Lộ diện hung thủ gây cháy, nổ xe hàng loạt?

29/12/2011 08:08
T.H
(GDVN)-Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang thu thập các mẫu xăng để kiểm tra sau khi có thông tin xăng pha acetone có khả năng là nguyên nhân gây cháy.
Báo Pháp luật TPHCM đưa tin, một lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết trước một số thông tin xăng bị pha acetone có khả năng là nguyên nhân gây cháy nổ xe, đơn vị đã cho thu thập các mẫu xăng và đang kiểm tra xem có bất thường gì không.

Chiếc xe SYM Attila Elizabeth bị bốc cháy trên phố Trần Phú (Hà Đông - Hà Nội), bị cháy rụi bên trong, nơi bị cháy bị biến dạng hoàn toàn
Chiếc xe SYM Attila Elizabeth bị bốc cháy trên phố Trần Phú (Hà Đông - Hà Nội), bị cháy rụi bên trong, nơi bị cháy bị biến dạng hoàn toàn

Vị này cũng cho biết xăng đang được tiêu thụ trên thị trường gồm hai nguồn: sản xuất tại Nhà máy Dung Quất và nhập khẩu theo đường chính ngạch. Cả hai nguồn cho đến giờ đều được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, có thể sau khi đưa vào lưu thông, mua bán trên thị trường, một số cá nhân hám lợi đã pha chế xăng kém chất lượng vào.
Chiều qua, tại Hà Nội lại có thêm một xe máy nữa đang đi trên đường Trần Phú thì bị cháy. Đó là xe Attila Elizabeth BKS 30F2-7879. Sau khi được dập lửa, xe máy bị cháy phần trong, vỏ ngoài bị méo mó và ngả màu. Xăng trong bình xe còn và đèn xi nhan vẫn hoạt động.

Trong khi đó, báo Người lao động đăng tải ý kiến của PGS-TS NGUYỄN LÊ NINH (Nguyên Phó Chủ tịch Hội Ô tô và Thiết bị động lực TPHCM, TS ngành động cơ đốt trong) lý giải, ở góc độ kỹ thuật, có thể khẳng định nguyên nhân gây cháy là do tia lửa điện trên khung sườn xe...

Đầu tiên, có thể khẳng định những yếu tố gây cháy, nổ xe máy khi đang vận chuyển là do tia lửa điện trên khung sườn xe đã đốt cháy xăng rò rỉ ra ngoài đường ống dẫn của hệ thống cung cấp xăng cho động cơ. Vì sao có tia lửa điện phát ra trên khung sườn xe? Đó là vì hệ thống đánh lửa trên xe máy sử dụng hệ thống điện một chiều và khung sườn xe là cực âm. Chỉ cần dây dẫn nối với cực dương của hệ thống điện bị hở là có tia lửa điện phóng ra.
Khi tia lửa điện rò rỉ phóng ra, lại gặp xăng cũng đồng thời rò rỉ ra ngoài hệ thống cung cấp nhiên liệu vốn được cấu tạo rất kín thì việc cháy tất sẽ xảy ra khi nồng độ xăng nơi phát sinh rò điện đạt tỉ lệ bắt lửa (theo lý thuyết, khả năng bắt cháy của xăng qua tia lửa điện xảy ra khi nồng độ của xăng trong không khí  đạt từ giới hạn trên là 18% cho đến giới hạn dưới  là 6,1%, dẫn đến hỗn hợp xăng-không khí sẽ phát cháy).
Có thể nói việc xác định nguyên nhân sẽ dễ dàng hơn nếu khi xe bị cháy được dập tắt ngay lúc lửa vừa bùng cháy hoặc mới cháy một phần. Đáng tiếc, những trường hợp cháy xe đã xảy ra, chỉ còn trơ lại khung xe. Vì vậy, việc xác định nguyên nhân trở nên khó vì thiếu chứng cứ còn lưu lại ở từng chiếc xe bị cháy, nổ.

Tại TPHCM và Hà Nội hiện nay tổng số xe máy đăng ký tính đến ngày 8-12 là 7 triệu chiếc (Wikipedia tiếng Việt, số liệu cập nhật ngày 8-12-2011),  chiếm khoảng 1/3 lượng xe lưu hành trên toàn quốc. Số xe máy trên toàn quốc cho đến thời điểm này là 32.558.353 chiếc. Trong 12 ngày đầu tháng 12-2011, ghi nhận được 4 vụ cháy xe máy. Từ những số liệu này chúng ta tính ra tỉ lệ giữa số xe máy bị cháy, nổ trên tổng số xe đang lưu thông trên toàn quốc chỉ là 4/32.558.353 = 1,22 phần mười triệu. Có nghĩa là cứ 10 triệu xe đang được sử dụng thì chỉ có 1,22 chiếc bị cháy. Với xác suất nhỏ như vậy có thể cho rằng đây chỉ là rủi ro.

Điều muốn nói là vì rủi ro không cao, không phải là hiện tượng xảy ra hàng loạt nên rất khó xác định nguyên nhân mang tính quy luật. Có quy kết chăng thì chỉ có thể quy kết cho độ tin cậy của xe đã bị suy thoái một cách không bình thường trong quá trình sử dụng. Mà độ tin cậy của xe bị suy thoái một cách bất bình thường thì phụ thuộc ở cả khâu chế tạo ban đầu (chất lượng vật tư kém) và cả khâu sử dụng do bất cẩn…
T.H