Thách thức với giáo dục mầm non vùng khó
Với bước chuyển mạnh mẽ cả lượng và chất trong hành trình gần 10 năm duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỉnh Lào Cai đang tiến tới đích cao hơn là tiên phong trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi.
Lào Cai đã triển khai thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi tại 8 huyện, thị xã, thành phố.
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 197 trường mầm non, 58.507 trẻ em đến trường, lớp; tỉ lệ huy động nhà trẻ đạt 27,8%, mẫu giáo đạt 96,9%; trong đó: huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,8%; trẻ mẫu giáo 4 tuổi đạt 98,0%, mẫu giáo 3 tuổi đạt 95,5%. Tỉnh Lào Cai và 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.
Một giờ học tại Trường Mầm non Nấm Lư (huyện Mường Khương, Lào Cai). (Ảnh: Ngân Chi). |
Theo đó, về chỉ đạo nâng cao tỉ lệ huy động ở các độ tuổi: Tỉnh Lào Cai đã tạo mọi điều kiện, nguồn lực để huy động 27,8% trẻ nhà trẻ, 96,9% trẻ mẫu giáo đến cơ sở giáo dục mầm non, đây là những điều kiện thuận lợi để đảm bảo duy trì bền vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.
Chỉ đạo tuyển dụng, hợp đồng đối với số giáo viên thiếu, thay thế cho giáo viên nghỉ hưu, đảm bảo tỉ lệ 1,86 giáo viên/lớp; riêng giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt định mức 02 giáo viên/lớp.
Chỉ đạo lồng ghép các Đề án, Kế hoạch phát triển giáo dục, cơ sở vật chất trường, lớp học mầm non từng bước được cải thiện, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu của lớp mẫu giáo 5 tuổi đảm bảo thực hiện yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non và tiếp cận với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. 100% phòng học của lớp mẫu giáo 5 tuổi là phòng kiên cố và bán kiên cố.
Chỉ đạo đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng dinh dưỡng bữa ăn, phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp, củng cố tốt tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số; ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến… để chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1 tiểu học.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thơm - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai) nhấn mạnh, chất lượng đội ngũ có yếu tố quyết định tới việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi. Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ, tập trung bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Bà Nguyễn Thị Thơm - Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai). (Ảnh: laocai.edu.vn). |
Toàn tỉnh hiện có 1.615 giáo viên dạy lớp 4 tuổi, trong đó 96,8% giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên (42,5% đạt trên chuẩn). Cùng với đó, các cơ sở giáo dục mầm non của tỉnh đã chủ động, tích cực thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, ủng hộ của chương trình, dự án, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển giáo dục mầm non.
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi được khẳng định cần thiết với cả trò và thầy, tạo ra “điểm tựa”, nền tảng cho trẻ ở giai đoạn sau.
Vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đặt mục tiêu: Giai đoạn 2023-2024 công nhận mới 90 xã, phường, thị trấn; nâng tổng số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi lên 148/152, đạt 97,3%; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi; quý I/2025, tỉnh Lào Cai đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi.
Tuy nhiên, giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh vẫn còn đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức:
Một số quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương chưa được sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung kịp thời để giải quyết các vấn đề lớn thực tiễn đang đặt ra.
Cụ thể: Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 chưa ban hành; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (chưa có trong Luật Giáo dục 2019); cơ chế xã hội hóa dạy học 2 buổi/ngày; chuyển đổi các trường mầm non công lập ra ngoài công lập ở nơi có khả năng xã hội hóa cao; không có lộ trình thôi hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mẫu giáo, học sinh đối với các xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới; biên chế giáo viên không tăng trong khi quy mô giáo dục tăng nhanh hằng năm.
Đội ngũ giáo viên mầm non, vẫn còn thiếu theo định mức, trong bối cảnh phải cắt giảm biên chế. Cụ thể, thiếu 1.368 giáo viên (riêng giáo viên dạy lớp 4 tuổi thiếu 446 người), 798 nhân viên theo quy định do thực hiện cắt giảm biên chế và chưa được bổ sung.
