Nạn ma túy đã và đang trở thành hiểm họa lớn của nhân loại. Hậu quả do nạn ma túy gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… ở nhiều nước trên thế giới và làm tổn hại sức khỏe tới nhiều người dân. Hưởng ứng ngày quốc tế phòng chống ma túy 2013 (26/6), Liên Hợp Quốc đã phát động chiến dịch “Cải thiện sức khỏe, nâng cấp đời sống của bạn – nó không với ma túy” nhằm cảnh báo công chúng, đặc biệt là giới trẻ về tác hại của các chất gây nghiện mới (NPS).
Ma túy đã trở thành hiểm họa thế giới (Ảnh: Getty) |
Theo Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc, các chất gây nghiện mới đang được bày bán công khai bằng nhiều cách, trong đó có mạng internet nên rất khó kiểm soát. Hơn nữa, bằng vỏ bọc giả mạo dưới nhiều tên gọi khác nhau, các chất gây nghiện mới đang đánh lừa người dùng. Phần lớn những người bị nghiện cho rằng chúng đem lại cảm giác an toàn mà không nhận thức được rằng chúng nguy hiểm hơn nhiều so với các loại ma túy thông thường vì làm tăng nguy cơ tử vong, mê sảng và hành vi bạo lực. Ngoài ra, hỗn hợp của các chất gây nghiện mới còn dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường hơn.
Trong thông điệp đưa ra trước ngày quốc tế phòng chống ma túy 2013, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, các mối đe dọa từ việc sử dụng các chất gây nghiện mới, trong đó có nhiều chất thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan luật pháp quốc tế là vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Do vậy, người dân, đặc biệt là giới trẻ cần phải được giáo dục tốt để nhận thức rõ sự nguy hiểm của các chất này.
Cũng nhân dịp này, Tổng thư ký LHQ kêu các quốc gia trên thế giới phải tăng cường thực thi pháp luật và phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết vấn nạn chung: “Mối đe dọa từ buôn bán và sử dụng chất ma túy vượt ra khỏi giới hạn của biên giới lãnh thổ đồng nghĩa với việc không một quốc gia nào phải đơn độc đối phó với vấn nạn này. Cuộc đấu tranh chống tệ nạn ma túy đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện mang tính quốc tế, dựa vào sự chia sẻ trách nhiệm chung của các quốc gia. Hơn nữa, để đạt được hiệu quả tích cực trong chiến dịch này, các nước cần chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau và tăng cường thực hiện các đợt truy quét tội phạm buôn bán ma túy".
Với chiến dịch “Cải thiện sức khỏe, nâng cấp đời sống của bạn – nói không với ma túy”, Liên Hợp Quốc muốn gióng lên hồi chuông báo động rằng, ma túy đang dần hủy hoại cuộc sống của loài người, đồng thời huy động sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống ma túy và truyền cảm hứng cho mọi người hành động chống lạm dụng ma túy./.