Theo hợp đồng ký kết giữa Công ty CP Công nghiệp Hoá chất vi sinh (Bicico-thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) và Công ty TNHH Liên doanh Lever Việt Nam (Unilever Việt Nam) thì Unilever sẽ cung cấp nguyên liệu để Bicico gia công sản phẩm.
Tất cả nguyên liệu này đều được nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài. Nếu nguyên liệu gia công thừa thì Bicico phải chuyển trả lại toàn bộ cho Unilever. Tuy nhiên, suốt nhiều năm liền, lãnh đạo Bicico đã chỉ đạo bán trộm nguyên liệu ra bên ngoài để thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.
Vi phạm hợp đồng
Câu chuyện “tày đình” trên bắt đầu bị phát hiện khi cổ đông Bicico yêu cầu lãnh đạo giải trình trong Đại hội cổ đông ngày 25/4/2006. Tuy nhiên, suốt thời gian sau đó, đến năm 2010, Bicico vẫn tiếp tục “tuồn” nguyên liệu ra ngoài để bán cho các đơn vị khác.
Ngày 21/9/2006, Bicico bắt đầu ký Hợp đồng gia công các sản phẩm lỏng với Unilever số PC-210906/HUONGVIET. Tại điều 2.12 của hợp đồng ghi rõ: “Bên gia công có trách nhiệm thu gom và trả lại cho bên đặt gia công tất cả các loại nguyên liệu, vật liệu, bao bì nhãn mác do bên đặt gia công cung cấp nhưng chưa được sử dụng hết khi được bên đặt gia công yêu cầu và/hoặc kết thúc hợp đồng”.
Điều khiến nhiều người khó hiểu là với quy trình quản lý chặt chẽ của Unilever nhưng Bicico vẫn dễ dàng tuồn nguyên liệu ra ngoài để bán?
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn ký hợp đồng, Bicico đã nhiều lần tổ chức bán trộm nguyên liệu của Unilever ra ngoài. Cụ thể, tại biên bản trả lời cổ đông ngày 12/3/2007 do Trưởng ban kiểm soát Công ty Lưu Thị Ánh ký nghi rõ: “Việc giải quyết nguyên liệu thừa có sự đồng thuận của Ban giám đốc... Số tiền bán được là 291.150.000 đồng, chủ yếu được sử dụng để chi cho người lao động tại Xí nghiệp Hoá Phẩm...”.
Năm 2009, khi phát hiện ra sai phạm trên, ông Bùi Văn Hiệp, Kế toán trưởng Công ty có đơn và bằng chứng tố cáo ông Đặng Hồng Hải-Tổng giám đốc Bicico chỉ đạo bán nguyên liệu ra bên ngoài. Tuy nhiên, lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất Việt Nam không xử lý mà để cho vụ việc “chìm nghỉm”.
vậy nhưng, để có bằng chứng “cách chức” Giám đốc Xí nghiệp Hương Việt Lương Thị Thanh Loan, gần đây vụ việc bán trộm nguyên liệu Unilever lại được chính lãnh đạo Công ty khơi ra. Tại văn bản ngày 17/12/2012 do ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty ký cho rằng: “Bà Võ Thị Bạch Tuyết, Thủ kho nguyên liệu Xí nghiệp Hương Việt xác nhận bà Loan có chỉ đạo xuất nguyên liệu dư của Unilever ra khỏi cổng chính dạng nguyên đai, nguyên kiện ghi là phuy rỗng hoặc hoá chất không có trong danh mục lưu kho. Bà Loan khẳng định từ năm 2009 trở về trước, Tổng giám đốc Đặng Hồng Hải chỉ đạo bà bán nguyên liệu ra bên ngoài...”.
Văn bản ngày 17/12 còn khẳng định: “Công nhân sản xuất xác nhận có cùng bà Tuyết thay mác nguyên liệu trên phuy bằng cách dán nhãn mác khác đè lên. Nhân viên theo dõi định mức xác nhận từ khi Unilever cho định mức mới, số nguyên liệu dư thừa khá nhiều...”.
