Không phải cứ được đào tạo, cấp chứng chỉ rà phá bom mìn vật nổ (RPBMVN), lính công binh có thể “xung trận”, xử lý bom mìn vật nổ, khắc phục hậu quả chiến tranh được ngay, mà họ còn phải trải qua quy trình kiểm tra khá gắt gao, nghiêm túc.
Đoàn công tác của Binh chủng Công binh kiểm tra trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ RPBMVN của Công ty Tây Bắc |
Một ngày theo đoàn công tác của Bộ tư lệnh Binh chủng Công binh, tiến hành khảo sát, kiểm tra, tiến tới cấp phép RPBMVN cho lính công binh, chúng tôi đã “vỡ vạc” nhiều điều…
Một sáng đầu năm 2012, theo đoàn công tác của Binh chủng Công binh, do Đại tá Phan Đức Tuấn, Phó tư lệnh Binh chủng dẫn đầu, chúng tôi ngược lên Quân khu 2, về với Công ty TNHH MTV Tây Bắc. Nhiệm vụ của đoàn công tác là thẩm định, xem xét, tiến tới cấp giấy phép RPBMVN cho Công ty Tây Bắc-một doanh nghiệp làm nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng của Quân khu 2, chuyên sản xuất kinh doanh trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang…Đây đều là những địa bàn còn khá nhiều bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh. “Gần đây, Công ty đã tham gia hoạt động dò tìm và xử lý bom mìn, vật nổ cho một số công trình, được Lữ đoàn 543 (Quân khu 2) ký kết với chủ đầu tư và giao việc lại cho công ty”, Đại tá Nguyễn Viết Xuân, Giám đốc Công ty Tây Bắc chia sẻ. Hiện nay, trong biên chế của Công ty Tây Bắc có một số sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được đào tạo cơ bản theo chuyên ngành công binh, có chứng chỉ về RPBMVN. Công ty có khả năng dò tìm và xử lý bom mìn, vật nổ bằng kim loại ở mọi địa hình cả ở trên cạn và dưới nước có độ sâu đến 5m… Tuy nhiên, để có thể độc lập ký kết và chủ động tiến hành RPBMVN, Công ty Tây Bắc phải được cấp phép hoạt động. “Để đi đến cấp phép cho Công ty Tây Bắc, đoàn sẽ kiểm tra tổ chức biên chế lực lượng tham gia RPBMVN hiện có của Công ty; phương tiện dò tìm, xe máy, khí tài chủ yếu phục vụ RPBMVN; trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên đội RPBMVN” - Phó tư lệnh Binh chủng Công binh Phan Đức Tuấn quán triệt khi buổi làm việc giữa đoàn công tác với Công ty Tây Bắc bắt đầu. Sau khi kiểm tra cụ thể tỉ mỉ và làm rõ nguồn gốc các loại trang bị chủ yếu hiện có của Công ty Tây Bắc, phục vụ cho nhiệm vụ RPBMVN, đoàn công tác đã cơ động đến thao trường huấn luyện RPBMVN của Công ty. Buổi sáng mùa đông ở vùng cao dường như lạnh hơn, song không khí trên thao trường lại khá…nóng, bởi ai cũng hồi hộp chờ đợi phần “sát hạch” của đoàn kiểm tra. Các dải dò gỡ mìn đã được triển khai; con người, trang bị cũng ở trạng thái sẵn sàng!
Nhân viên đội RPBMVN của Công ty Tây Bắc thực hành dò mìn |
Sau khi “vã mồ hôi ” với phần kiểm tra lý thuyết, xoay quanh quy trình kỹ thuật dò tìm, xử lý bom mìn; trình độ sử dụng các loại máy dò mìn, dò bom; cách nhận biết và xử lý bom đạn…các nhân viên của đội RPBMVN bước vào phần thực hành dò, gỡ bom mìn vật nổ, với nhiều tình huống sinh động được đặt ra.
Gỡ mìn |
Khi Trung úy Hà Văn Hợp, nhân viên dò mìn đang tiến hành dò tìm bom, mìn trên dải dò, Đại tá Phan Đức Tuấn bất ngờ bố trí một vật thể về phía trước đường dò. Ngay sau đó, máy dò mìn phát âm báo đã nhận thấy tín hiệu lớn hơn. Trung úy Hợp nhận được lệnh xử lý ngay tình huống này.
Hết sức bình tĩnh, Hà Văn Hợp thận trọng cắm cờ đánh dấu vị trí vừa phát ra tín hiệu lớn. Sau đó lùi lại phía sau, để nhân viên xử lý mìn tiến lên thực hiện nhiệm vụ. “Mìn phát nổ, nhân viên gỡ mìn bị thương”, lệnh phát ra gấp gáp từ đoàn kiểm tra.“Tuýt, tuýt, tuýt” - ngay sau hồi còi, đội trưởng đội RPBMVN ra lệnh: “Tất cả dừng tập! Quân y làm nhiệm vụ cứu thương”. Ngay tức thì, tổ quân y nhanh chóng cơ động vào dải dò. Thận trọng kéo người bị thương trở lại phía sau, đưa lên cáng, trở lại vị trí an toàn và khẩn trương tổ chức sơ cứu. Tiếp đó, nhiều tình huống “hóc búa” khác đã được Đại tá Phan Đức Tuấn, Đại tá Nguyễn Thanh Bàn, Trưởng Ban và Thượng tá Vương Đình Cương, Trợ lý Ban bom mìn (Binh chủng Công binh) đưa ra như: “Khi dò mìn ở địa hình dốc lớn hơn 30 độ, bố trí đường dò như thế nào?”; “Trong địa hình cho phép, bố trí hướng dò như thế nào là tốt nhất”; “Cách bố trí lực lượng trên 3 dải dò liền nhau?”; “Cách xử lý khi gặp loại mìn chưa biết tên?”…Những câu hỏi đó đều được các thành viên của đội RPBMVN “hóa giải” khá thành công… Cuối buổi kiểm tra, tâm sự với Thượng úy Cao Văn Cường, đội trưởng đội RPBMVN của Công ty Tây Bắc và các thành viên của đội, họ đều có chung tâm sự, cuộc “sát hạch” này thực sự là “cơ hội ngàn vàng” để họ tiếp thu những kinh nghiệm xương máu của lớp người đi trước trong thực hiện nhiệm vụ dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ. Những người lính công binh còn bộc bạch rằng: Hình ảnh đồng chí Phó tư lệnh Công binh nằm trên đường dò, phía dưới là lớp cỏ ướt đẫm nước mưa, lạnh buốt, hướng dẫn họ tỉ mỉ từng động tác xử lý các loại bom mìn, không chỉ giúp họ củng cố thêm kiến thức mà còn tiếp thêm nhiệt huyết cho họ vững bước trên “mặt trận” còn đầy rẫy những hiểm nguy, đang đợi chờ phía trước. Kết thúc buổi kiểm tra, đoàn công tác khẳng định Công ty Tây Bắc có đủ năng lực tham gia RPBMVN và Bộ tư lệnh Công binh sẽ tiếp tục làm các thủ tục cần thiết để đề nghị cấp có thẩm quyền cấp phép cho Công ty. Với kết quả này, mọi người cùng có chung hy vọng, trong một thời gian không xa nữa, đội RPBMVN của Công ty Tây Bắc sẽ được lên đường, đến với những vùng đất mới, “làm sạch” bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, để núi rừng Tây Bắc thêm xanh, thêm đẹp…
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân