Lấy phiếu tín nhiệm: Tư lệnh ngành nào ‘sợ’ nhất?

14/11/2014 06:49
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, tư lệnh của các ngành liên quan đến an sinh xã hội, đời sống của người dân sẽ thấy rõ ý nghĩa của việc này.

Một số đại biểu quốc hội đang tỏ ra khá lo ngại về tính chính xác, hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Liên quan tới vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Quang Tuấn, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Có ý kiến cho rằng chống tham nhũng như tập trận giả hiện nay sẽ khó cho các Đại biểu Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm chính xác với từng Bộ trưởng. Ông có nghĩ vậy không?

TS. Đỗ Quang Tuấn, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương
TS. Đỗ Quang Tuấn, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương

Tôi không nghĩ vậy. Lấy phiếu tín nhiệm là một biện pháp tốt, hữu hiệu trong việc đánh giá từng vị Bộ trưởng chứ không phải là biện pháp mang tính hình thức. Nếu các đại biểu quốc hội làm đúng quy trình với tâm trong sáng thì chắc chắn phiếu tín nhiệm sẽ phản ánh đúng thực chất sự tín nhiệm của người được lấy phiếu. Còn nếu họ cứ lo ngại, nghi ngờ thì sẽ không làm được gì cả đâu!

Tất nhiên, việc này không thể mang lại kết quả chính xác tuyệt đối ngay được mà phải dần dần chúng ta mới có kết quả như mong đợi. Đó là chuyện khá nhạy cảm, nhưng rất có hiệu quả trong thực tiễn. Do vậy, muốn việc lấy phiếu tín nhiệm phát huy hiệu quả, trước hết các đại biểu quốc hội phải có niềm tin.

Rõ ràng, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã có tác dụng nhiều mặt đến đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước. Vậy theo ông, việc này có tác động như thế nào tới tư tưởng của người dân vào sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, vào sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?

Việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những cách góp phần cổ vũ, làm trưởng thành thêm tinh thần làm chủ của người dân. Đó là điều quan trọng nhất.

Người dân không bao giờ nên có tư tưởng đứng ngoài cuộc, phải đặt mình ở trong cuộc để quan sát công việc của đất nước và có trách nhiệm với đất nước. Trước hết, nhân dân phải xem xét xem những người đang điều hành đất nước -  những người được dân bầu có làm tròn nhiệm vụ không, từ đó có ý kiến phê bình và tự phê bình cho tốt.

Không giống lần đầu (tháng 6/2013), lần này QH lấy phiếu tín nhiệm trong một phiên họp kín, sáng thứ bảy, 15/11. Kết quả sẽ được công bố ngay buổi chiều. Sự thay đổi này có ảnh hưởng gì tới tính công khai, minh bạch của việc lấy phiếu hay tâm lý, tư tưởng của các đại biểu quốc hội cũng như việc người dân tham gia vào quá trình giám sát việc lấy phiếu tín nhiệm không thưa ông?

Tôi hiểu là sẽ có đại biểu hoặc người dân nghi ngờ tại sao Quốc hội lại lấy phiếu tín nhiệm trong một phiên họp kín? Tại sao không công khai? Nhưng theo tôi, kín hay công khai còn tùy thuộc vào từng vấn đề, bối cảnh cụ thể của từng lúc lấy phiếu tín nhiệm.

Lần này, chúng ta tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong bối cảnh có nhiều chuyện, nhiều vấn đề đang bị lực lượng chống phá xuyên tạc. Do vậy, Quốc hội phải cân nhắc, lường trước các rủi ro, các vấn đề phức tạp để tránh bị lan truyền thông tin không chính xác và đó là điều cần thiết.

Tất nhiên, việc này chắc cũng sẽ gây ảnh hưởng một chút tới tâm lý của các đại biểu quốc hội. Nhưng theo tôi, chuyện đó cũng không nặng nề lắm. Nếu họ hiểu tình hình đất nước hiện nay, hiểu rằng quốc hội cần có những biện pháp cần thiết như vậy để bảo vệ việc lấy phiếu tín nhiệm sao cho đúng đắn, trong sáng thì sẽ không có gì đáng bàn nữa cả, đại biểu cứ nhận xét, phát biểu thẳng thắn.