Nhiều trường mầm non phải bố trí vượt quá số điểm trường quy định và khoảng cách giữa các điểm xa nhau (824 điểm trường). Do địa bàn rộng, dân cư phân tán nên còn nhiều lớp 4 tuổi phải học ghép 2-3 độ tuổi (654 lớp ghép 3-4-5 tuổi và 4-5 tuổi, chiếm 69,7% tổng số lớp 4 tuổi).
Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi ở các độ tuổi nhà trẻ cao (từ 13,8 đến 17,6%). Giao tiếp tiếng Việt của trẻ dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và một số điểm trường lẻ còn hạn chế.
Thiếu nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu, đặc biệt là cho các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn. Cơ sở vật chất đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non như thiếu đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp. Một số trường, lớp mầm non có diện tích hẹp, còn 42 phòng học tạm, mượn và hơn 900 phòng học đã xây dựng từ lâu, nay xuống cấp hoặc chưa đảm bảo quy cách, diện tích quy định.
Thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa vùng thấp với vùng cao
Để đạt những mục tiêu đã đề ra, ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đã tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Đầu tiên, ưu tiên tuyển dụng, hợp đồng đủ giáo viên dạy lớp mẫu giáo 4 tuổi đảm bảo định mức quy định. Năm 2021, tỉnh Lào Cai đã thực hiện tuyển dụng mới thêm 141 biên chế giáo viên mầm non, năm 2022 là 150 biên chế; xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng nâng trình độ chuẩn cho giáo viên mầm non đảm bảo quy định của Luật Giáo dục 2019 cho cả giai đoạn 2020 - 2025 (Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 26/11/2020 của UBND tỉnh), trong đó, đào tạo đạt chuẩn và nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non là 670 người.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục hoàn thiện mạng lưới, quy hoạch không gian, phát triển quy mô trường, lớp học cũng được đặc biệt lưu tâm. Ngành giáo dục và đào tạo phối hợp xây dựng và triển khai quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non thời kỳ 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tích hợp trong quy hoạch tỉnh Lào Cai) gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong đó, cấp học mầm non xây phòng học mới là 364 phòng; 88 công trình vệ sinh; 101 bếp ăn; mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu: 727 bộ, và 100 bộ đồ chơi ngoài trời cho các trường vùng đặc biệt khó khăn.
Ngành giáo dục và đào tạo Lào Cai đặt mục tiêu đến quý I/2025, tỉnh Lào Cai đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi. (Ảnh minh họa: Ngân Chi). |
Đảm bảo an toàn cho trẻ về thể chất và tinh thần, nâng cao chất lượng, chăm sóc, giáo dục toàn diện. Tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”. Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số; khuyến khích trẻ mẫu giáo làm quen Tin học - tiếp cận công nghệ số, ngoại ngữ ở những nơi có đủ điều kiện. Kiểm soát tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi, thừa cân, béo phì nhằm giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe, tầm vóc trẻ em.
Chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1. Thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa vùng thấp với vùng cao.
Một nhiệm vụ cũng được ngành giáo dục và đào tạo triển khai là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non đủ về số lượng, nâng cao chất lượng.
Đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa theo Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị định số 105/2020/NĐ-CP: Huy động sự tham gia toàn diện của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, các Chương trình, Dự án; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đồng thời, tỉnh Lào Cai đang tiếp tục có chủ trương về ban hành chế độ miễn giảm học phí cho trẻ em mầm non trong thời gian tới.
Thực hiện kiểm tra, công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi đảm bảo tiêu chí, đúng quy định và thực chất. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi để đảm bảo thực hiện mục tiêu tỉnh Lào Cai đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 4 tuổi vào quý I/2025; tiếp tục phấn đấu thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo giai đoạn 2025-2030.
Một số kiến nghị, đề xuất:
Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Quốc hội, bổ sung, điều chỉnh Luật giáo dục để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non theo kết luận số 51-LK/TW của Ban Bí thư và thực hiện chuyển đổi các cơ sở giáo dục mầm non công lập thành ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao.
Chính phủ sớm phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo, Đề án phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn.
Sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 Thông tư liên tịch quy định về danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non công lập; Thông tư sửa đổi, bổ sung về đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non.
Ưu tiên bổ sung kinh phí cho phát triển giáo dục mầm non, có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh miền núi, vùng cao thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo trong giai đoạn tới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu với các Bộ, ngành liên quan giao bổ sung biên chế giáo viên hằng năm đảm bảo định mức quy định.