Cháy nhà ra mặt… trộm!
Trích băng ghi âm cuộc làm việc giữa ông Hải và bà Loan thì sự việc nghiêm trọng trên đã được ông biết và trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Để việc bán nguyên liệu trót lọt, lãnh đạo công ty đã “hô biến” hàng tấn nguyên liệu thừa của Unilever thành... phế liệu.
Trong băng ghi âm, bà Loan nói với ông Hải: “Quý trước em trả 3 tấn mấy, quý này em trả hai tấn mấy (cho Unilever), mình còn khoảng 20 tấn nằm trong kho CA nữa, giờ không còn chỗ để vì nó còn khoảng 100 phuy... Cùng lắm mình phải viết phiếu xuất kho ra cổng mình ghi phế liệu chung chung giống như mấy kỳ trước em ghi, theo ý em mình nên xuất hoá đơn phế liệu”.
Ông Hải chỉ đạo: “Thôi cứ xuất hoá đơn phế liệu 30 triệu đồng/tháng, còn khoản chênh lệch em cứ tạm giữ đó... theo anh 40 triệu không đưa thủ quỹ, cái này chỉ mình em biết sau xử lý như thế nào anh sẽ nói em, không nên để nhiều người biết”.
Cách chức để… khỏi bị lộ?
Ngày 26/12/2012, ông Đặng Hồng Hải căn cứ vào đề nghị của Trưởng phòng Tổ chức – Nhân sự Lại Thị Nhung ban hành Quyết định số 146/QĐ-HCVS/2012 để thi hành kỷ luật cách chức Giám đốc Xí nghiệp Lương Thị Thanh Loan. Lý do cách chức được nêu trong Quyết định 146 là: “Không tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên; làm mất, sai lệch chứng từ, tài liệu có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty gây bất lợi đến lợi ích của Công ty”. Quyết định này không nói rõ đến nguyên nhân sâu xa là “bán trộm nguyên liệu của Unilever”.
Những bê bối ở Bicico diễn ra nhiều năm nhưng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vẫn chưa kiên quyết xử lý.
Lý giải việc từng là người “cùng hội, cùng thuyền” với Tổng giám đốc trong các phi vụ “làm ăn” nay lại bị cách chức, bà Loan cho biết: “Vào năm 2011, Tổng giám đốc có chỉ đạo “miệng” là tổ chức cho công nhân đình công (cùng với đợt đình của công nhân Xí nghiệp Bao bì) nhằm gây sức ép cho Tập đoàn Hoá chất Việt Nam khi về định xử lý kỷ luật đối với ông Hải. Do nhận thấy đây là việc làm sai trái nên tôi đã không tuân lệnh”. Vì việc này mà bà Loan đã làm "mất lòng" vị Tổng giám đốc từ đây.
Giải thích về việc cách chức bà Loan, bà Lưu Thị Ánh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Chị Loan đã làm sai lệch chứng từ, mất chứng từ về phiếu xuất kho. Công ty đã có bằng chứng về việc chị Loan đã xuất một lượng lớn nguyên liệu, mà tên nguyên liệu ghi vào phiếu lại không có trong danh mục tài sản Công ty quản lý. Tức nguyên liệu được xuất ra ngoài cổng với một cái tên khác”.
Cứ xuất hoá đơn phế liệu 30 triệu còn khoản chênh lệch em cứ tạm giữ đó, mỗi lần xuất cứ thống kê vào, anh uỷ quyền cho em làm, làm xong rồi báo cáo anh... Cái này chỉ mình em biết, sau xử lý như thế nào anh sẽ nói em, không nên để nhiều người biết...”, trích băng ghi âm giữa ông Đặng Hồng Hải, Tổng giám đốc và bà Lương Thị Thanh Loan, Giám đốc Xí nghiệp Hương Việt.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc trong các bài tiếp theo.