường học, giúp sinh viên định hướng được nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Là một trong những đơn vị tiên phong đưa kiến tập và tư vấn hướng nghiệp vào đào tạo, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc chủ động tạo dựng mối quan hệ hợp tác với đối tác là các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng, các trường học và các cơ sở đào tạo tiếng để sinh viên kiến tập và thực tập, cũng như trực tiếp được tư vấn bởi các chuyên gia trong từng lĩnh vực.

Bên cạnh học tập, Khoa còn hướng đến đào tạo đội ngũ thủ lĩnh sinh viên và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên với các câu lạc bộ theo sở thích và sở trường của các bạn trẻ như: Câu lạc bộ Woori Kome chuyên về truyền thông, Câu lạc bộ Woori Arts chuyên về văn hoá nghệ thuật, Câu lạc bộ Woori Study chuyên về học thuật, Câu lạc bộ Woori Shine chuyên về hoạt động thiện nguyện, Câu lạc bộ Woori Samulnori chuyên về nhạc cụ truyền thống.

Giao lưu văn hoá và hoạt động thiện nguyện kết nối sinh viên Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Dankook (Hàn Quốc). Ảnh: Website nhà trường
Giao lưu văn hoá và hoạt động thiện nguyện kết nối sinh viên Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Dankook (Hàn Quốc). Ảnh: Website nhà trường

Đặc biệt, sau thỏa thuận hợp tác với Đại học Quốc gia Kangwon, Trường Đại học Văn Lang và đối tác đã tạo điều kiện cho nhiều sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, ngành Đông phương học chuyên ngành Hàn Quốc học được trải nghiệm học tập tại xứ sở kim chi với học bổng miễn giảm 100% học phí kỳ trao đổi. Đây là nguồn động viên lớn giúp sinh viên Văn Lang quyết tâm phấn đấu hơn trong quá trình học tập.

Với một sinh viên sắp bước chân vào thị trường lao động, Bảo Thy, sinh viên năm 4 ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học Văn Lang chia sẻ, xác định theo đuổi con đường phiên dịch chuyên nghiệp, vì vậy Thy luôn tìm cách đặt bản thân vào môi trường sử dụng tiếng Hàn nhiều nhất có thể.

Không chỉ dừng lại ở việc học trên lớp, em chủ động luyện tập bằng cách xem tin tức, chương trình thực tế bằng tiếng Hàn, nghe podcast để làm quen với nhiều giọng điệu và cách diễn đạt khác nhau. Ngoài ra, em cũng thực hành dịch những nội dung đời sống hằng ngày, tập diễn đạt lại một cách tự nhiên và mạch lạc hơn. Em tin rằng việc rèn luyện không ngừng và tiếp xúc thực tế thường xuyên sẽ giúp mình tiến gần hơn đến mục tiêu đã đặt ra.

Theo Thy, khi học Ngôn ngữ Hàn Quốc, điều quan trọng nhất không phải chỉ là thuộc thật nhiều từ vựng hay nắm chắc ngữ pháp, mà là biết cách sử dụng tiếng Hàn một cách linh hoạt trong nhiều tình huống khác nhau. Tiếng Hàn có hệ thống kính ngữ phức tạp, nhiều sắc thái biểu đạt tinh tế, nên nếu chỉ học theo sách vở mà không ứng dụng vào thực tế thì rất dễ rơi vào tình trạng “hiểu nhưng không dùng được”.

"Ngoài tiếng Hàn, em nghĩ sinh viên ngành này cũng cần trang bị kiến thức về văn hóa, lịch sử, xã hội Hàn Quốc. Ví dụ, khi dịch một bài viết về kinh doanh, nếu không hiểu văn hóa làm việc của người Hàn thì rất dễ dịch sai sắc thái.

Lúc mới vào học, em chủ yếu tập trung vào sách vở, nhưng sau một thời gian, em nhận ra rằng nếu chỉ học lý thuyết mà không thực hành thì rất khó tiến bộ. Vì vậy, em chủ động tham gia các cuộc thi hùng biện, hỗ trợ ngôn ngữ tại các chương trình tình nguyện và giao lưu với sinh viên Hàn Quốc để nâng cao kỹ năng thực tế.

Ngoài ra, em cũng tham gia các câu lạc bộ học thuật để trau dồi kỹ năng giao tiếp, chia sẻ kiến thức và học hỏi từ các thành viên trong câu lạc bộ. Những trải nghiệm này giúp mình không chỉ cải thiện tiếng Hàn mà còn tự tin hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ này trong nhiều bối cảnh khác nhau", Thy chia sẻ.

Thu Trang