Ông Chu Vĩnh Khang và ông Tập Cận Bình trong một phiên họp. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 29/7 dẫn lời giới phân tích bình luận, việc thông báo chính thức điều tra "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang vào đầu giờ tối qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực "bằng cách lảng tránh những người tiền nhiệm của mình".
Tập Cận Bình sẽ cần một sự đồng thuận mạnh mẽ trong giới tinh hoa đương chức và đã nghỉ hưu trước khi bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng với quy mô lớn, "đồ long, đả hổ, đập ruồi". Lần đầu tiên 1 cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị bị điều tra tham nhũng.
Mặc dù nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tuyên bố rất mạnh mẽ rằng sẽ không cho phép bất cứ ai đứng trên luật pháp, nhưng thông thường các ủy viên đương nhiệm và cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị không thể trở thành trọng tâm của chiến dịch chống tham nhũng mà ông Tập Cận Bình phát động, các nhà phân tích cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc sẽ vẫn bị giới hạn bởi nguyên tắc tập thể lãnh đạo được Đặng Tiểu Bình củng cố như một cách để kết thúc thời kỳ hỗn loạn chính trị trong Cách mạng Văn hóa. Nhưng dù sao cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang đã cho phép Tập Cận Bình với tư cách Tổng bí thư củng cố thông điệp của mình khác với những người tiền nhiệm sử dụng các căn cứ quyền lực và các công ty, tập đoàn chủ chốt của nhà nước.
"Điểm mấu chốt của vấn đề là nó cho thấy Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực của mình là 1 nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc được bao xa. Không phải một chính khách quá mạnh như Đặng Tiểu Bình, nhưng Tập Cận Bình chắc chắn hơn nhiều so với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào", Steve Tsang, giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc từ đại học Nottingham cho biết.
"Điều này đặt Tập Cận Bình vào một vị thế mạnh mẽ hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Trung Quốc kể từ Đặng Tiểu Bình", Steve Tsang bình luận. Ông Tập Cận Bình sẽ cần ít nhất một tỉ lệ đa số rõ ràng từ giới tinh hoa trước khi tiến thêm một bước và để đảm bảo nhận được sự ủng hộ chắc chắn, việc thông báo điều tra Chu Vĩnh Khang có thể đã bị trì hoãn.
Từ tháng 8 năm ngoái, Bưu điện Hoa Nam đã dẫn nguồn tin riêng cho biết, các nhà lãnh đạo cấp cao đương nhiệm và đã nghỉ hưu đồng ý điều tra Chu Vĩnh Khang sau một cuộc họp tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà. Nhưng sự chậm trễ của một thông báo chính thức cho thấy cuộc thương lượng nội bộ đã phải kéo dài bất chấp sự sụp đổ của 1 đồng minh chủ chốt của Chu Vĩnh Khang, cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
Ông Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai được cho là đã sát cánh bên nhau ngày còn đương chức. |
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, trước khi chính thức công bố quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang, ông Tập Cận Bình đã lần lượt tháo dỡ, phá bỏ sân sau quyền lực của ông Khang trong ngành công nghiệp dầu khí Trung Quốc, tỉnh Tứ Xuyên, Bộ Công an và thiết lập các vấn đề pháp lý.
Chu Vĩnh Khang từng đảm nhiệm chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc, sau đó là Bí thư Tứ Xuyên rồi tới Bộ trưởng Công an trước khi được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị đầy quyền lực và được giao phụ trách ngành cảnh sát, tòa án, kiểm sát.
Ủy ban Kiểm tra - kỷ luật của đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt giữ hàng chục quan chức cấp bộ có quan hệ với Chu Vĩnh Khang, gồm Tưởng Khiết Mẫn - Chủ nhiệm Ủy ban quản lý tài sản nhà nước, Lý Đông Sinh - Thứ trưởng Bộ Công An, Vương Vĩnh Xuân - Phó Chủ tịch tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc, Lý Xuân Thành - Phó Bí thư Tứ Xuyên, Quách Vĩnh Tường - Chủ tịch Tứ Xuyên, Ký Văn Lâm - Phó Chủ tịch tỉnh Hải Nam, Dư Cương và Đàm Hồng là 2 thư ký riêng trực tiếp của Chu Vĩnh Khang.
Giới phân tích cho rằng chiến dịch chống tham nhũng lần này của Tập Cận Bình mở đường cho ông điều chỉnh lại khu vực nhà nước và các cơ quan an ninh của đảng mà ông cho là tham nhũng nhất trong hệ thống. "Nó cho thấy rằng chính trị đã thực sự thay đổi ở Bắc Kinh", tiến sĩ Kerry Brown, một giáo sư về chính trị Trung Quốc tại đại học Sydney bình luận.
Brown cho rằng ông Tập Cận Bình có thể đã cảm thấy tính hợp pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc bị xói mòn bởi các thành viên sử dụng các sân sau là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để làm giàu bất chính.
Câu hỏi đặt ra là liệu cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang có phải một bước ngoặt trong trách nhiệm của chính phủ hay chỉ đơn thuần là một cảnh báo cho các quan chức tham nhũng. Trong lịch sử, chỉ có 2 ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc bị mất chức, nhưng là vì đấu đá chính trị chứ không liên quan đến tham nhũng, đó là Lưu Thiếu Kỳ năm 1966 mất chức Chủ tịch nước và Lâm Bưu năm 1971.
Truyền thông phương Tây cũng đã có những báo cáo cho biết các cựu quan chức cấp cao Trung Quốc đang sở hữu khối tài sản khổng lồ. Năm ngoái The New York Times cho biết các doanh nghiệp sân sau của ông Ôn Gia Bảo, cựu Thủ tướng kiểm soát có trị giá ít nhất 2,7 tỉ USD.
Steve Tsang nói rằng măc dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã tạo dựng được uy tín chính trị to lớn nhưng vẫn có rất nhiều nghi ngờ về việc ông Bình sẽ nhắm mục tiêu "đồ long đả hổ" tiếp theo vào các nhà lãnh đạo khác như Ôn Gia Bảo hay Giang Trạch Dân vào lúc này. Ông không hy vọng các cựu thành viên khác trong Thường vụ Bộ chính trị bị đặt trong tình trạng như Chu Vĩnh Khang.
Vụ điều tra Chu Vĩnh Khang được giới quan sát xem như nhằm phục vụ mục đích chuyển hướng chú ý hoặc giảm nhẹ sự tức giận bị dồn nén của dư luận về những bất công xã hội và khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng. Nhưng để khắc phục những vấn đề này, đòi hỏi nhiều hơn những biện pháp chữa cháy như điều tra tham nhũng, mà cần phải có các hệ thống quản lý, giám sát quyền lực hiệu quả trên nền tảng pháp luật.