“Đúng, trúng, xứng tầm”: Mở đường cho giáo dục tư thục phát triển bền vững

23/07/2025 11:04
Doãn Nhàn
Theo dõi trên Google News

GDVN - Làm sao để giáo dục tư thục vươn mình phát triển mạnh mẽ và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước trong kỷ nguyên vươn mình?

Đó câu hỏi được bàn luận tại Tọa đàm “Giáo dục tư thục trong kỷ nguyên vươn mình: Từ chính sách đến thực tiễn”. Sự kiện do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, diễn ra chiều ngày 22/7.

Tọa đàm có sự tham dự của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội; ông Lê Như Tiến – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội); ông Trịnh Ngọc Thạch - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội).

Cùng với đó là sự tham gia của hơn 40 thầy, cô là lãnh đạo, đại diện nhiều trường, hệ thống giáo dục tư thục, tập đoàn giáo dục: Hệ thống Giáo dục Newton; Hệ thống giáo dục Đoàn Thị Điểm; Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu; Hệ thống giáo dục FPT; Hệ thống giáo dục IQ School, Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng; Tập đoàn Equest...

Trường ngoài công lập là “cú hích” cho đổi mới giáo dục

mg-9938.jpg
Nhà giáo Lê Thị Bích Dung - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Phổ thông liên cấp Newton chia sẻ tại tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, Nhà giáo Lê Thị Bích Dung - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Phổ thông liên cấp Newton nhìn nhận, các trường ngoài công lập đã có những đóng góp tiên phong, bền bỉ và thực chất cho sự phát triển chung của nền giáo dục nước nhà.

Theo cô Dung, ngay từ những ngày đầu chuyển mình của ngành giáo dục, khối ngoài công lập đã chủ động làm mới hoạt động dạy và học, là nơi thử nghiệm và lan tỏa nhiều mô hình đổi mới như: đưa tiếng Anh vào chương trình chính khóa, hợp tác giáo dục với nước ngoài, tích hợp kỹ năng sống trong chương trình học…

Với hiệu quả tích cực, những đổi mới này đã dần lan tỏa đến nhiều trường công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

“Trường ngoài công lập là “cú hích” cho trường công lập, đặc biệt đi trước về mặt liên kết quốc tế và đổi mới chương trình ngoại ngữ”, Nhà giáo Lê Thị Bích Dung khẳng định.

Nhà giáo Lê Thị Bích Dung bày tỏ sự vui mừng và đề cao những chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc nhìn nhận vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân (trong đó bao gồm giáo dục tư thục) thông qua Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cụ thể, Nghị quyết đã nhấn mạnh: kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Nghị quyết cũng khẳng định nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực và dữ liệu.

“Chúng tôi rất mừng vì được quan tâm. Đây là một chủ trương khiến chúng tôi ấm lòng hơn, có niềm tin hơn để tiếp tục đầu tư vào giáo dục ngoài công lập”, đại diện hệ thống Trường Newton bày tỏ.

Kiến nghị cân đối chỉ tiêu, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa trường công lập và trường ngoài công lập

mg-9859.jpg
Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hình ảnh các đại biểu tham dự trực tiếp tọa đàm tại trụ sở Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Dù đã có nhiều chính sách để khuyến khích giáo dục ngoài công lập, nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng thực tế triển vẫn còn nhiều rào cản.

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Phổ thông liên cấp Newton dẫn chứng, Kế hoạch 267/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội (về triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, nhằm tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục giai đoạn 2019 - 2025) đặt mục tiêu:

Đến năm 2025, cơ sở giáo dục tư thục chiếm 21% tổng số cơ sở, học sinh tư thục đạt 14% - 16% tổng số học sinh toàn thành phố.

Riêng đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đạt 13% về số trường và 15% về số học sinh theo học.

Trong đó, học sinh tư thục ở cấp tiểu học chiếm 8%, trung học cơ sở 7%, trung học phổ thông 40% (30% tại khu vực khó khăn).

Tuy nhiên, theo cô Dung, con số 40% học sinh trung học phổ thông học tại trường ngoài công lập hiện vẫn chưa đạt được, gây ra áp lực lớn đối với các cơ sở giáo dục tư thục.

Dẫn chứng từ năm học 2024-2025, số chỉ tiêu được giao cho các trường trung học phổ thông công lập tại Hà Nội là 79.940 học sinh, trong khi tổng số chỉ tiêu vào 10 cả trường công và trường tư là 115.630, tức khoảng 69,13% vào công lập, đồng nghĩa với việc chỉ còn khoảng 30,8% cho các trường ngoài công lập.

Từ thực tế này, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Phổ thông liên cấp Newton kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm cho các trường trung học phổ thông ngoài công lập ở mức tối thiểu 40%, như định hướng ban đầu.

Đồng thời, cô Dung cũng cho rằng, nếu các trường công lập có nhu cầu tăng chỉ tiêu thì cần đảm bảo đồng bộ về cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện tổ chức học hai buổi một ngày và giảm sĩ số để nâng cao chất lượng.

