Công sức của tiền nhân và hành vi của hậu thế tại hồ Đại Lải

07/07/2020 06:29
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Liệu các doanh nghiệp có dám tự ý bạt đồi san lấp hồ Đại Lải, một công trình không chỉ là danh lam thắng cảnh?

Nhiều ngày qua, dư luận đang dồn sự chú ý vào việc hồ Đại Lải bị xâm hại.

Sở dĩ dư luận quan tâm bởi hồ Đại Lải là một trong những công trình không chỉ cung nước phục vụ sản xuất canh tác cho một phần của tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội, mà hồ Đại Lải còn có chức năng ngăn và xả lũ cho toàn bộ khu vực này.

Bên cạnh đó, hồ Đại Lải còn là một trong những công trình có tính biểu tượng lịch sử thể hiện tinh thần đầy vẻ vang của các tầng lớp thanh niên xung phong với tinh thần “đâu cần thanh niên có”, một công trình mang ý nghĩa giáo dục cao đối với hậu thế.

Vì vậy mà nhiều người cảm thấy xót xa khi thấy một công trình có ý nghĩa như vậy bị xâm hại.

Doanh nghiệp có tự ý vi phạm khi bạt đồi san lấp hồ Đại Lải? Ảnh: Báo Giao thông.

Doanh nghiệp có tự ý vi phạm khi bạt đồi san lấp hồ Đại Lải? Ảnh: Báo Giao thông.

Liệu rằng, các doanh nghiệp có dám ngang nhiên xâm hại một công trình không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn là công trình dân sinh, thủy lợi có ý nghĩa lớn với hàng ngàn hộ dân? Nếu doanh nghiệp làm sai thì trách nhiệm của chính quyền được xác định thế nào?

Việc xây dựng của công ty Đại Lải Việt Nam được thực hiện theo Quyết định 41/QĐ-UBND ngày 5/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Lải Việt Nam.

Theo quyết định này, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cho phép Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Lải Việt Nam triển khai dự án với diện tích được quy hoạch lên tới 156,9ha xây dựng Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng với quy mô dân số khoảng 4.500 người.

Tại quyết định phê duyệt quy hoạch này, bao gồm nhiều loại đất như đất thương phẩm, công trình công cộng, đất giao thông, đất trồng cây xanh… trong đó diện tích lớn nhất là đất ở với 603.940m2 (chiếm 38,48%).

Đối với quy hoạch kỹ thuật của dự án, quyết định nêu rõ: “San nền: Đảm bảo nguyên tắc san nền cục bộ đối với từng khu đất nhằm giữ nguyên địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa khối lượng thi công do đào đắp, san nền đồng thời có các giải pháp kè chắn đất, gia cố mái dốc. Thiết kế san nền thấp nhất 17,65m tại khu vực phía Tây Nam giáp hồ Đại Lải…”.

Theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành quy chuẩn quốc gia thì: Vùng ngập thường xuyên của hồ chứa nước Đại Lải là vùng mặt đất của lòng hồ nằm từ cao trình mực nước dâng bình thường (+21.50m) trở xuống.

Vùng bán ngập của hồ được tính từ cao trình mực nước dâng bình thường (21.50m) đến cao trình mực nước lũ kiểm tra (+22.50m).

Như vậy, với việc cấp phép cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Lải Việt Nam đổ đất san lấp tới cốt nền thấp nhất là 17,65m, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Lải Việt Nam đổ đất san lấp tới lòng hồ Đại Lải.

Trong khi đó, phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập (+23m) trở xuống phía lòng hồ.

Bên cạnh đó, như Giáo dục Việt Nam đã đưa, chính kết luận của Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ rõ: Việc tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi, vi phạm Luật đất đai.

Tuy vậy, dù kết luận kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình cấp phép của cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, vi phạm trong việc đổ đất lấp hồ của doanh nghiệp.

Cũng trong kết luận, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xử lý, khắc phục sai phạm, báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30/3/2020.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có báo cáo nào gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Có lẽ cảnh doanh nghiệp ngang nhiên bạt đồi san lấp hồ Đại Lải khiến nhiều người phải đau xót cho công sức của một thời những lớp thanh niên xung phong hừng hực tinh thần yêu nước: "... kẻ cuốc người đào rồi gánh gồng, đẩy xe nhộn nhịp; tiếng máy đầm hoà với tiếng hát khiến cho công trường như trong ngày hội".(1)

Để xây dựng được những công trình có ý nghĩa như vậy, những lớp thanh niên xung phong đã phải sống trong điều kiện sinh hoạt lại khó khăn, thiếu thốn: ở lán trại, nằm sàn nứa, chỗ ngồi ăn cơm ngoài trời mịt mù gió, bụi và cát… nhưng khí thế thi đua lúc nào cũng hừng hực hoàn thành công trình.

Vậy mà giờ đây, hồ Đại Lải lại đang bị xâm hại một cách không thương tiếc.

* Tài liệu tham khảo:

(1)http://thanhnienxungphong.vn/di-tich/vinh-phuc/cong-trinh-ho-dai-lai/107177

Trần Phương