"Lỗi đánh máy" khiến Hồ Đại Lải bị san lấp đến tận lòng hồ

25/08/2020 06:29
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lý do được đưa ra là sơ xuất trong quá trình thẩm định và soạn thảo văn bản, Vĩnh Phúc đã đính chính lại văn bản phát ra sau… gần 4 năm ban hành.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc - ông Vũ Chí Giang đã ký ban hành văn bản số 1959/QĐ-UB ngày 5/8/2020 về việc đính chính Quyết định số 41 ngày 6/1/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải tại xã Ngọc Thanh, Thành phố Phúc Yên.

Quyết định nêu rõ: “Đính chính thông số thiết kế cao độ san nền trong quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải tại xã Ngọc Thanh”.

Quyết định 41 do ông Vũ Chí Giang ký năm 2017 tại Điều 1, khoản 5, điểm 5.4, mục thứ nhất ghi: “San nền: Đảm bảo nguyên tắc san nền cục bộ đối với từng khu đất nhằm giữ nguyên địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa khối lượng thi công do đào đắp san nền, đồng thời có giải pháp kè chắn đất, gia cố mái dốc.

Thiết kế san nền thấp nhất 17,65m tại khu vực phía Tây Nam, giáp hồ Đại Lại; cao nhất 68,90m tại khu vực đồi núi phía Đông Bắc; hướng dốc về phía Tây và phía Tây Nam khu vực lập quy hoạch để thoát ra hồ Đại Lải”.

Nay văn bản số 1959 ghi đính chính: Nay đính chính thành: San nền… thiết kế san nền thấp nhất 21,59m tại khu vực phía Tây, giáp hồ Đại Lải…”.

Lý do của việc đính chính này được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra trong văn bản là: “Trong hồ sơ quy hoạch đã duyệt tại Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 05/01/2017 của UBND tỉnh có duy nhất 01 điểm khổng chế tại khu đất ở có kí hiệu OBTS7 thể hiện cao độ san nền thấp nhất + 17,65 m; Tuy nhiên theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 được duyệt năm 2010 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt năm 2012 (Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 10/01/2012 của UBND tỉnh) đã xác định vị trí này có cao độ thấp nhất + 21,50 m; đồng thời, trên thực tế vị trí này nằm tiếp giáp khu đất nhà điều hành sân Golf Đại Lải (được san nền hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2010) đã có cao độ nền là + 21,50 m nhưng do sơ xuất trong quá trình thẩm định và soạn thảo văn bản nên cơ quan thẩm định đã trình vị trí này có cốt san nền 17,65m.

Các nội dung khác: Giữ nguyên theo Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 05/01/2017 của UBND tỉnh".

Hồ Đại Lải bị xâm hại nghiêm trọng. Ảnh: Việt Hòa, Báo Giao thông

Hồ Đại Lải bị xâm hại nghiêm trọng. Ảnh: Việt Hòa, Báo Giao thông

Thời gian qua, hàng loạt cơ quan báo chí đã đăng loạt bài điều tra về việc san đồi lấp hồ Đại Lải làm khu biệt thự nghỉ dưỡng.

Loạt bài viết phản ánh tình trạng thời gian gần đây Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Lải Việt Nam tiến hành bạt cả quả đồi, lấp hồ Đại Lải với diện tích khổng lồ lên tới tới vài chục héc-ta.

Sở dĩ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Lải có thể ngang nhiên lấp hồ làm khu biệt thự là nhờ có “lá bùa hộ mệnh” là Quyết định 41 ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Quyết định 41 do ông Vũ Chí Giang – Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký cho phép doanh nghiệp này được phép san nền tới cốt thấp nhất 17,50m.

Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2012 của Bộ NN&PTNT ban hành quy chuẩn quốc gia nêu:

Vùng ngập thường xuyên của hồ chứa nước Đại Lải là vùng mặt đất của lòng hồ nằm từ cao trình mực nước dâng bình thường (+21.50m) trở xuống. Vùng bán ngập của hồ được tính từ cao trình mực nước dâng bình thường (21.50m) đến cao trình mực nước lũ kiểm tra (+22.50m).

Như vậy, với việc cấp phép cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Lải Việt Nam đổ đất san lấp tới cốt nền thấp nhất là 17,65m tại lòng hồ Đại Lải.

Thực trạng này tồn tại suốt nhiều năm qua, khiến diện tích hồ Đại Lải bị lấp, xâm chiếm một phần không nhỏ.

Thế nhưng, chỉ tới khi các cơ quan vào cuộc phản ánh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, các bộ, ngành vào cuộc kiểm tra, xử lý thì Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang ra văn bản đính chính, cho rằng sai sót trong Quyết định 41 là… do sơ xuất trong quá trình thẩm định và soạn thảo văn bản

Và hiện tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa cho biết phương án khắc phục cũng như xử lý những cá nhân, bộ phận liên quan trong quá trình thẩm định và soạn thảo văn bản dẫn đến Ủy ban nhân dân của một tỉnh đưa ra văn bản có sai sót trong nhiều năm.

Đặc biệt, sai sót này còn trực tiếp làm ảnh hưởng đến một công trình không chỉ có ý nghĩa về mặt dân sinh mà Hồ Đại Lải còn là một công trình có ý nghĩa về mặt giáo dục truyền thống lịch sử khi là công trình xây dựng của lực lượng thanh niên xung phong vừa tròn 70 năm tuổi.

Diễn biến vụ việc lấp hồ Đại Lải làm khu biệt thự

- Ngày 10/2, Tổng cục Thủy lợi ban hành Kết luận số 253 về việc kiểm tra các hoạt động trong phạm vi hồ Đại Lải. Kết luận đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc quản lý của ỦY ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc dẫn đến tình trạng hồ Đại Lải bị “bức tử” với quy mô lớn.

- Ngày 1/7: Báo Giao thông, Nhân dân, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài: “Ngang nhiên bạt đồi, lấp hồ Đại Lải làm khu biệt thự”

- Cùng ngày 1/7, Tổng cục Thủy Lợi và Cục Cảnh sát môi trường thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra thực tế tại hồ Đại Lải.

- Ngày 14/7, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thông tin Báo Giao thông nêu, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.

- Ngày 7/8, Tổng cục Quản lý đất đai thành lập đoàn kiểm tra xác minh thông tin phản ánh của báo chí về sai phạm trong quản lý sử dụng đất tại hồ Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trần Phương