Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Trung Quốc bàn về biển Đông

14/11/2011 07:40
Trọng Kha/Thanh niên
Trong cuộc gặp song phương tại Honolulu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã thảo luận về tranh chấp trên biển Đông.
Cuộc gặp diễn ra ngày 12.11 (hôm qua theo giờ Việt Nam) bên lề Hội nghị cấp cao APEC. Trong đó, lãnh đạo hai nước khẳng định sẽ giải quyết thỏa đáng vấn đề biển Đông thông qua đàm phán hòa bình. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ hai bên cần tuân thủ những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển 1982 và Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về quan hệ song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm khác.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Trung Quốc bàn về biển Đông ảnh 1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào - Ảnh: TTXVN

Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và 2 nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những bước tiến mạnh mẽ của quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng tiềm năng hai bên còn rất lớn để tiếp tục thúc đẩy quan hệ và đề nghị Nga đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, nhất là lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật quân sự, và đặc biệt cần đưa dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trở thành biểu tượng hợp tác mới giữa hai nước.

Sau đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục thảo luận song phương với Thủ tướng Úc Julia Gillard và bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh.

TPP đạt bước tiến lớn

Cũng trong hôm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Cuộc họp cấp cao của các thành viên Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng lãnh đạo Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Úc. Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo khẳng định đã đạt thỏa thuận về khung tổng thể và có thể sớm cơ bản hoàn tất văn bản pháp lý của hiệp định.

TPP có thể hiểu nôm na là một hiệp định thương mại tự do đa phương cho các nước hai bên bờ Thái Bình Dương. Đến nay, quá trình đàm phán vẫn gặp một số trở ngại vì nhiều nước lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chính sách của mình. Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị phải bảo đảm tiến trình đàm phán hướng tới một hiệp định cân bằng, thực sự đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của tất cả các thành viên, chú trọng thỏa đáng nguyên tắc “vì sự phát triển”, hợp tác nâng cao năng lực và quan tâm đầy đủ trình độ phát triển khác nhau và tính đa dạng của các thành viên.

TPP còn vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, vốn cho rằng nó “quá tham vọng”. Nhận định với phóng viên Thanh Niên tại Honolulu, một chuyên gia yêu cầu không nêu tên nói điều này thể hiện Trung Quốc muốn duy trì vị thế gần như “một mình một chợ” hiện nay trong khu vực và lo ngại trước những tuyên bố can dự của Mỹ vào châu Á - Thái Bình Dương.

Kết quả của cuộc họp hôm qua cùng tuyên bố tham gia đàm phán của Nhật được đánh giá là những thành tựu thực chất đầu tiên của hội nghị lần này. Giới chuyên gia nhận định sự phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương đòi hỏi phải có một cơ cấu giúp gỡ bỏ mọi rào cản làm chậm trễ giao thương. Ngoài ra, giai đoạn khó khăn chung của kinh tế thế giới cũng như lo ngại về sự mất cân bằng trong khu vực khiến các nước muốn nhanh chóng tiến tới TPP. 

Hợp tác an ninh Nga - Nhật

Trong cuộc gặp song phương hôm qua, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đồng ý xem xét việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh. “Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Noda nhất trí tăng cường đối thoại về quốc phòng - an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương”, Phó chánh văn phòng Nội các Nhật Hiroyuki Nagahama cho hay.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có cuộc gặp kín. Hai nhà lãnh đạo không họp báo sau đó nhưng theo giới chức Washington, nội dung thảo luận tập trung vào những khác biệt giữa hai nước về kinh tế, thương mại.

Trước đó, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện quan điểm khác biệt trong các bài diễn văn tại ngày cuối của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2011. Tổng thống Obama tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh kìm giá đồng nhân dân tệ và một số chính sách bị cho là bất công với doanh nghiệp Mỹ. Ông Obama kêu gọi Bắc Kinh “chơi theo luật” nếu không Washington “sẽ có hành động”. Lời lẽ của Tổng thống Mỹ có phần mạnh mẽ và thẳng thừng hơn so với trước vì cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau đang tiến gần trong khi ông đang đối mặt với tỷ lệ ủng hộ ngày một thấp đi. Ngược lại, ông Hồ Cẩm Đào nói Trung Quốc muốn được “tôn trọng và trao vị thế xứng đáng” với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tuyên bố muốn hoạt động thông qua những thiết chế thương mại hiện có trên thế giới hơn là tham gia “những cơ cấu do Mỹ dẫn đầu” trong khu vực.

Trọng Kha/Thanh niên