Ngoài ra, kín hay “hở” không quan trọng bằng việc người dân còn tin vào các vị lãnh đạo hay không. Nếu dân không còn niềm tin, hoặc niềm tin đã bị sứt mẻ, giảm sút thì làm gì cũng trở nên vô nghĩa và bị cho là không đúng.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm cần phải được làm thường xuyên để những vị trưởng ngành có thể lấy căn cứ sửa đổi, hoàn thiện, từ đó phục vụ nhân dân được tốt hơn. Ông có đồng tình với quan điểm trên không?

Tôi rất ủng hộ việc này. Nên bình thường hóa hoạt động lấy phiếu tín nhiệm. Dù rằng trong quá trình thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ còn tồn tại những khiếm khuyết, hạn chế, nhưng người dân sẽ dựa vào đó để đánh giá được từng vị Bộ trưởng.

Nhất là trong thời kỳ hiện nay, chúng ta đang quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng thì việc lấy phiếu tín nhiệm càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, nhiều tư lệnh ngành đã có những chuyển biến tích cực, cải thiện hình ảnh rõ nét trong mắt người dân. Theo ông, việc lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa đặc biệt với những ngành nào?

Ngày 15/11, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ)
Ngày 15/11, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với 50 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ)

Những ngành càng liên quan nhiều đến an sinh xã hội, đời sống của người dân thì việc lấy phiếu tín nhiệm càng có ý nghĩa. Chẳng hạn, y tế, giáo dục hay các ngành về nội chính như công an, những ngành chấp pháp.

Muốn biết các vị tư lệnh của những ngành đó có đủ bản lĩnh, khả năng chèo chống được tình hình hiện nay không thì phải tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Theo ông những vị trưởng ngành trong lần bỏ phiếu sắp tới nếu tiếp tục nhận được những số phiếu thấp thì nên làm gì?

Đã có đầy đủ các quy định về việc này và họ cứ theo đó mà làm. Cơ quan, tổ chức nếu thấy vị đó có số phiếu tín nhiệm quá thấp thì cần đưa ra giải pháp sao cho phù hợp như điều chuyển vị trí công tác, yêu cầu cá nhân đó khắc phục, sửa chữa, thậm chí bãi/miễn nhiệm họ.

Còn chuyện cá nhân người ta có nên xin từ chức hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng việc lấy phiếu tín nhiệm. Hơn nữa, ở các nước khác, từ chức là chuyện rất bình thường còn ở ta vẫn xem chuyện đó nặng nề lắm.

Người dân cần làm gì để có thể đánh giá được tính công khai minh bạch của việc lấy phiếu tín nhiệm lần này thưa ông?

Thứ nhất, người dân cần nâng cao trách nhiệm làm chủ đất nước của mình, phải quan tâm đến tình hình chung của đất nước, phải đặt trách nhiệm của mình vào trong đó. Nếu không quan tâm, bàng quan, vô cảm là không được.

Thứ hai, người dân phải dám mạnh dạn đấu tranh, nêu ý kiến, không được nể nang, né tránh…

Ngoài hình thức lấy phiếu tín nhiệm, với những chức danh lãnh đạo cấp cao, chúng ta có nên thi tuyển hay lựa chọn theo cách nào khác không?

Tôi rất ủng hộ hình thức thi tuyển để chọn cán bộ. Từ xưa, cha ông ta đã tổ chức các kỳ thi để chọn người tài làm quan. Nhiều nước trên thế giới cũng đang áp dụng hình thức này và chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm từ cha ông ta, bạn bè thế giới trong việc này.

Ở Việt Nam, tôi thấy Đà Nẵng và TP. HCM cũng đã thí điểm việc này và hiệu quả rất tốt. Thay vì tổ chức, cán bộ bí mật đề bạt nhau vào vị trí này kia, ta nên thi tuyển công khai, minh bạch, dân chủ. Muốn chọn được người tài, phải cho người dân biết về họ và giữa các ứng cử viên phải có sự cọ xát, đấu trí thực sự.

Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN