Sabeco lách luật chuyển giá?
Kiểm toán Nhà nước vừa có văn bản kết luận kiểm toán, yêu cầu Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nộp thêm hơn 408 tỉ đồng tiền thuế.
Đặc biệt trước bất cập tại quy định nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ Tài chính phải nhanh chóng sửa đổi quy định để tránh doanh nghiệp lách luật, né thuế.
Theo quy định bia, rượu, thuốc lá… là hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức 50% giá bán, tuy nhiên giá bán ở mốc thời điểm nào lại là vấn đề bởi giá này sẽ ảnh hưởng quyết định đến số thuế doanh nghiệp phải nộp.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có Thông tư 05/2012 quy định rõ: Nếu nhà sản xuất bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không thấp hơn 10% giá bán bình quân của cơ sở thương mại bán ra...
Tuy nhiên sau khi thông tư 05 đi vào thực tế, một loạt vấn đề đặt ra.
Các sản phẩm của Sabeco được phân phối cho các công ty con, sau đó được bán lại cho công ty khu vực, đến đại lý cập 1, cấp 2, cấp 3... rồi mới đến tay người tiêu dùng. Ảnh minh họa. |
Cụ thể trong trường hợp kiểm toán tại Sabeco, Kiểm toán nhà nước cho biết, Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn vừa thực hiện sản xuất, vừa thực hiện phân phối sản phẩm bia.
Sabeco sản xuất và bán bia cho Công ty thương mại Sabeco (công ty con). Công ty thương mại Sabeco không bán bia ngay cho người tiêu dùng mà bán qua công ty con con khác do doanh nghiệp này chi phối với giá thấp.
Sau đó bia được bán lại cho công ty khu vực, đến đại lý cập 1, cấp 2, cấp 3, đến nhà hàng... sau đó mới đến người tiêu dùng.
Như vậy theo quy định tại Thông tư 05, khó xác định giá ở mốc thời điểm nào trong chuỗi bán hàng của Sabeco để tính thuế.
Bia, nước ngọt Tết của nhiều thương hiệu nổi tiếng đang loạn giá |
Về phía Sabeco, doanh nghiệp khẳng định đã làm đúng quy định của Nhà nước tại các nghị định, thông tư, công văn... được hướng dẫn nên không sai trong việc tính và nộp thuế.
Sabeco cho rằng, các công ty thương mại khu vực là công ty liên kết (dù Sabeco nắm tới trên 90% cổ phần), nên không thể lấy giá các công ty này làm giá tính thuế.
Tuy nhiên theo Kiểm toán nhà nước, Sabeco phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực - đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco chứ không phải giá bán của Sabeco ra Công ty thương mại Sabeco. Theo đó, Sabeco phải nộp thêm ngân sách hơn 408 tỉ đồng.
Đứng quan điểm của cơ quan tài chính quốc gia, Bộ Tài chính cho rằng, Sabeco đã chuyển giá từ khâu sản xuất sang khâu thương mại để “ăn” lợi nhuận thông qua thành lập chuỗi 10 công ty con để phân phối bia Sài Gòn.
Theo lãnh đạo cấp vụ Bộ Tài chính thì thuế tiêu thụ đặc biệt nhắm vào người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ thu hộ nhà nước. Tuy nhiên sắc thuế cao, quy định chưa rõ ràng với doanh nghiệp sản xuất, bán hàng qua nhiều nấc công ty con cháu nên dẫn đến thuế bị thất thu.
Sabeco kêu khó
Trước kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Sabeco cho biết nếu tính thuế như kiến nghị của kiểm toán thì sẽ làm tăng 10% doanh thu chịu thuế.
Doanh nghiệp này biện hộ, không chỉ Sabeco mà rất nhiều doanh nghiệp khác đang thực hiện mô hình hoạt động và nộp thuế tương tự, ví dụ Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty liên doanh Nhà máy bia Việt Nam (sản xuất các loại bia Heineken, Tiger)...
Sabeco cho biết, nếu phải nộp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty nói riêng. Đặc biệt, Sabeco “không thể xử lý được các phát sinh” vì nếu thực hiện như kết luận kiểm toán, các đơn vị của Sabeco sẽ phải nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt làm giảm lợi nhuận từ năm 2008 đến nay.
Tính tổng lại số tiền từ năm 2008 - 2014 sẽ phải nộp thêm mỗi năm 350 - 400 tỉ đồng, tổng cộng sẽ lên tới khoảng 4.000 tỉ đồng.
Một lý do khác Sabeco kêu khó nộp thêm thuế do từ năm 2008 doanh nghiệp này chia cổ tức cho cổ đông. Ngoài ra, nếu phải nộp thêm thuế, lợi nhuận Sabeco ảnh hưởng qua đó ảnh hưởng đến đến tiền lương, thưởng của người lao động.
Trước vấn đề Sabeco nêu ra, chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Giá cả Bộ Tài chính cho rằng, doanh nghiệp đang cố tình lách luật để trục lợi nhằm tối đa lợi nhuận của mình.
Như trường hợp của Sabeco và các công ty bia, thuốc lá khác, họ đã lập ra các công ty con, hoạt động theo mô hình liên kết để né thuế, hay nói khác là họ chuyển giá. Cơ quan quản lý cần quyết liệt việc này.
“Sabeco kêu khó nếu thực hiện vì do lợi nhuận năm 2013 đã chia cổ tức và nộp vào các quỹ rồi chỉ là lý do ngụy biện, không chấp nhận được. Do đó, chống thất thu ngân sách, Nhà nước sẽ thu khoản này vào những năm tới chứ không thể bỏ được”, TS Ngô Trí Long nói.
Được biết Sabeco đang nắm giữ khoảng 35% thị phần bia Việt Nam. Năm 2014, Sabeco đạt tổng doanh thu 29.788 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.672 tỷ đồng, đóng ngân sách nhà nước 6.985 tỷ đồng.
Năm 2013 sản lượng tiêu thụ bia của 1 tỷ 346, 9 triệu lít, doanh thu đạt 28.707 tỷ đồng, nộp ngân sách 12.854 tỉ đồng.
Như vậy năm 2014 dù doanh thu đạt cao hơn nhưng Sabeco nộp ngân sách chưa bằng 2/3 so với năm 2013.