Trường công lập cần giảm sĩ số thì mới tăng được chất lượng, và học sinh cần được học gần nhà để tiết kiệm chi phí, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia”, cô Dung nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, lãnh đạo một trường phổ thông ngoài công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũng bày tỏ trăn trở trước nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh hiện nay.

Theo vị lãnh đạo, hiện nay đang tồn tại bất cập trong công tác phân bổ mạng lưới trường học, đặc biệt là việc mở thêm một số trường công lập tập trung tại cùng một khu vực. Thực trạng này khiến các trường tư thục trong cùng địa bàn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh và duy trì hoạt động.

Để tháo gỡ những vướng mắc nói trên, vị này kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội cần căn cứ vào số lượng học sinh thực tế hằng năm để giao chỉ tiêu tuyển sinh một cách hợp lý, có sự cân đối giữa hệ thống công lập và ngoài công lập. Việc phân bổ chỉ tiêu cần đảm bảo để các trường đều có cơ hội tồn tại và phát triển, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Cùng với đó, cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng các trường công lập tuyển vượt quá chỉ tiêu được giao, gây mất cân đối trong toàn hệ thống.

Ngoài ra, vị lãnh đạo đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thành lập một ban chuyên trách theo dõi việc triển khai các chủ trương xã hội hóa và phát triển kinh tế tư nhân trong lĩnh vực giáo dục.

Ban này sẽ đóng vai trò tham mưu, góp ý cho Ủy ban nhân dân Thành phố trong quá trình điều hành, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa trường công và trường tư, phù hợp với định hướng đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương.

Chính sách đúng, giáo dục tư thục sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước

img-0056-7598.jpg
Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội) chia sẻ từ điểm cầu trực tuyến.

Cùng trao đổi tại tọa đàm, Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội) đã phân tích vai trò, vị trí và định hướng phát triển của giáo dục ngoài công lập dưới góc nhìn chính sách.

Dẫn lại quy định tại Luật Giáo dục năm 2019, Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch nhấn mạnh: “Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục”. Điều này có nghĩa, nhà nước là chủ thể dẫn dắt trong việc phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, để huy động tối đa nguồn lực phục vụ phát triển giáo dục, việc khuyến khích và mở rộng các nguồn lực ngoài ngân sách là quan điểm cần được ưu tiên trong giai đoạn hiện nay.

Từ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của khu vực tư trong hệ thống giáo dục. Theo Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch, ở những nước này, hầu hết các trường đại học danh tiếng đều thuộc khối tư thục. Trong khi đó, hệ thống trường công lập - ngoài những cơ sở được nhà nước quy hoạch làm đầu tàu giáo dục quốc gia - chủ yếu đóng vai trò cung cấp dịch vụ giáo dục cơ bản, bảo đảm cơ hội học tập cho đông đảo người dân. Từ thực tiễn đó, có thể thấy rằng giáo dục tư thục không chỉ giúp san sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước, mà còn là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội vào sự nghiệp giáo dục.

Ông cũng lưu ý một số vấn đề cần cân nhắc trong định hướng chính sách. Cụ thể, không đồng tình với quan điểm thành lập các trường phổ thông trực thuộc trường đại học, vì cho rằng điều đó có thể làm lệch vai trò, sứ mệnh của giáo dục đại học. “Các cơ sở giáo dục đại học nên tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phổ thông thì nên để cho các trường phổ thông đảm nhiệm”, ông nêu rõ.

Để phát triển hài hòa giữa hai khu vực công - tư trong giáo dục, Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch đề xuất nguyên tắc phân vai rõ ràng: “Công lập là nơi nhà nước đầu tư, tập trung bảo đảm phổ cập và công bằng giáo dục; tư thục nên được định hướng phát triển như một tầng lớp tinh hoa của hệ thống, với yêu cầu chất lượng thực sự”.

Nhấn mạnh yếu tố then chốt, ông cho rằng điều quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng đào tạo. Giáo dục tư thục phải đặt chất lượng lên hàng đầu, nếu muốn khẳng định vai trò và có sức hút đối với người học. Đồng thời, chính sách nhà nước đóng vai trò rất lớn trong việc tạo điều kiện cho khối ngoài công lập phát triển đúng hướng. “Nếu có chính sách tốt, khu vực tư thục sẽ phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất có giá trị cho nền giáo dục”, Tiến sĩ Trịnh Ngọc Thạch khẳng định.

Từ nhận thức đến hành động: Cần những bước đi “đúng, trúng, xứng tầm” cho giáo dục tư thục

mg-0146.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội chia sẻ tại tọa đàm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đánh giá cao việc Tạp chí tổ chức tọa đàm và đây là cơ hội để bà với tư cách là đại biểu Quốc hội được lắng nghe các ý kiến từ chính các cơ sở giáo dục tư thục.

Nhấn mạnh vai trò của giáo dục tư thục, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định đây là một lĩnh vực “không thể phủ nhận” đang ngày càng lớn mạnh và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển giáo dục. Sự phát triển của giáo dục tư thục không chỉ thể hiện ở quy mô, số lượng mà còn ở chất lượng, với vị trí ngày càng rõ nét trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục tư thục đang chia sẻ với Nhà nước trong việc phát triển giáo dục, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân.

