Lan tỏa tình yêu chủ quyền lãnh thổ đến thế hệ trẻ

17/02/2021 09:49
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuỗi hội thảo: “Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông” đã lan tỏa tình yêu biển đảo đến thế hệ trẻ.

“Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông" là chuỗi hội thảo do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các đơn vị trường học, Đoàn thanh niên, các trường đại học… tổ chức đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giáo dục, lan tỏa tình yêu biển, đảo đến thế hệ trẻ, nhất là đối tượng học sinh.

Với vị diễn giả đặc biệt là Tiến sĩ Trần Công Trục, Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chuyên gia hàng đầu về biên giới lãnh thổ và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982, chuyên gia hàng đầu về biên giới, lãnh thổ, các cuộc hội thảo đều được các nhà trường, đơn vị tổ chức đánh giá cao về cả nội dung và hình thức.

Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ với học sinh trường Hiệp Hòa số 3. Ảnh: LC

Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ với học sinh trường Hiệp Hòa số 3. Ảnh: LC

Với 20 cuộc hội thảo, gần 20.000 lượt người nghe, mỗi cuộc hội thảo được đánh giá là một sự kiện quan trọng của đơn vị tổ chức.

Không chỉ truyền tải những kiến thức rộng lớn và chuyên sâu chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, Tiến sĩ Trần Công Trục đã truyền tải lòng yêu nước và phương pháp “yêu nước bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh” đối với thế hệ trẻ.

Các cuộc hội thảo đều có lan toả lớn nhất là thế hệ trẻ, qua đó góp phần xây dựng lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương, nâng cao trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm cao cả mà còn là vinh dự của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong đó có các em học sinh - thế hệ tương lai của đất nước.

Chuỗi hội thảo được tổ chức với mong muốn làm cho mọi người hiểu rõ được vị trí vai trò của chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển trên Biển Đông.

Có nhiều khái niệm pháp lý chuyên ngành chưa được hiểu đúng, dẫn đến những trở ngại cho những ai quan tâm khi tiếp cận các thông tin và đánh giá các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển..."

Với cách diễn đạt dễ hiểu, Tiến sĩ Trần Công Trục đã làm rõ nhiều khái niệm về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các vùng biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982....trên Biển Đông.

Tiền sĩ Trần Công Trục cũng hệ thống lại quá trình Nhà nước Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như tranh chấp nảy sinh từ thời điểm Trung Quốc và một số nước khác xâm chiếm bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bằng sự phân tích một cách lo-gic, khoa học Tiến sĩ Trần Công Trục đã bác bỏ tất cả lập luận của phía Trung Quốc yêu sách "chủ quyền" với 2 quần đảo này cũng như đường lưỡi bò trên Biển Đông trái với luật pháp quốc tế như thế nào.

Cũng qua buổi hội thảo, Tiến sĩ Trần Công Trục nhắn nhủ: “các em là thế hệ trẻ cần phải thể hiện lòng yêu nước bằng các hành động thiết thực như tích cực trau dồi kiến thức về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, hăng say lao động, học tập.

Tiến sĩ Trần Công Trục đưa ra những khái niệm pháp lý chuyên ngành giúp các sinh viên Đại học Hải Phòng hiểu đúng các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển. (Ảnh: Lã Tiến)

Tiến sĩ Trần Công Trục đưa ra những khái niệm pháp lý chuyên ngành giúp các sinh viên Đại học Hải Phòng hiểu đúng các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển. (Ảnh: Lã Tiến)

Mỗi chúng ta trước tiên phải tập trung hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mình tùy từng cương vị của mỗi người. Khi cần, chúng ta sẽ đáp lại lời sông núi, sẵn sàng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta”.

Qua những buổi hội thảo, cán bộ, giáo viên, học sinh các nhà trường, cán bộ Đoàn thanh niên đã củng cố thêm lập trường, quan điểm đúng đắn để không bị lung lay trước các thông tin, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, mạnh dạn đấu tranh chống lại các thế lực phản động, chống phá Đảng, Nhà nước bằng các hành động thiết thực phù hợp với quy định của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Các buổi hội thảo đều được các đơn vị nhà trường, đơn vị Đoàn thanh niên đánh giá cao.

Thầy Phạm Văn Hy, hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Quang Trung (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) đánh giá: “Một sự kiện trọng đại của thầy và trò trường cấp 3 Quang Trung” bởi đây là lần đầu tiên hơn 1300 học sinh của trường được lắng nghe một chuyên gia đầu ngành chia sẻ về các vấn đề liên quan đến Biển Đông”.

Tại vùng cao Sơn Động của Bắc Giang, sau buổi hội thảo, thầy Nguyễn Đình Linh, Bí thư chi Bộ, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3 bày tỏ: “những kiến thức mà Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ đã giúp các thầy cô giáo, các em học sinh trong nhà trường hiểu rõ hơn về chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán, quyền và lợi ích hợp pháp của nước ta trên Biển Đông.

Những kiến thức được nghe, được đọc nhiều, tưởng chừng như đã biết nhưng khi nghe Tiến sĩ Trần Công trục trình bày, nhiều thầy cô và bản thân tôi cũng thấy mình hiểu còn chưa đầy đủ”.

Thầy giáo Phạm Minh Tuân, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 3 (Hiệp Hòa, Bắc Giang) cũng đánh giá buổi Hội thảo đã góp phần hoàn thiện kiến thức cho các thầy cô giáo, học sinh nhà trường.

“Những kiến thức tưởng chừng như rất gần gũi, đơn giản nhưng để hiểu đúng, trúng trong công tác đấu tranh và bảo vệ đất nước không hề đơn giản. Những kiến thức quý báu này sẽ là hành trang để các em học sinh trở thành những tuyên truyền viên, góp một phần vào công tác bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông”, thầy Tuân cho biết.

Mỗi buổi hội thảo là một buổi học ngoại khóa bổ ích đối với học sinh, thầy cô giáo các trường. Ảnh: LC

Mỗi buổi hội thảo là một buổi học ngoại khóa bổ ích đối với học sinh, thầy cô giáo các trường. Ảnh: LC

Tiến sĩ Đoàn Quang Mạnh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng đã đánh giá: “Trường Đại học Hải Phòng đang thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng thông qua hướng đi tự chủ, hội nhập, hợp tác để phát triển.

Do đó, các cán bộ, giảng viên và các em sinh viên cần nhận thức đúng, sâu sắc của về chủ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, cũng như tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Từ đó tạo ra sự đồng thuận, kiên định, nhất quán, phát huy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với việc bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp thiêng liêng của Tổ quốc”.

Qua đó giúp mỗi thành viên của Trường Đại học Hải Phòng tự tin, chủ động, tích cực trong khối đoàn kết hợp tác và cùng phát triển, hội nhập với khu vực và thế giới”.

Thầy Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã đánh giá buổi hội thảo chắc chắn giúp cán bộ, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nâng cao nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Các bạn sinh viên, thế hệ tương lai hiểu rõ được trách nhiệm của mình đối với quê hương, biển đảo đất nước.

Trần Phương