Từ góc độ cơ quan lập pháp, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, Quốc hội hiện đang tiến hành giám sát chuyên đề về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua quá trình giám sát, nhận thấy vai trò của khu vực tư nhân là hết sức quan trọng đúng như tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định: “Có thể khẳng định, chúng ta đang đi đúng hướng, đúng với chủ trương lớn của Trung ương”.

Theo đánh giá, năm nay là năm có nhiều dấu hiệu khởi sắc đối với ngành giáo dục nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng. Nghị quyết 68-NQ/TW được xem là một điểm tựa lớn, mở ra không gian mới cho sự phát triển, đồng thời khẳng định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội, chính quyền địa phương đến các tổ chức xã hội trong việc tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, bao gồm cả giáo dục tư thục phát triển.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn, giáo dục tư thục vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa, câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là: “Làm sao để giáo dục tư thục vươn mình phát triển mạnh mẽ và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước trong kỷ nguyên vươn mình?”. Đây là câu hỏi không dễ trả lời, cần được tiếp cận bằng nhiều giải pháp đồng bộ và thực chất.

Tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa đề xuất các giải pháp để thực hiện.

Trong đó, một trong những giải pháp mang tính nền tảng được đề xuất là phải “nhận thức đúng, nhận thức đủ và nhận thức một cách toàn diện” về vai trò, vị thế, sự đóng góp của giáo dục tư thục.

Nghị quyết 68-NQ/TW chính là minh chứng cho sự điều chỉnh nhận thức về khu vực tư nhân, từ đó cần được cụ thể hóa thành hành động chính sách hiệu quả.

Tiến sĩ Mai Hoa nhấn mạnh: “Cần tuyên truyền, triển khai, quán triệt và giám sát việc thực hiện nghị quyết như thế nào cho đúng, từ đó xác định những bước đi đúng, trúng, xứng tầm với những mục tiêu đã đặt ra. Đây chính là một trong những giải pháp có tính chất đột phá để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay”.

Cùng với nhận thức, việc thể chế hóa chủ trương chính sách cũng được đặt lên hàng đầu. Thông tin tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay, thời gian qua Quốc hội đã và đang tích cực thể chế hóa nhiều chính sách mới.

Gần đây, đã có nhiều nghị quyết được ban hành như Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi; Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân,...

Kết luận số 91-KL/TW (ngày 12/8/2024) tiếp tục khẳng định tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa kỳ vọng sắp tới sẽ có một nghị quyết chuyên đề về hiện đại hóa và đột phá trong phát triển giáo dục - đào tạo. Trong đó, vai trò của giáo dục ngoài công lập sẽ tiếp tục được khẳng định và "việc mở ra các cơ chế mới để giáo dục ngoài công lập đóng góp nhiều hơn cho phát triển nguồn nhân lực và phát triển đất nước" sẽ là cơ hội để các trường khẳng định mình.

Bên cạnh hệ thống nghị quyết, một dấu mốc đáng chú ý là việc Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà giáo. Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ, trong quá trình xây dựng luật, câu chuyện về quan hệ công - tư trong lĩnh vực giáo dục cũng đã được đặt ra một cách quyết liệt, phản ánh nỗ lực đảm bảo công bằng và minh bạch giữa các loại hình.

mg-9969.jpg

Liên quan đến khó khăn trong tuyển sinh ở nhiều trường phổ thông ngoài công lập tại Hà Nội được nêu tại tọa đàm, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa, đây không chỉ là vấn đề riêng của khối phổ thông tư thục mà cũng là bài toán nan giải đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và bậc đại học. Để giải quyết, cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong khâu cấp phép.

"Phải tính đến câu chuyện với quy mô, phạm vi, dự báo như thế nào mới cấp phép, vì một trường học mở ra rồi đóng lại là rất phức tạp", Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Đặc biệt, nhấn mạnh quan điểm phối hợp thay vì đối đầu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng: “Khối tư thục mở ra không phải để cạnh tranh với khối công lập, mà là để phối hợp với khối công lập, cùng hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực. Như hai bàn tay vỗ, một bàn tay không thể làm nên tiếng vỗ”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa cũng chia sẻ, định hướng lâu dài mong muốn tiến tới nghiên cứu, thiết kế chính sách để việc “ra - vào” giữa khối công và khối tư trở nên linh hoạt, dễ dàng hơn.

“Không phải câu chuyện anh công, tôi tư, mà là vấn đề chất lượng”, Tiến sĩ Mai Hoa nhấn mạnh. Và nhìn nhận rằng, giáo dục tư thục được kỳ vọng sẽ đón đầu phân khúc dịch vụ chất lượng cao, trong khi Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo ở bậc giáo dục bắt buộc.

Cuối cùng về tổ chức thực hiện, Tiến sĩ Mai Hoa cho biết Quốc hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò giám sát. “Chúng tôi sẽ đi giám sát, qua đó có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định và bày tỏ kỳ vọng những bất cập sẽ được chuyển tải để các bên liên quan xem xét từ đó có chính sách phù hợp để giáo dục tư thục ngày càng phát triển.

Doãn Nhàn